Đồng diễn 'Tôi yêu Tổ quốc tôi' ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong chuyến hải trình đặc biệt, đoàn đại biểu của Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 đã làm những điều rất… đặc biệt.

Giữa biển trời lộng gió, hơn 200 đại biểu của đoàn hành trình đã cùng nhau hòa nhịp với giai điệu ca khúc Tôi yêu Tổ quốc tôi theo từng điệu nhảy thể hiện tình yêu và quyết tâm của tuổi trẻ cả nước luôn hướng về biển, đảo Tổ quốc.

Khơi dậy và lan tỏa tình yêu biển, đảo Tổ quốc

Đoàn Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do T.Ư Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà quân và dân trên 7 đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/8.

Từng bước nhảy như lời cam kết của tuổi trẻ về sự chung tay vì chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Từng bước nhảy như lời cam kết của tuổi trẻ về sự chung tay vì chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Tại mỗi điểm đảo đoàn hành trình đến thăm đều có những hoạt động ý nghĩa nhằm chia sẻ, động viên và tiếp thêm tinh thần cũng như trao gửi yêu thương tới cán bộ, chiến sĩ, quân và dân nơi đây. Khi đoàn hành trình đến đảo Trường Sa lớn, ngoài những món quà về hiện vật, công trình gửi tặng đến chiến sĩ, quân và dân nơi đây, thì còn nhiều hoạt động mang tình cảm, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng từ đất liền gửi đến nơi đảo xa, như: tham gia lễ chào cờ, xếp hình cờ Tổ quốc, chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi", và đặc biệt là phần nhảy flashmob đồng diễn "Tôi yêu Tổ quốc tôi" giữa biển trời lộng gió…

Phát biểu tại đảo Trường Sa lớn, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó đoàn công tác, Trưởng đoàn Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024, cho biết những hoạt động ý nghĩa này nhằm tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ và lan tỏa về tình yêu đất nước, yêu biển, đảo quê hương. Đây là những tình cảm chân thành nhất của đoàn hành trình gửi tặng tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, quân và dân nơi đây.

"Chúng tôi mong muốn thông qua lời ca, tiếng hát để tiếp tục gửi tình cảm, niềm tin yêu tới cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo. Cùng với đó, mong muốn nhắn gửi rằng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tuổi trẻ cả nước và học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, các tầng lớp nhân dân luôn trân trọng và biết ơn những sự vất vả, hy sinh của các đồng chí và chúng tôi luôn hướng về biển, đảo quê hương bằng những việc làm cụ thể", chị Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh.

Quyết tâm của thế hệ trẻ

Trong cái nắng mặn mòi của biển, đảo Trường Sa, hơn 200 đại biểu cùng nhau đồng diễn tiếng của trái tim mình dành cho Tổ quốc. Đối với mỗi đại biểu khi được tham gia hoạt động ý nghĩa này tại một nơi vô cùng đặc biệt - Trường Sa - là một kỷ niệm không thể nào quên trong đời. Vừa thiêng liêng, vừa ý nghĩa và tự hào biết bao với mỗi người trẻ khi được đặt chân đến Trường Sa và cùng thể hiện tình yêu của mình với biển, đảo Tổ quốc thông qua những điệu nhảy, lời ca, tiếng hát.

Màn đồng diễn gửi tình yêu của tuổi trẻ dành cho biển, đảo quê hương

Màn đồng diễn gửi tình yêu của tuổi trẻ dành cho biển, đảo quê hương

Nguyễn Minh Uyên, Phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, không giấu được cảm xúc khi tham gia nhảy flashmob "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tại Trường Sa. Uyên cho biết được may mắn đặt chân đến Trường Sa trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử của đất nước là một điều hạnh phúc.

"Hơn thế, mình còn được tham gia luyện tập và thể hiện tiết mục đồng diễn nhảy flashmob giữa Trường Sa, một trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa không chỉ với bản thân mà còn với cộng đồng xung quanh", Uyên chia sẻ và bày tỏ thêm: "Đây không chỉ là một trải nghiệm cá nhân mà còn là lời thách thức và cam kết của bản thân trong việc chung tay xây dựng, bảo vệ một tương lai tươi sáng và hòa bình cho đất nước".

Để có được màn đồng diễn ấn tượng tại đảo Trường Sa lớn, mỗi đêm trên con tàu tròng trành sóng nước, các đại biểu của đoàn hành trình dành hết tâm huyết cùng tham gia tập luyện. Dẫu thời gian ngắn ngủi do lịch trình và các hoạt động dày đặc, nhưng với sự quyết tâm và tình yêu hướng đến biển, đảo thì không khó khăn gì ngăn cản được tinh thần tập luyện hăng say của các đại biểu.

Phụ trách biên đạo cho tiết mục đồng diễn này là Nguyễn Bảo, biên đạo múa thuộc Đội tình nguyện viên nghệ sĩ Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đây là lần thứ 4 Bảo đến với Trường Sa. Dù vậy, Bảo cho biết cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên, khi lại được trực tiếp cảm nhận vị mặn của nước biển, lại được đồng cảm trước những vất vả, hy sinh của quân và dân trên đảo. Mỗi lần như vậy, Bảo cho biết bản thân càng hiểu và yêu quý Tổ quốc hơn bao giờ hết.

"Đến với Trường Sa, có một điều thật kỳ diệu, nơi đảo xa là thế vẫn có tiếng trẻ thơ hò reo nơi sân trường, tiếng giảng bài và học bài của cô, trò hòa cùng tiếng sóng. Ở nơi đó còn có chùa chiền, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa… Nơi đó cũng có những vạt rau xanh, những tiếng chuông chùa, bài tụng kinh của sư thầy cầu cho quốc thái dân an… Đó chính là hình ảnh của quê hương đất Việt nơi đảo xa", Bảo chia sẻ.

Từ chính những cảm xúc đó, Bảo đã gói ghém vào những điệu nhảy trong phần đồng diễn "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tại Trường Sa. Bảo kể: "Cảm xúc vỡ òa khi mình được giao phó nhiệm vụ biên đạo tiết mục flashmob đồng diễn tại đảo Trường Sa lớn trên nền bài hát Tôi yêu Tổ quốc tôi và mình nhận lời ngay. Từng động tác từ hơi thở, nụ cười, ánh mắt mình truyền đạt cho mọi người theo từng câu hát đều chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về người thanh niên thế hệ mới luôn tiếp bước và phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, luôn tiên phong đi đầu và đặc biệt là tình yêu Tổ quốc luôn giữ trong tim cho dù ở bất cứ nơi đâu. Hy vọng tiết mục này sẽ lan tỏa và được tất cả các bạn trẻ đón nhận, tập theo để mỗi dịp sinh hoạt tập thể đều được đồng diễn".

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.