Xã hội hóa giáo dục bậc học mầm non ở An Khê: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 5 trường mầm non và 6 nhóm trẻ tư thục. Thời gian qua, công tác xã hội hóa bậc học mầm non trên địa bàn thị xã không chỉ góp phần giảm bớt áp lực cho các trường công mà còn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Xây dựng môi trường học tập toàn diện

Sau 22 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trường Mẫu giáo Mai Liên (phường An Phú) là địa chỉ tin cậy của nhiều phụ huynh khi gửi gắm con em mình. Bà Nguyễn Thị Nhung-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Năm 2002, các xơ hình thành nhóm trẻ với khoảng 10 học sinh.

Để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, năm 2015, các xơ thành lập Trường Mẫu giáo Mai Liên. Năm học 2024-2025, toàn trường có 12 lớp với 362 học sinh; đội ngũ giáo viên và nhân viên là 37 người.

Từ năm 2010 đến nay, Trường Mẫu giáo Mai Liên đã đầu tư 5,4 tỷ đồng xây dựng trường, lớp, khu vui chơi ngoài trời, làm mái vòm, trang bị đồ dùng học tập, nơi ăn ở cho học sinh. Riêng năm học 2023-2024, nhà trường đầu tư hơn 340 triệu đồng để mua bàn ghế, làm mái hiên khối lá, lắp đặt hệ thống báo cháy, camera, mua sắm ti vi, quạt hơi nước, đồ dùng học tập, máy hấp, sấy chén…

Cô và trò lớp lá Trường Mẫu giáo Mai Liên (phường An Phú, thị xã An Khê) hào hứng trong giờ học nhạc. Ảnh: N.M

Cô và trò lớp lá Trường Mẫu giáo Mai Liên (phường An Phú, thị xã An Khê) hào hứng trong giờ học nhạc. Ảnh: N.M

Nhà trường thường xuyên mua sắm cơ sở vật chất, phòng học và các thiết bị dạy học nhằm đảm bảo công tác giáo dục, chăm sóc trẻ. “Chúng tôi thực hiện nghiêm Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT ngày 31-12-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng-chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non. 100% giáo viên biết cách phòng và xử lý một số bệnh thường gặp ở trẻ.

Kết thúc năm học 2023-2024, tất cả trẻ đến trường đều được đảm bảo an toàn, không có trường hợp bị ngộ độc thức ăn; số trẻ suy dinh dưỡng giảm so với đầu năm”-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mai Liên cho hay.

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn thị xã, năm 2013, bà Nguyễn Thị Minh Dung (tổ 13, phường An Phú) thành lập nhóm trẻ mầm non tư thục Hoa Hồng. Bà Dung đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để mua đất, xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định.

“Năm học này, nhóm trẻ có 3 lớp với 56 học sinh. Trong tuần, các cháu học từ thứ hai đến thứ bảy. Để làm tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn cho trẻ, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn giáo viên phối hợp với phụ huynh có kế hoạch chữa trị một số bệnh trẻ thường mắc phải như viêm hô hấp, sâu răng, viêm mũi và phòng tránh một số bệnh theo mùa; đồng thời, phối hợp cùng phụ huynh bồi dưỡng cho các cháu thấp còi nhẹ cân, thừa cân, các cháu có nguy cơ suy dinh dưỡng nhằm giúp trẻ phát triển tốt”-bà Dung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bích Phương (tổ 2, phường An Phú) chia sẻ: Con gái chị là Huỳnh An Nhiên theo học tại nhóm trẻ mầm non tư thục Hoa Hồng từ lúc 3 tuổi đến nay. Trường lớp khang trang, sạch đẹp, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có nhiều đồ chơi khác nhau đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện sức khỏe thể chất của học sinh. Các cô giáo chăm sóc các con tận tình, chu đáo.

“Đặc biệt, thông qua các tiết học thực hành, vui chơi trải nghiệm và những buổi tham quan, dã ngoại giúp các con hình thành kiến thức mới. Mỗi ngày đón con về, thấy con vui vẻ háo hức trò chuyện, tôi rất yên tâm”-chị Phương tâm sự.

Theo ông Trần Thanh Cảnh-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Phú: Trên địa bàn phường có 3 trường mầm non và 4 nhóm trẻ tư thục. Thời gian qua, UBND phường phối hợp với cơ quan chuyên môn, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục đều thực hiện theo đúng quy định của ngành. Đồng thời, các cơ sở đã duy trì tốt các hoạt động dạy và học, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bậc phụ huynh lựa chọn môi trường học tập tốt nhất cho con em mình, góp phần giảm tải cho các trường công lập trên địa bàn.

Giảm áp lực cho trường công

Nhằm huy động tối đa học sinh tới trường, tăng tỷ lệ chuyên cần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương, năm 2020, Trường Mẫu giáo Hoa Sen (xã Tú An) triển khai thực hiện mô hình bán trú dân nuôi tại các điểm trường làng.

Cô Nguyễn Tường Thoại-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Từ khi triển khai mô hình bán trú dân nuôi tại điểm trường làng Hòa Bình và làng Pơ Nang, nhà trường đã nhận được sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ của người dân.

“Năm học 2023-2024 và 2024-2025, nhà trường được các nhà hảo tâm hỗ trợ 1 tấn gạo/năm học cho học sinh 2 điểm trường làng. Bát cơm nóng cộng với thức ăn mang theo đã giúp các em ăn ngon miệng hơn”-cô Thoại bày tỏ.

Cô và trò lớp lá Trường Mẫu giáo Mai Liên (phường An Phú, thị xã An Khê) hào hứng trong giờ học nhạc. Ảnh: N.M

Cô và trò lớp lá Trường Mẫu giáo Mai Liên (phường An Phú, thị xã An Khê) hào hứng trong giờ học nhạc. Ảnh: N.M

Chị Đinh Thị Pin (làng Pơ Nang) bộc bạch: Từ ngày Trường Mẫu giáo Hoa Sen thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, vợ chồng chị và nhiều gia đình khác giảm bớt áp lực đưa đón con đi học hàng ngày, có thời gian để chăm lo sản xuất.

“Việc ăn ở tại trường vào buổi trưa đã giúp con được gặp gỡ thường xuyên với bạn bè, thầy cô nên con hòa đồng, hoạt bát hơn. Hai năm nay, mỗi sáng đưa con đi học, tôi chỉ cần chuẩn bị thức ăn, còn cơm đã được nhà trường phát. Ngày nào đi học về, con cũng khen cơm ngon”-chị Pin chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Hưng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê-thông tin: Cùng với Trường Mẫu giáo Hoa Sen, nhiều năm nay, Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Song An) đã triển khai tốt mô hình bán trú dân nuôi tại điểm trường làng Pốt và sử dụng các nguồn tài trợ, vận động để thực hiện công tác bán trú. Việc này đã giúp thị xã đạt chỉ tiêu 100% trẻ được học bán trú và tăng tỷ lệ trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt.

Năm học 2024-2025, toàn thị xã có 9 trường mầm non, mẫu giáo công lập; 5 trường mầm non và 6 nhóm trẻ tư thục với tổng số hơn 3.200 trẻ. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đạt 72% và tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 106%.

“Các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục luôn được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Số trẻ trong các đơn vị, cơ sở tư thục là 1.581/3.232 (đạt 49%), góp phần lớn trong việc giảm áp lực về kinh phí đầu tư và biên chế giáo viên của các trường công lập”-ông Hưng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.