Cụ ông 87 tuổi ở miền Tây dự thi thạc sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Vợ mất sớm vì bệnh nan y, sau khi lo cho 4 người con khôn lớn, ăn học đàng hoàng, cụ Nguyễn Tấn Thành (87 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đi thi thạc sĩ để thực hiện ước mơ dang dở thời trai trẻ.

Sáng 25.5, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào trình độ cao học đợt 1 năm 2024. Trong số 304 thí sinh dự thi, cụ Nguyễn Tấn Thành là thí sinh đặc biệt nhất khi quyết tâm học thạc sĩ ngành văn học Việt Nam ở tuổi 87.

Biết và dạy 9 ngoại ngữ

Đi thi ở tuổi "xưa nay hiếm", cụ Thành được cán bộ trường tạo điều kiện đi bằng thang máy, hướng dẫn tận tình. Cụ từng là thầy của rất nhiều thế hệ, kể cả giảng viên trong Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh dự thi. Vì vậy, quyết tâm "vượt vũ môn" của cụ khiến nhiều người sửng sốt.

Cụ Thành có mặt từ rất sớm tại điểm thi. Ảnh: Thanh Duy

Cụ Thành có mặt từ rất sớm tại điểm thi. Ảnh: Thanh Duy

Cụ Thành có mặt tại phòng thi rất sớm. Cụ cho biết, bên cạnh nghề chính là giáo viên văn, cụ còn chuyên tâm đi học ngoại ngữ. Nhờ vậy, cụ biết và dạy 9 ngoại ngữ, gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý, Hàn, Nhật, Tây Ban Nha… Mỗi ngoại ngữ có chứng nhận tiêu chuẩn hẳn hoi. Dù vậy, khi tham gia kỳ thi, cụ vẫn có chút lo lắng và áp lực. Bởi cụ muốn làm gương cho các bạn trẻ về việc học hành nghiêm túc, luôn phấn đấu hết khả năng để đạt được kết quả tốt nhất.

Cụ Thành kể, trước năm 20 tuổi, cụ đã đi dạy thêm môn văn, năm 21 tuổi thì chính thức gắn bó với nghề phấn trắng bảng đen. Niềm đam mê với văn chương, nghệ thuật, văn hóa trong cụ rất lớn. Mới 7 - 8 tuổi, cụ đã biết làm thơ Đường, 13 tuổi có truyện ngắn đăng tạp chí văn nghệ. Đến 15 tuổi đã có kha khá bài vở đăng trên báo chí. Mặc dù đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay nhưng cụ vẫn chăm chỉ sáng tác. Con số 4 tập thơ, 5 tập truyện, 15 tập dịch thơ và dịch truyện, hơn 10 tác phẩm hội họa dự triển lãm đã ít nhiều nói lên điều đó.

Cụ Thành không coi việc học chung với người trẻ là khoảng cách thế hệ, ngược lại là một trải nghiệm có nhiều thú vị. Ảnh: Thanh Duy

Cụ Thành không coi việc học chung với người trẻ là khoảng cách thế hệ, ngược lại là một trải nghiệm có nhiều thú vị. Ảnh: Thanh Duy

Cụ Thành đỗ cử nhân năm 1972, sau đó học tiếp cao học, tiểu luận tốt nghiệp đã gần hoàn thiện. Tuy nhiên, khoảng tháng 4.1975, thầy hướng dẫn ông đột ngột qua đời, khó khăn trong công việc nên cụ không thể học hết chương trình.

Cụ dự định học lại nhưng biến cố gia đình ập tới. Vợ cụ Thành mất khi mới 27 tuổi vì bệnh ung thư, bỏ lại 4 đứa con nhỏ. "Bà ấy tuy không xinh xắn nhưng rất giỏi văn nghệ và cũng là giáo viên. Ngày vợ tôi mất, đứa con nhỏ nhất chỉ mới 1,5 tháng. Lúc đó, cuộc sống rất khó khăn, cái đói hiện hữu trước mắt, tôi đành tạm gác ước mơ lại để tìm cách nuôi con", cụ Thành bồi hồi.

Cụ Thành quyết tâm đi thi thạc sĩ sau khi đã lo cho 4 người con có cuộc sống đàng hoàng, công việc ổn định. Ảnh: Thanh Duy

Cụ Thành quyết tâm đi thi thạc sĩ sau khi đã lo cho 4 người con có cuộc sống đàng hoàng, công việc ổn định. Ảnh: Thanh Duy

Đi muộn mà vẫn tới đích thì vẫn ý nghĩa

Phận "gà trống nuôi con" nhưng cụ Thành rất nỗ lực nên người con nào của cụ cũng học đến nơi đến chốn, ra trường có công việc ổn định, trong đó có 3 người nối nghiệp giáo viên. Con cái có gia đình, cụ thấy mình còn sức khỏe và vẫn còn niềm đam mê nên quyết tâm đi thi thạc sĩ, thực hiện ước mơ dang dở mấy chục năm qua.

Cụ Thành hoạt bát, vui vẻ chia sẻ với mọi người. Ảnh: Thanh Duy
Cụ Thành hoạt bát, vui vẻ chia sẻ với mọi người. Ảnh: Thanh Duy

Theo cụ Thành, tấm bằng thạc sĩ sẽ giúp con đường nghiên cứu, sáng tác và phục vụ văn nghệ, văn hóa, giáo dục được thuận lợi hơn. Nhiều bạn bè của cụ thành công trên con đường học thuật cũng là động lực thôi thúc cụ học tiếp. "Đi học bây giờ đúng là muộn, nhưng nếu đi trong muộn màng, trong gian khổ mà vẫn tới đích thì vẫn ý nghĩa. Con đường tôi vạch ra rất rõ ràng, không bao giờ dời lập trường", cụ Thành chia sẻ.

Gửi lời chúc đến cụ Thành, Nguyễn Diễm Tuyết Trinh (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ), chia sẻ: "Em từng tham gia học tại trung tâm ngoại ngữ của thầy Thành. Hôm nay, thấy thầy dự thi thạc sĩ tại trường thì quả thật bất ngờ. Bất ngờ vì tuổi thầy đã lớn mà thầy vẫn quyết tâm đi học, nhưng cũng hiểu được phần nào vì thầy là một người rất tài năng, lúc nào cũng muốn trau dồi kiến thức và chịu học hỏi".

Có thể bạn quan tâm

Những món quà ý nghĩa trong mùa khai trường

Những món quà ý nghĩa trong mùa khai trường


(GLO)- Bàn ghế, sách vở, đồ dùng học tập…là những món quà thiết thực mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân gửi trao đến nhà trường, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai trước thềm năm học mới với ý nghĩa chung tay xây dựng xã hội học tập.

Trái tim của thầy giáo Sang

Trái tim của thầy giáo Sang

Tính đến tháng 8.2024, anh Trương Chấn Sang (28 tuổi, giáo viên tiếng Anh Trường TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh, TP.Dĩ An, Bình Dương) đã tặng được hơn 3.000 chiếc ba lô, 1.000 áo ấm, cùng 100 suất học bổng (khoảng 50 triệu đồng) cho các em học sinh khó khăn ở nhiều tỉnh thành, vùng miền.
Đồng hành với học sinh nghèo mùa tựu trường

Đồng hành với học sinh nghèo Gia Lai mùa tựu trường

(GLO)- ​Chuẩn bị mùa tựu trường, nhiều gia đình nghèo ở Gia Lai không khỏi lo lắng để chuẩn bị các khoản tiền mua quần áo, đồ dùng học tập cho con em mình. Vì vậy, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân tiếp sức cho học sinh đến trường là rất đáng trân trọng.
Xin suất vào ký túc xá

Xin suất vào ký túc xá

Cách đây mấy hôm, tôi nhận được tin nhắn của bạn đại học: “Con tớ về Hà Nội học, cậu có cách nào xin cho cháu vào ký túc xá (KTX) hay làng sinh viên không? Lương giáo viên của tớ không nuôi nổi con trọ học”.