Mưa chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh nghĩ cô đang ngồi ở Mộc, khi thấy những bức hình cô đăng lên face vài phút trước.

Bức hình cô chụp khoảnh khắc mưa đổ dài trên mái ngói nâu thấm đẫm nước và chiếc bình gốm màu xanh ngọc, chiều nay, Mộc cắm sen mùa hạ. Đây không phải lần đầu anh thấy cô chụp ảnh Mộc.

Minh họa: VĂN TIN

Minh họa: VĂN TIN

Anh thích Mộc ngay lần đầu tiên biết đến nơi này. Không gian Mộc tĩnh lặng, gợi nỗi niềm xưa cũ, mỗi lần đến cảm giác như được lần tìm về với thời thơ ấu. Những bức ảnh đen trắng Mộc treo trên vách, thấp thoáng, mênh mang, dội sâu vào sóng mắt.

Chiếc bình gốm nhỏ giản đơn, màu rêu tàn, Mộc cắm bông hoa khô màu trắng xếp cạnh chiếc hộp bằng đồng méo mó, anh mở nắp, bất ngờ còn một cái nắp khác nữa, bên trong đựng những đồng xu cổ, gợi anh nhớ chiếc hộp sắt cất tiền lẻ ngày xa xưa của nội. Và những bản nhạc xưa chạy trên chiếc đĩa than, Mộc đưa anh trôi về hoài niệm.

Anh thả tim cho bức ảnh của cô, không bình luận gì. Phố anh ở cũng đang mưa. Mưa đổ tràn xuống con ngõ nhỏ. Trên tàng cây sao già phố cũ, anh nghe tiếng mưa rơi trên lá, vỡ ra, từng nhịp, ngỡ như tiếng đàn guitar của Du. Bữa đó, Du ngồi tựa lưng vào ghế, ánh mắt buồn xa xăm, Du đàn trong hơi men say. Anh quay qua Du hỏi, hôm nay sao thế? Du im lặng, anh cảm giác như thời gian trôi kéo dài mãi. Có một ngày, Du trở về nhà, mệt nhoài, đổ người xuống chiếc sô-pha màu mận chín, cổ tay tựa nhẹ lên trán, Du nói thấy hoang mang về cuộc đời mình. Ước muốn sâu thẳm trong lòng Du đang dần chìm đi. Cuộc sống giờ chỉ là những quẩn quanh tẻ nhạt. Một công việc lặp đi lặp lại trong guồng quay không ngừng vội vã. Phải có gì khác đi chứ? Anh biết Du buồn. Du đến thành phố này nhưng không tìm thấy được điều mình ước muốn. Nhưng anh không trả lời được cho Du câu hỏi ấy. Anh cũng từng hoang mang như thế trong những năm tháng tuổi trẻ của mình. Sau này, anh đã học cách ngồi tĩnh lặng để định tâm, dồn nỗi buồn xuống đáy sâu tâm hồn và chấp nhận mọi thứ. Cuộc sống mưu sinh mà, vậy thôi. Cho đến ngày Du rời phố đi, dứt khoát, nỗi buồn ấy lại dội về trong anh rõ nét.

Anh vươn tay ra ngoài ban công, nắm lấy chiếc lá sao vừa rụng. Chiếc lá còn mướt xanh, mưa gió thổi qua đã bứt lá lìa cành. Mùi rêu ẩm trên tường cũ loang dần, chạm hơi mưa, ngai ngái. Anh nhìn xuống đường, thấy nước mưa cuốn rác trên lòng đường đổ tràn về các nắp cống. Thấy những dòng người không ngừng cắm cúi chen chúc. Và tắc đường. Kẹt xe. Tiếng còi không ngừng va vào nhau inh ỏi giữa buổi chiều mưa thành phố. Anh cầm tách trà lên nhấp một ngụm, nguội ngắt. Chợt nhớ, anh từng đọc được ở trang tin nào đó viết đại ý rằng, trà là thức uống thử lòng người. Bởi người chịu được sự đắng chát của ngụm trà đầu tiên mới chạm được vào dư vị ngọt động lòng sau đó. Anh bật cười, sao người ta cứ phải gán ghép ý nghĩa cho nhiều thứ. Như anh đơn giản chỉ là thích uống trà, một mình, đâu phải vì trà có ý nghĩa gì. Có nhiều đêm ngủ muộn, anh ngồi uống trà chờ một tiếng rao đêm ngang qua. Tiếng rao quen thuộc của người đàn bà cần mẫn, lam lũ trên chiếc xe đạp cũ văng vẳng trong đêm thanh vắng “Ai bánh mì bánh khúc đây”. Rồi tiếng rao nhỏ dần, trôi theo bóng người đàn bà khuất vào con ngõ nhỏ.

Đôi khi, trong những chuyến đi xa, anh cũng có nhớ thành phố ồn ào mà anh đã nương nhờ mười mấy năm qua. Nhưng dường như anh biết mình không thuộc về nó. Thành phố này, là nơi trú ngụ, dừng chân, ở tạm của bao nhiêu phận người? Anh nào biết rõ. Có thể họ đến đây với ước mong được nhận diện bản thân, được tạo dựng sự nghiệp mà nếu không có nó người ta nghĩ đời mình hóa ra thật vô vị, tẻ nhạt. Hoặc họ đến để thêm vào những câu chuyện đời mưu sinh khó nhọc. Anh nhớ những chuyến xe hoa rong của những người đàn bà lặng lẽ dãi dầm mưa nắng chở mùa đi khắp phố. Có chiều mưa mùa hạ, tan sở về nhà, chợt gặp người đàn bà ướt sũng đứng bên xe hoa rũ trong mưa, anh thương đến lạ. Anh nhớ ánh mắt buồn nhuốm màu sương khói của vợ chồng ông lão già hàng ngày đẩy chiếc xe nước nhỏ mưu sinh nơi công viên. Anh cũng nhớ ngã tư quen có người đàn ông gầy gò, dắt theo đứa nhỏ. Người đàn ông đứng thổi sáo còn đứa nhỏ cầm trên tay chiếc rổ nhựa đựng vài ba thứ đồ lặt vặt, kẹo cao su, tăm bông, bút bi, bút mực... Chín mươi giây đèn đỏ, đứa nhỏ ào ra, chìa chiếc rổ nhựa về phía những khuôn mặt mỏi mệt sau một ngày dài làm việc mời chào. Đèn xanh vụt sáng, dòng người trôi đi, bỏ lại ánh mắt buồn của đứa nhỏ, bỏ lại người đàn ông cứ đứng lặng lẽ cùng tiếng sáo rơi chìm như không hề chiếm một chút không gian nào giữa sự ồn ào của phố. Những hình ảnh ấy, có phải như nét chấm buồn trên bức ảnh mang nhiều màu sắc rực rỡ nơi phố thị…

Ảnh. Anh chợt nhớ đến những bức ảnh cô chụp. Một ngọn cỏ non trong sương sớm, rõ đến những hạt sương còn vương trên lá. Một ráng chiều rực đỏ buông trên sông, thấp thoáng con thuyền chậm trôi. Một đôi cánh chuồn chuồn mỏng đậu trên bông cỏ may tím biếc. Và cây bàng quán Mộc, được cô chụp vào nhiều thời điểm khác nhau, đơm hoa, trút lá, những mầm non nhú lên như đốm lửa trên cành. Và rất nhiều bức ảnh không lời khác. Ảnh không có âm thanh, không có mùi vị, mà làm xao động lòng. Nhưng sao, anh tìm mãi, không có bức ảnh nào chụp khuôn mặt cô, chỉ có một bức chụp toàn cảnh rộng, là cô đứng giữa con đường phủ mờ sương, quay lưng lại, trên cao những đèo núi hay là ai…

Anh nhớ bức hình cô chụp bầu trời mùa hạ xanh trong, bên dưới bầu trời giàn mướp nhuộm vàng bên thềm giếng. Chao ôi, cái màu vàng của bông mướp dưới nắng hanh hao làm anh nhớ nhung những mùa cũ. Như suốt bao năm, anh nhớ thương hình bóng nội. Nhà nội cũng có giàn mướp vàng như thế. Nhớ sớm mai nào thức giấc, hoa mướp rụng đầy góc sân như đốm nắng, lặng nhìn sâu vào mỗi chiếc hoa tưởng như gặp lại từng giấc mơ nho nhỏ trong những ngày ấu thơ mà lòng nghĩ đã quên lâu lắm rồi. Anh cũng nhớ tiếng khua gàu múc nước bên thềm giếng ngày nội còn khỏe mạnh.

Những trưa trốn ngủ, cùng bạn chơi trốn tìm, anh nấp sau khuôn giếng, rồi chống hai tay lên thành giếng, anh soi xuống thấy những đám mây mùa hạ đứng yên lại trên nền trời xanh thẳm, thấy khuôn mặt mình tan ra cùng giấc mơ cỏ dại. Thời gian đã trôi rất xa. Trong khu vườn xưa của nội, giàn mướp chỉ còn thơm hương trong ký ức, chỉ còn những loài hoa cỏ dại vẫn đua nhau mọc lên xanh um tùm như không biết đến nỗi buồn đã rơi vương xuống khu vườn rộng ấy. Nội đã hóa thành vầng mây trắng, bay về mãi cuối trời. Bao nhiêu năm ở thành phố này, anh bận bịu với nhiều buồn vui của phố, quên dọn sạch một khoảng trống lòng mình mà lặng yên thương nhớ về khoảng trời đã mất.

“Đêm qua, chợt nghe tiếng dế kêu ri rỉ ở đâu. Một tiếng dế đi lạc trong thành phố giữa những bờ tường bê tông mênh mông xám. Một tiếng dế kêu cô đơn, bơ vơ, như tha thiết gọi tìm đồng loại. Như tiếng nỗi lòng nhớ thương cánh đồng cỏ mướt xanh. Sớm nay thấy chú dế nằm ngủ quên lại trong vũng nước trước nhà, có phải chú đã kêu đêm qua…”. Anh ngồi lặng trước những gì cô viết. Anh gõ lên bàn phím những dòng chữ bình luận, rồi lại bôi đen xóa đi. Con dế trong ký ức tuổi nhỏ anh trở về. Một đêm, anh ngồi chơi ngoài hè, chợt nghe tiếng dế gáy to vang dội. Lần theo tiếng dế, anh bước chân thật nhẹ êm sợ bị phát hiện. Con dế hẳn ẩn nấp trong miếng chum vỡ cạnh bụi cỏ sau hè. Anh bước đến gần, rón rén ngồi xuống, lật nhanh miếng chum vỡ, túm chặt, con dế đã nằm trong tay anh. Một con dế than to khỏe, cánh đen mượt. Anh nhốt con dế than vào chiếc tổ nhỏ. Nhưng từ hôm bị bắt về, lạ, con dế không còn gáy nữa. Những cọng cỏ xanh non anh mang về lót tổ và làm thức ăn cứ héo úa dần, con dế đâu buồn động đến. Anh thức chờ nghe tiếng dế gáy mà sao thấy đêm im ắng, buồn dài vô chừng. Anh và con dế đợi lòng nhau. Cho đến một đêm, có lẽ nó không nhịn được tiếng lòng thôi thúc, lại cất tiếng gáy vang. Anh vui sướng nghĩ mình chiến thắng. Nào ngờ đó là lần cuối cùng nó cất tiếng gáy, tiếng gáy gọi tìm bạn, tiếng gáy tìm lại bầu trời tự do của mình… Anh đã buồn suốt một ngày hôm đó, và những ngày sau nữa, giá con đừng bắt nhốt nó lại, biết đâu nó đã không chết phải không nội. Nội xoa xoa đầu anh bảo, có thể là như thế, nhưng con đừng buồn nữa. Con hãy nghĩ rằng số mệnh của nó chỉ đến đây thôi. Con dế nhỏ sẽ hóa kiếp bắt đầu một vòng đời khác. Hoặc biết đâu nó sẽ hóa thành con bướm hấp háy đôi cánh mà suy tư trên chùm khế tím, hoặc thành cây cỏ xanh ngát trong khu vườn êm đềm… Có thật không nội. Thật chứ. Con biết không, mỗi loài vật, cây cỏ dù nhỏ bé thế nào thì chúng cũng có linh hồn con ạ... Tiếng nội cứ thế âm ấm trong đêm.

Trong dòng suy nghĩ mông lung, giật mình hình như anh đang đợi chờ điều gì đó rất mơ hồ. Như một ngày cô sẽ ngồi cùng anh ở Mộc chứ… Anh kết bạn với cô trên face từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào, sao anh không nhớ rõ. Có lẽ, anh có nhiều người bạn trên mạng như thế trong danh sách bạn dài hơn ba nghìn người trên face. Anh cũng chưa từng nói chuyện với cô, một lần. Chỉ là một ngày, những bức hình cô chụp làm anh xao động, anh thả tim cho những bức hình ấy. Anh và cô ở chung trong một thành phố ồn ào và phải chăng người ta dễ cô đơn trong chính sự ồn ào đó…

Có thể bạn quan tâm

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.

Bản hòa ca cùng triền ký ức

Bản hòa ca cùng triền ký ức

(GLO)- Dù đã có hơn 30 năm sống ở Pleiku nhưng khi đọc tập “Vân môi say phố” của Ngô Thanh Vân (NXB Hội Nhà văn, 2024), tôi lại có cảm tưởng được khám phá một miền đất tưởng chừng quá đỗi quen thuộc.

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

Giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh tại xã Gào

(GLO)- Tối 10-3, tại làng C (xã Gào), Đội Thông tin lưu động-Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2025), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Hội viên Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh tại chương trình chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2024. Ảnh: H.N

Nhạc sĩ Gia Lai kiếm tìm tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn

(GLO)- Bám sát hơi thở cuộc sống và đưa bản sắc dân tộc vào tác phẩm, các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã thực sự cố gắng trong hoạt động sáng tác nhằm ghi dấu ấn. Song, làm gì để tác phẩm lan tỏa rộng rãi, ghi đậm trong tâm trí người nghe đang là trăn trở của những người tâm huyết.

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

Thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp: Sáng tạo, ý nghĩa

(GLO)- Độc đáo, sáng tạo, ý nghĩa là những đánh giá chung về hơn 300 bức tranh của các tác giả “nhí” gửi về tham gia cuộc thi vẽ tranh chào mừng Đại hội Đảng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp do Hội đồng Đội thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phát động gần 1 tháng qua.

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

Thơ Sơn Trần: Nhớ Pleiku

(GLO)- "Nhớ Pleiku" là một tác phẩm đầy cảm xúc của tác giả Sơn Trần. Từng câu thơ vẽ nên bức tranh phố núi đẹp mơ mộng với cảnh sắc yên bình, quyện hòa cùng ký ức, tình yêu và nỗi nhớ...