So với gần 20 năm trước, những ngôi nhà rông truyền thống ở vùng đất Kông Chro bây giờ khác rất nhiều, như được khoác một chiếc áo mới. Đơn cử, nhà rông làng Tờ Nùng 1 (xã Ya Ma) mới được làm lại cách đây tròn 1 năm. Nhà rông không còn mái tranh dày, “chân ngắn” tạo nên kiến trúc thấp và dài như một con thuyền lớn giữa làng. Sàn nhà cũng được nâng cao hơn hẳn so với nhà cũ. Mái tranh thì được thay thế bằng mái tôn đỏ theo kiểu nhà Thái. Vách nhà đan bằng tre có vẽ những hoa văn đặc trưng cũng được thay bằng vách tôn màu xanh lá, tiệp màu với những ruộng rẫy và dãy núi phía sau.
Những cái mới đã làm thay đổi diện mạo ngôi nhà rông. Nhưng còn đó bức tượng 2 người đàn ông mặc trang phục truyền thống cầm khiên trong tư thế sẵn sàng bảo vệ ngôi nhà chung của làng. Bên trong nồng đượm hơi người, đem đến sự thân thuộc trong không gian sinh hoạt cộng đồng. Chiều mưa, đứng bên hiên nhà, có thể quan sát gần như trọn vẹn nhịp sống chậm rãi vốn có của làng. Bà con đi làm rẫy trở về, dẫn theo con nhỏ thong dong trên các ngả đường. Những đứa trẻ điềm nhiên chơi bóng trong mưa trước sân nhà rông.
Thuộc thế hệ 8X của làng Tờ Nùng 1, anh Đinh Văn Poi cho biết, tuổi đời của anh gắn liền với các mốc làm nhà rông.
Cách nhà rông làng Tờ Nùng 1 không xa, ngôi nhà rông của làng Tờ Nùng-Măng cũng mang một dáng vẻ tương tự với phần mái chóp nhọn kiểu nhà Thái. Sau một ngày lao động vất vả, anh Hlol và một số thanh niên trong làng ghé qua nhà rông chuyện trò trước khi về nhà. Tối tối, họ lại kéo nhau ra nhà rông ngủ chung.
Cũng theo anh Hlol, 2 năm trước, khi làng làm nhà rông mới, mỗi người trong làng đóng góp 500 ngàn đồng. Với gia đình đông con thì đây là số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, tất cả các hộ trong làng đều đồng lòng, quyết tâm làm mới không gian sinh hoạt chung.
Có thể thấy, sự hiện diện của những ngôi nhà rông-thiết chế văn hóa ở hầu khắp các làng Bahnar trên vùng đất giàu trầm tích văn hóa này lại chính là minh chứng chân thực nhất cho nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa của cộng đồng. Nhà rông dù mang dáng vẻ nào vẫn luôn được những chủ nhân của nó nêu cao ý thức bảo tồn. Theo quy luật tất yếu của sự phát triển, dọc đường Trường Sơn, sự hiện diện của những ngôi nhà rông đã tạo nên phong vị riêng cho văn hóa một vùng đất.
Ông Tạ Văn Chinh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Người Bahnar rất có ý thức bảo tồn nhà rông, bởi đây là biểu tượng văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Hầu như làng nào cũng có nhà rông. Dù lớn hay nhỏ, hàng năm, các làng đều tổ chức cúng nhà rông, sửa chữa khi bị hư hỏng, hoặc góp tiền, góp sức để làm mới. Tuy nhiên, một số làng không giữ được kiến trúc nhà rông truyền thống mà pha trộn cách làm nhà theo kiểu mới. Thời gian qua, ngành Văn hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chung tay bảo tồn nhà rông nói riêng và bảo tồn bản sắc dân tộc mình nói chung.
Tháng 5-2024, làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) tổ chức lễ cúng nhà rông mới. Ngôi nhà chung được dân làng cùng nhau sửa chữa chứ không làm mới. Khác với kiến trúc thấp của nhà rông ở vùng Đông Trường Sơn, nhà rông Bahnar ở vùng đất Hà Tây có dáng vẻ bề thế, “mái cao vút, hình lưỡi rìu dựng ngược, bay lên giữa bầu trời xanh tựa một cánh chim” (nhà văn Nguyên Ngọc).
Già Byăn cho biết: Nhà rông được làm từ cuối năm 2011. Đến năm 2015, làng sửa chữa lần đầu tiên. Đây là lần thứ hai làng sửa nhà rông với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Toàn bộ nguyên vật liệu đều do người dân đóng góp. Phụ nữ trong độ tuổi lao động góp 10 bó tranh, đàn ông thì góp tre nứa, dây mây. Tất cả dân làng đều góp ngày công sửa nhà. Vì vậy, việc chung tay sửa chữa ngôi nhà rông thể hiện sức mạnh cộng đồng và tiềm lực to lớn của làng trong việc tập hợp, đoàn kết người dân.
Dù làm nhà rông mới hay sửa chữa, người Bahnar chỉ dựa vào kinh nghiệm trao truyền để thực hiện. Lần sửa chữa này cũng vậy. Làng Kon Măh chia thành 5 tổ, mỗi tổ mỗi việc. Từ xa, mái nhà rông làng Kon Măh bề thế, kiêu hãnh vươn lên giữa bầu trời xanh. Nhà rông sừng sững giữa một bên là đường liên xã, một bên là dòng suối Tơ Pơng, trở thành niềm tự hào của người làng bao đời. Họ không chỉ góp sức bảo tồn nhà rông, mà từ ngôi nhà chung này, nhiều giá trị văn hóa khác được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ. Và, đối với người Bahnar, bảo tồn văn hóa còn là cách giữ gìn đoàn kết cộng đồng. Hay nói cách khác, giữ được tinh thần đoàn kết là giữ được các giá trị văn hóa, trước mọi sự tác động.
Sau làng Kon Măh, người dân làng Kon Sơ Lăl cạnh bên cũng đang chuẩn bị nguyên vật liệu để sửa nhà rông vào năm sau. Sự chuẩn bị này được tính bằng tháng, bằng năm, bằng sự đoàn kết và đồng lòng của cả cộng đồng.
Nhìn vào những mái nhà rông sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, chúng ta càng thấy được công sức và nỗ lực của những chủ nhân văn hóa. Cho dù mỗi cộng đồng có cách làm riêng, bảo tồn nguyên bản hay thay đổi, làm “mới trên nền cũ” cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường sống nhưng ý thức bảo vệ di sản văn hóa vẫn luôn được tiếp nối từ mạch nguồn quá khứ.