Chư Sê đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Sê đặt mục tiêu đến năm 2025 có 20% diện tích cây trồng được sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập.

Thu nhập cao nhờ ứng dụng công nghệ cao

Đầu năm 2023, anh Nguyễn Đức Long (tỉnh Đak Lak) đầu tư hơn 700 triệu đồng cày đất, lên luống, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, mua máy phun thuốc, bón phân tự động để trồng hơn 24 ha khoai tây sản lượng cao tại làng Ia Bâu, xã Chư Pơng. Sau khi trồng từ 3,5 đến 4 tháng, khoai tây sẽ cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 28-30 tấn củ/ha. Sản phẩm được Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Food Việt Nam bao tiêu toàn bộ với giá 8.500 đồng/kg; trừ chi phí đầu tư ban đầu còn lãi trên 100 triệu đồng/ha. Anh Long cho hay: “Bước đầu, mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Nếu người dân tham gia liên kết trồng sẽ cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác”.

Công nhân phun thuốc trên cánh đồng khoai tây sản lượng cao ở xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Ảnh: Minh Nguyễn

Công nhân phun thuốc trên cánh đồng khoai tây sản lượng cao ở xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong khi đó, anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp) đã tiên phong phá bỏ diện tích hồ tiêu chết để chuyển sang trồng hoa cúc các loại. Trên diện tích hơn 2,2 sào, anh Luân bỏ ra hơn 400 triệu đồng để đầu tư làm nhà màng, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động. Việc trồng hoa trong nhà màng không những hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại mà còn giúp anh chủ động điều tiết thời điểm cây ra hoa, tăng thêm vụ trồng. Mỗi năm, anh trồng được 3 vụ, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng. “Thời gian tới, ngoài việc hướng tới xây dựng vườn ươm giống hoa và cây trồng các loại, tôi sẽ liên kết để mở rộng diện tích sản xuất. Nếu người dân có điều kiện tham gia đầu tư phát triển hoặc triển khai nhân rộng mô hình này sẽ mang lại thu nhập cao”-anh Luân khẳng định.

Nhận thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, ông Nguyễn Trịnh Dũng (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang) cũng đầu tư hệ thống tưới phun sương tận gốc kết hợp bón phân trên 7 ha sầu riêng của gia đình. Ông Dũng cho hay: “Đầu tư hệ thống này giúp tiết kiệm công tưới, bón phân; lượng phân bón cho cây cũng không bị thất thoát nên mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, tôi còn điều chỉnh được thời gian, lượng phân bón phù hợp”.

Hỗ trợ liên kết để phát triển nông nghiệp

Triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, hàng năm, huyện Chư Sê đã huy động, lồng ghép các dự án và bố trí nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng các loại giống lai, giống mới đưa vào sản xuất đại trà góp phần tăng năng suất, sản lượng thu hoạch; khuyến khích mở rộng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 1.514 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 4% tổng diện tích gieo trồng (tăng 2% so với năm 2019). Bà Lê Thị Loan-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hàng năm, đơn vị đã hỗ trợ các loại giống cây ăn quả đang có thế mạnh trên thị trường, phù hợp với định hướng phát triển của huyện cho người dân. Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ vật tư phân bón, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác mới.

Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp) đầu tư nhà màng trồng hoa đã hạn chế được côn trùng, sâu bệnh gây hại mà còn giúp anh chủ động điều tiết thời điểm cây ra hoa, tăng thêm vụ trồng. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp) đầu tư nhà màng trồng hoa đã hạn chế được côn trùng, sâu bệnh gây hại mà còn giúp anh chủ động điều tiết thời điểm cây ra hoa, tăng thêm vụ trồng. Ảnh: Minh Nguyễn

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-nhấn mạnh: Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025. Đặc biệt, huyện đã xác định các loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh và có liên kết ổn định để tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; đầu tư nhà xưởng, nhà máy, các thiết bị sơ chế để hoàn thiện các khâu sản xuất.

“Huyện hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức lồng ghép một số chương trình, dự án, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: sầu riêng, mắc ca, nhãn, hồ tiêu, cà phê sạch, bắp sinh khối… nhằm tạo đầu ra ổn định và nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông-lâm nghiệp của huyện đạt trên 4.930 tỷ đồng-ông Hợp cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.