Mưa chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Anh nghĩ cô đang ngồi ở Mộc, khi thấy những bức hình cô đăng lên face vài phút trước.

Bức hình cô chụp khoảnh khắc mưa đổ dài trên mái ngói nâu thấm đẫm nước và chiếc bình gốm màu xanh ngọc, chiều nay, Mộc cắm sen mùa hạ. Đây không phải lần đầu anh thấy cô chụp ảnh Mộc.

Minh họa: VĂN TIN

Minh họa: VĂN TIN

Anh thích Mộc ngay lần đầu tiên biết đến nơi này. Không gian Mộc tĩnh lặng, gợi nỗi niềm xưa cũ, mỗi lần đến cảm giác như được lần tìm về với thời thơ ấu. Những bức ảnh đen trắng Mộc treo trên vách, thấp thoáng, mênh mang, dội sâu vào sóng mắt.

Chiếc bình gốm nhỏ giản đơn, màu rêu tàn, Mộc cắm bông hoa khô màu trắng xếp cạnh chiếc hộp bằng đồng méo mó, anh mở nắp, bất ngờ còn một cái nắp khác nữa, bên trong đựng những đồng xu cổ, gợi anh nhớ chiếc hộp sắt cất tiền lẻ ngày xa xưa của nội. Và những bản nhạc xưa chạy trên chiếc đĩa than, Mộc đưa anh trôi về hoài niệm.

Anh thả tim cho bức ảnh của cô, không bình luận gì. Phố anh ở cũng đang mưa. Mưa đổ tràn xuống con ngõ nhỏ. Trên tàng cây sao già phố cũ, anh nghe tiếng mưa rơi trên lá, vỡ ra, từng nhịp, ngỡ như tiếng đàn guitar của Du. Bữa đó, Du ngồi tựa lưng vào ghế, ánh mắt buồn xa xăm, Du đàn trong hơi men say. Anh quay qua Du hỏi, hôm nay sao thế? Du im lặng, anh cảm giác như thời gian trôi kéo dài mãi. Có một ngày, Du trở về nhà, mệt nhoài, đổ người xuống chiếc sô-pha màu mận chín, cổ tay tựa nhẹ lên trán, Du nói thấy hoang mang về cuộc đời mình. Ước muốn sâu thẳm trong lòng Du đang dần chìm đi. Cuộc sống giờ chỉ là những quẩn quanh tẻ nhạt. Một công việc lặp đi lặp lại trong guồng quay không ngừng vội vã. Phải có gì khác đi chứ? Anh biết Du buồn. Du đến thành phố này nhưng không tìm thấy được điều mình ước muốn. Nhưng anh không trả lời được cho Du câu hỏi ấy. Anh cũng từng hoang mang như thế trong những năm tháng tuổi trẻ của mình. Sau này, anh đã học cách ngồi tĩnh lặng để định tâm, dồn nỗi buồn xuống đáy sâu tâm hồn và chấp nhận mọi thứ. Cuộc sống mưu sinh mà, vậy thôi. Cho đến ngày Du rời phố đi, dứt khoát, nỗi buồn ấy lại dội về trong anh rõ nét.

Anh vươn tay ra ngoài ban công, nắm lấy chiếc lá sao vừa rụng. Chiếc lá còn mướt xanh, mưa gió thổi qua đã bứt lá lìa cành. Mùi rêu ẩm trên tường cũ loang dần, chạm hơi mưa, ngai ngái. Anh nhìn xuống đường, thấy nước mưa cuốn rác trên lòng đường đổ tràn về các nắp cống. Thấy những dòng người không ngừng cắm cúi chen chúc. Và tắc đường. Kẹt xe. Tiếng còi không ngừng va vào nhau inh ỏi giữa buổi chiều mưa thành phố. Anh cầm tách trà lên nhấp một ngụm, nguội ngắt. Chợt nhớ, anh từng đọc được ở trang tin nào đó viết đại ý rằng, trà là thức uống thử lòng người. Bởi người chịu được sự đắng chát của ngụm trà đầu tiên mới chạm được vào dư vị ngọt động lòng sau đó. Anh bật cười, sao người ta cứ phải gán ghép ý nghĩa cho nhiều thứ. Như anh đơn giản chỉ là thích uống trà, một mình, đâu phải vì trà có ý nghĩa gì. Có nhiều đêm ngủ muộn, anh ngồi uống trà chờ một tiếng rao đêm ngang qua. Tiếng rao quen thuộc của người đàn bà cần mẫn, lam lũ trên chiếc xe đạp cũ văng vẳng trong đêm thanh vắng “Ai bánh mì bánh khúc đây”. Rồi tiếng rao nhỏ dần, trôi theo bóng người đàn bà khuất vào con ngõ nhỏ.

Đôi khi, trong những chuyến đi xa, anh cũng có nhớ thành phố ồn ào mà anh đã nương nhờ mười mấy năm qua. Nhưng dường như anh biết mình không thuộc về nó. Thành phố này, là nơi trú ngụ, dừng chân, ở tạm của bao nhiêu phận người? Anh nào biết rõ. Có thể họ đến đây với ước mong được nhận diện bản thân, được tạo dựng sự nghiệp mà nếu không có nó người ta nghĩ đời mình hóa ra thật vô vị, tẻ nhạt. Hoặc họ đến để thêm vào những câu chuyện đời mưu sinh khó nhọc. Anh nhớ những chuyến xe hoa rong của những người đàn bà lặng lẽ dãi dầm mưa nắng chở mùa đi khắp phố. Có chiều mưa mùa hạ, tan sở về nhà, chợt gặp người đàn bà ướt sũng đứng bên xe hoa rũ trong mưa, anh thương đến lạ. Anh nhớ ánh mắt buồn nhuốm màu sương khói của vợ chồng ông lão già hàng ngày đẩy chiếc xe nước nhỏ mưu sinh nơi công viên. Anh cũng nhớ ngã tư quen có người đàn ông gầy gò, dắt theo đứa nhỏ. Người đàn ông đứng thổi sáo còn đứa nhỏ cầm trên tay chiếc rổ nhựa đựng vài ba thứ đồ lặt vặt, kẹo cao su, tăm bông, bút bi, bút mực... Chín mươi giây đèn đỏ, đứa nhỏ ào ra, chìa chiếc rổ nhựa về phía những khuôn mặt mỏi mệt sau một ngày dài làm việc mời chào. Đèn xanh vụt sáng, dòng người trôi đi, bỏ lại ánh mắt buồn của đứa nhỏ, bỏ lại người đàn ông cứ đứng lặng lẽ cùng tiếng sáo rơi chìm như không hề chiếm một chút không gian nào giữa sự ồn ào của phố. Những hình ảnh ấy, có phải như nét chấm buồn trên bức ảnh mang nhiều màu sắc rực rỡ nơi phố thị…

Ảnh. Anh chợt nhớ đến những bức ảnh cô chụp. Một ngọn cỏ non trong sương sớm, rõ đến những hạt sương còn vương trên lá. Một ráng chiều rực đỏ buông trên sông, thấp thoáng con thuyền chậm trôi. Một đôi cánh chuồn chuồn mỏng đậu trên bông cỏ may tím biếc. Và cây bàng quán Mộc, được cô chụp vào nhiều thời điểm khác nhau, đơm hoa, trút lá, những mầm non nhú lên như đốm lửa trên cành. Và rất nhiều bức ảnh không lời khác. Ảnh không có âm thanh, không có mùi vị, mà làm xao động lòng. Nhưng sao, anh tìm mãi, không có bức ảnh nào chụp khuôn mặt cô, chỉ có một bức chụp toàn cảnh rộng, là cô đứng giữa con đường phủ mờ sương, quay lưng lại, trên cao những đèo núi hay là ai…

Anh nhớ bức hình cô chụp bầu trời mùa hạ xanh trong, bên dưới bầu trời giàn mướp nhuộm vàng bên thềm giếng. Chao ôi, cái màu vàng của bông mướp dưới nắng hanh hao làm anh nhớ nhung những mùa cũ. Như suốt bao năm, anh nhớ thương hình bóng nội. Nhà nội cũng có giàn mướp vàng như thế. Nhớ sớm mai nào thức giấc, hoa mướp rụng đầy góc sân như đốm nắng, lặng nhìn sâu vào mỗi chiếc hoa tưởng như gặp lại từng giấc mơ nho nhỏ trong những ngày ấu thơ mà lòng nghĩ đã quên lâu lắm rồi. Anh cũng nhớ tiếng khua gàu múc nước bên thềm giếng ngày nội còn khỏe mạnh.

Những trưa trốn ngủ, cùng bạn chơi trốn tìm, anh nấp sau khuôn giếng, rồi chống hai tay lên thành giếng, anh soi xuống thấy những đám mây mùa hạ đứng yên lại trên nền trời xanh thẳm, thấy khuôn mặt mình tan ra cùng giấc mơ cỏ dại. Thời gian đã trôi rất xa. Trong khu vườn xưa của nội, giàn mướp chỉ còn thơm hương trong ký ức, chỉ còn những loài hoa cỏ dại vẫn đua nhau mọc lên xanh um tùm như không biết đến nỗi buồn đã rơi vương xuống khu vườn rộng ấy. Nội đã hóa thành vầng mây trắng, bay về mãi cuối trời. Bao nhiêu năm ở thành phố này, anh bận bịu với nhiều buồn vui của phố, quên dọn sạch một khoảng trống lòng mình mà lặng yên thương nhớ về khoảng trời đã mất.

“Đêm qua, chợt nghe tiếng dế kêu ri rỉ ở đâu. Một tiếng dế đi lạc trong thành phố giữa những bờ tường bê tông mênh mông xám. Một tiếng dế kêu cô đơn, bơ vơ, như tha thiết gọi tìm đồng loại. Như tiếng nỗi lòng nhớ thương cánh đồng cỏ mướt xanh. Sớm nay thấy chú dế nằm ngủ quên lại trong vũng nước trước nhà, có phải chú đã kêu đêm qua…”. Anh ngồi lặng trước những gì cô viết. Anh gõ lên bàn phím những dòng chữ bình luận, rồi lại bôi đen xóa đi. Con dế trong ký ức tuổi nhỏ anh trở về. Một đêm, anh ngồi chơi ngoài hè, chợt nghe tiếng dế gáy to vang dội. Lần theo tiếng dế, anh bước chân thật nhẹ êm sợ bị phát hiện. Con dế hẳn ẩn nấp trong miếng chum vỡ cạnh bụi cỏ sau hè. Anh bước đến gần, rón rén ngồi xuống, lật nhanh miếng chum vỡ, túm chặt, con dế đã nằm trong tay anh. Một con dế than to khỏe, cánh đen mượt. Anh nhốt con dế than vào chiếc tổ nhỏ. Nhưng từ hôm bị bắt về, lạ, con dế không còn gáy nữa. Những cọng cỏ xanh non anh mang về lót tổ và làm thức ăn cứ héo úa dần, con dế đâu buồn động đến. Anh thức chờ nghe tiếng dế gáy mà sao thấy đêm im ắng, buồn dài vô chừng. Anh và con dế đợi lòng nhau. Cho đến một đêm, có lẽ nó không nhịn được tiếng lòng thôi thúc, lại cất tiếng gáy vang. Anh vui sướng nghĩ mình chiến thắng. Nào ngờ đó là lần cuối cùng nó cất tiếng gáy, tiếng gáy gọi tìm bạn, tiếng gáy tìm lại bầu trời tự do của mình… Anh đã buồn suốt một ngày hôm đó, và những ngày sau nữa, giá con đừng bắt nhốt nó lại, biết đâu nó đã không chết phải không nội. Nội xoa xoa đầu anh bảo, có thể là như thế, nhưng con đừng buồn nữa. Con hãy nghĩ rằng số mệnh của nó chỉ đến đây thôi. Con dế nhỏ sẽ hóa kiếp bắt đầu một vòng đời khác. Hoặc biết đâu nó sẽ hóa thành con bướm hấp háy đôi cánh mà suy tư trên chùm khế tím, hoặc thành cây cỏ xanh ngát trong khu vườn êm đềm… Có thật không nội. Thật chứ. Con biết không, mỗi loài vật, cây cỏ dù nhỏ bé thế nào thì chúng cũng có linh hồn con ạ... Tiếng nội cứ thế âm ấm trong đêm.

Trong dòng suy nghĩ mông lung, giật mình hình như anh đang đợi chờ điều gì đó rất mơ hồ. Như một ngày cô sẽ ngồi cùng anh ở Mộc chứ… Anh kết bạn với cô trên face từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào, sao anh không nhớ rõ. Có lẽ, anh có nhiều người bạn trên mạng như thế trong danh sách bạn dài hơn ba nghìn người trên face. Anh cũng chưa từng nói chuyện với cô, một lần. Chỉ là một ngày, những bức hình cô chụp làm anh xao động, anh thả tim cho những bức hình ấy. Anh và cô ở chung trong một thành phố ồn ào và phải chăng người ta dễ cô đơn trong chính sự ồn ào đó…

Có thể bạn quan tâm

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

(GLO)- Ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất, nhiều đầu sách hiếm tại kho Địa chí của Thư viện tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tài liệu của độc giả hay đôi khi chỉ là mong ước tìm về ký ức thời gian khi được cầm trên tay một cuốn sách xưa cũ.

Tự khúc

Thơ Vân Phi: Tự khúc

(GLO)- Bài thơ "Tự khúc" của tác giả Vân Phi chất chứa bao cảm xúc sâu sắc với nỗi nhớ và sự hoài niệm về một mối tình đã qua. Những hình ảnh như "bến cũ", "sóng trôi" và "trăng vỡ" tạo nên không gian vừa lãng mạn vừa buồn bã, ẩn hiện nỗi cô đơn của người gửi gắm tâm tư...
Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng: Vượt khó để theo đuổi đam mê sáng tạo

Nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng vượt khó theo đuổi đam mê sáng tạo

(GLO)- Khó có thể hình dung cách thức một nhà điêu khắc hoàn thiện tác phẩm chỉ với 1 tay. Vậy mà, bằng đam mê với những mảng khối, nhà điêu khắc Triệu Tiến Dũng-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành công bước đầu trong hành trình sáng tạo.
Diễn đàn Tổng Biên tập “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?”

Diễn đàn Tổng Biên tập “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?”

Tiếp nối thành công từ chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2023, Báo Nhà báo và Công luận tiếp tục tổ chức chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp - hướng đi cho báo chí truyền thống” vào ngày 21/9/2024, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Gương mặt thơ: Đàm Chu Văn

Gương mặt thơ: Đàm Chu Văn

(GLO)- Ông xuất thân là bộ đội, tên thật là Đàm Xuân Nhiệm, sau khi xuất ngũ thì về làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai.
Thơ Nguyễn Trọng Đồng: Bé và con hạc giấy

Thơ Nguyễn Trọng Đồng: Bé và con hạc giấy

(GLO)- Bài thơ "Bé và con hạc giấy" của tác giả Nguyễn Trọng Đồng thể hiện thông điệp về tình bạn đẹp và sự trong sáng trong mối quan hệ giữa trẻ em và thế giới tưởng tượng của mình. Hạc giấy không chỉ là một món đồ chơi mà còn là biểu tượng của ước mơ và sự tự do trong tâm hồn của bé.
Thơ Bút Biển: Tình đầu

Thơ Bút Biển: Tình đầu

(GLO)- Mối tình đầu bao giờ cũng lãng mạn và khó quên. Qua lời thơ của mình, tác giả Bút Biển đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ với nỗi buồn và sự cô đơn trong không gian quen thuộc, nơi ký ức về tình yêu đầu vẫn còn vương vấn và quá đỗi mênh mông...
Đoàn thiện nguyện cùng đoàn viên, thanh niên hướng dẫn các em đọc sách được trao tặng từ chương trình Sách về làng tại thư viện nhà trường. Ảnh: Vũ Chi

Sách về làng: Lan tỏa văn hóa đọc tới thiếu nhi vùng khó

(GLO)- Chương trình “Sách về làng” do Huyện Đoàn Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH Joy Foudation và Trường Đại học Văn Lang tổ chức chiều 14-9 tại Trường Tiểu học xã Uar đã mang lại niềm vui, giúp lan tỏa văn hóa đọc tới thiếu nhi vùng khó.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Lắng nghe mùa thu

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Lắng nghe mùa thu

(GLO)- Mùa thu được nhiều người ưu ái gọi là mùa cuốn hút trong năm. Còn với tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, thu đến là lúc thả hồn lắng nghe, cảm nhận những hương vị đặc trưng của quê hương như: mùi ổi chín, hương cốm, đom đóm, hoa sữa... Mọi thứ hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.