Dân làng Bi Gia khổ vì ngập lụt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nhiều nhà dân ở làng Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) bị ngập khiến vật dụng trong nhà hư hỏng, gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Nguyên nhân là do lượng nước mưa dồn về khá lớn, trong khi miệng cống nhỏ nên tràn ngược vào nhà dân.

Theo phản ánh từ các hộ dân, tuyến đường ra khu sản xuất của làng Bi Gia được đầu tư làm mới vào năm 2020. Cũng từ đây, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nước từ các con suối đổ về ồ ạt, nhưng do cống thoát quá nhỏ nên nước tràn ngược vào nhà gây hư hỏng tài sản, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Ông Phạm Văn Hùng cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhà của ông đã 2 lần bị ngập. Đặc biệt, trận mưa tối 4-6 vừa qua khiến nước tràn vào nhà ngập sâu gần 1 m. Theo đó, các vật dụng như: tủ lạnh, máy giặt, máy bơm nước… bị hỏng. “Trước đây, tình trạng ngập lụt không xảy ra. Tuy nhiên, từ khi làm con đường mới, mỗi khi trời mưa lớn, lượng nước đổ dồn về đây gây ngập cục bộ. Có thể do cống thoát nước qua đường quá nhỏ khiến nước thoát không kịp nên tràn ngược vào nhà”-ông Hùng nói.

Ông Phạm Văn Hùng (làng Bi Gia, xã Pờ Tó) phải kê cao vật dụng trong nhà để hạn chế thiệt hại khi có mưa lớn kéo dài. Ảnh: Sang Phương

Ông Phạm Văn Hùng (làng Bi Gia, xã Pờ Tó) phải kê cao vật dụng trong nhà để hạn chế thiệt hại khi có mưa lớn kéo dài. Ảnh: Sang Phương

Tương tự, ông Đinh Phân cho hay: “Tối 4-6, mưa quá lớn nên nước tràn vào rất nhanh, gia đình tôi không kịp đưa vật nuôi lên cao nên bị nước cuốn trôi 3 con heo, 20 con gà và hỏng máy bơm nước. Cũng may là mấy con bò nhốt trong chuồng nên không bị nước cuốn trôi. Sau khi nước rút, tôi liền dắt bò đến nhà mẹ vợ gửi vì sợ có mưa nữa thì gia đình xử lý không kịp”.

Còn bà Đinh Đek thì kể: “Thường ngày, sau khi đi làm về, chồng tôi dựng xe máy dưới gầm nhà sàn. Trận mưa tối 4-6 khiến chiếc xe máy bị ngập sâu trong nước cả tiếng đồng hồ. Hôm sau, chồng tôi đưa xe máy đi sửa mất 2,5 triệu đồng. Những năm trước, khi mưa lớn khu vực này không bị ngập nước. Tuy nhiên, từ khi làm con đường mới, hễ có mưa là bị ngập”.

Ông Đặng Xuân Cường-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-thông tin: Năm 2020, UBND huyện đã đầu tư gần 3 tỷ đồng làm đường bê tông để tạo thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển nông sản và lưu thông. Trên tuyến đường này có hạng mục cống liên hợp tràn gồm 2 cống thoát nước nhưng quá nhỏ. Khi mưa lớn kéo dài, nước không thoát kịp nên tràn ngược vào nhà dân gây ngập cục bộ. Ngay trong tối 4-6, khi nhận được thông tin, UBND xã đã cử lực lượng cứu hộ xuống địa bàn để giúp người dân khắc phục hậu quả. Trận lụt này có 18 nhà dân ở làng Bi Gia bị ngập nặng. Trong đó nhiều vật dụng của 10 hộ dân hư hỏng, gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi, ước thiệt hại khoảng 126 triệu đồng. Trước tình hình đó, xã đã có văn bản gửi UBND huyện để có hướng xử lý.

Theo ông Đinh Phân (làng Bi Gia, xã Pờ Tó), có thể do cống thoát nước qua đường quá nhỏ khiến nước tràn ngược vào nhà mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Sang Phương

Theo ông Đinh Phân (làng Bi Gia, xã Pờ Tó), có thể do cống thoát nước qua đường quá nhỏ khiến nước tràn ngược vào nhà mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Sang Phương

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Sau khi nhận thông tin của UBND xã Pờ Tó, tôi cùng lãnh đạo các phòng liên quan xuống địa phương khảo sát tình hình, nắm bắt thiệt hại của người dân. Qua thực tế khảo sát, trong quá trình thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế công trình đã mở khẩu độ cống thoát nước rộng 1,2 m/cống, còn trong thân cống thì rộng khoảng 70 cm. Do vậy, khi gặp mưa lớn, lượng nước đổ về nhiều khiến nước tràn ngược gây ngập nhà dân. Một lý do nữa là hạng mục cống liên hợp tràn này cao hơn mặt đường khiến nước không thể tràn qua khi gặp mưa lớn.

“Sau khi nắm tình hình thực tế, chúng tôi yêu cầu Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND huyện làm tờ trình xin nguồn vốn từ Quỹ phòng-chống bão lũ của tỉnh cộng với nguồn ngân sách của địa phương để sớm khắc phục tình trạng này. Đồng thời, huyện đưa ra 2 phương án để sửa chữa. Cụ thể là hạ thấp tràn so với mặt đường hoặc mở rộng khẩu độ mỗi cống thoát nước thêm 2 m. Sau khi có báo cáo cụ thể của các phòng chức năng về trường hợp hạng mục cống liên hợp tràn, huyện sẽ làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế công trình để có phương án khắc phục sớm nhất, tránh thêm thiệt hại cho người dân khi mùa mưa bão đang đến gần”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.
Chở đất lên núi

Chở đất lên núi

Sống trên núi, nhưng lại không có đất để san lấp các công trình, dự án, chủ đầu tư phải xuống các huyện miền xuôi mua đất với quãng đường vận chuyển hàng trăm ki lô mét. Nghịch lý này đang diễn ra ở các huyện miền núi Nghệ An.