Ngày 25-6, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết đã phối hợp Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) thực hiện xạ trị áp sát thành công cho một bệnh nhi ung thư.
Theo đó, bé gái 3 tuổi (ngụ tỉnh Tuyên Quang) được chẩn đoán bị sarcôm cơ vân âm đạo rất hiếm gặp, vị trí bướu nằm sâu ở 1/3 trên âm đạo.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), trẻ được điều trị với phác đồ cập nhật nhất, phẫu thuật lấy phần lớn bướu, hóa trị 9 đợt nhưng vẫn còn tồn lưu bướu trên vi thể. Bệnh nhi quá nhỏ, vị trí bướu sâu, không thể phẫu thuật vì nguy cơ để lại rất nhiều di chứng. Lựa chọn tốt nhất lúc này là xạ trị áp sát khu trú vào nền bướu còn tồn lưu.
Chiều 9-5, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Các chuyên gia thống nhất phương án xạ trị áp sát. Xạ trị áp sát cho các bệnh nhi còn rất nhỏ là kỹ thuật cao và phức tạp, rất ít trung tâm y khoa trên thế giới có thể thực hiện.
Bệnh nhi ung thư âm đạo được xạ trị áp sát tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM |
Dựa vào kết quả MRI và CT scan, Bệnh viện Ung bướu TPHCM dùng kỹ thuật in 3D tạo ra bộ dụng cụ đặc biệt, phù hợp với cấu trúc giải phẫu của bé (bộ áp để cho nguồn phóng xạ đi vào). Sau quá trình chuẩn bị, bé gái được chuyển vào TPHCM.
Ngày 4-6, đội ngũ bác sĩ xạ trị, kỹ sư y vật lý, kỹ thuật viên xạ trị, ê kíp gây mê đã tiến hành xạ trị thành công lần đầu cho bệnh nhi. Theo liệu trình, bệnh nhi được xạ trị 9 đợt trong 5 ngày. Phương pháp này mang lại triển vọng giúp trẻ khỏi bệnh và rất ít để lại di chứng.
Theo Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đây là ca xạ trị áp sát thứ 3 do 2 bệnh viện phối hợp thực hiện trong 2 năm qua. Sự phối hợp giữa các bệnh viện cũng như ứng dụng kỹ thuật cao sẽ mang đến cơ hội điều trị và chất lượng sống tốt nhất cho người bệnh.