Tiên phong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng tạo trong sản xuất

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến tham quan trang trại sầu riêng của ông Hoàng Văn Trọn (làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Tại đây, hàng ngàn cây sầu riêng được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP đang trong giai đoạn đơm hoa kết trái. Ông Trọn cho biết: Trước đây, ông từng đi khắp các vùng trồng sầu riêng của Gia Lai, Đak Lak và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để thu mua quả bán cho thương lái. Năm 2018, ông quyết định mua 70 ha đất để trồng gần 15 ngàn cây sầu riêng giống Dona. “Khi bắt tay trồng sầu riêng với diện tích lớn, mọi người ở đây bảo tôi có tiền muốn chơi ngông. Thậm chí, họ còn đặt cho tôi cái tên là “Chín điên”. Giờ thấy vườn cây của tôi phát triển xanh tốt, năm 2023 có 15 ha cho thu hoạch thì họ chuyển sang gọi tôi với cái tên “Chín sầu riêng”-ông Trọn vui vẻ nói.

Theo ông Trọn, việc canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ giúp đất tơi xốp, giữ được hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng, từ đó kháng được các loại nấm bệnh gây hại. Để giảm chi phí, nhân công, ông đầu tư lắp đặt hệ thống béc tưới tự động đến từng gốc cây. Ông cũng mua máy cày về nghiên cứu lắp bồn cùng 2 phuy chứa thuốc gắn trên thân xe, phía sau gắn tay bơm, quạt gió... để hỗ trợ việc phun thuốc cho cây trồng. Ưu điểm của máy là thực hiện hoàn toàn tự động từ khâu pha thuốc, bơm lên bồn đến phun lên cây, nhân công không phải tiếp xúc trực tiếp mà chỉ cần điều khiển xe.

Ông Hoàng Văn Trọn (bên phải, làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) kiểm tra vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Phạm Ngọc

Ông Hoàng Văn Trọn (bên phải, làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) kiểm tra vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Phạm Ngọc

Ngoài ra, trong quá trình quản lý, ông Trọn còn sử dụng flycam để theo dõi nhân công làm việc. Đồng thời, ông đánh số từng hàng, từng lô để tiện quản lý, chăm sóc. Nhờ các công cụ hỗ trợ hữu ích, hiện 70 ha sầu riêng của gia đình ông chỉ cần 20 nhân công chăm sóc thường xuyên. Đến năm 2028, toàn bộ vườn cây sẽ cho kinh doanh. Để đảm bảo nguồn cung lớn cho thị trường và tạo sự gắn kết giữa những hộ trồng sầu riêng, ông Trọn đã vận động các hộ dân ở địa phương cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên. Đến nay, HTX có 3 thành viên canh tác tổng cộng 100 ha sầu riêng.

Bên cạnh đó, HTX đã ký bản ghi nhớ hợp tác với UBND huyện Đức Cơ về liên kết sản xuất, thu mua quả sầu riêng của người dân trên địa bàn. Cụ thể, HTX xây dựng xưởng sơ chế, kho đông lạnh bảo quản phục vụ xuất khẩu gắn với hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết. Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Huyện Đức Cơ hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng.

Ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: Ông Hoàng Văn Trọn là người đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng. Với năng lực thu mua hơn 2.000 tấn sầu riêng/năm, HTX sẽ giúp nông dân yên tâm về đầu ra. Nhờ đó, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp thâm canh, đảm bảo quy trình kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn chất lượng nông sản.

Liên kết làm nông nghiệp công nghệ cao

Năm 2019, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nasumi thí điểm trồng 1 sào dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Chư Sê. Đến nay, Công ty đã liên kết với các hộ dân đầu tư mở rộng diện tích lên 2 ha với các chủng loại dưa khác nhau, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch ở địa phương. Ông Nguyễn Đình Thanh-Giám đốc Công ty-cho biết: Ngay từ lúc bắt đầu triển khai, tôi đã chọn việc xây dựng nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng giống dưa lưới Nhật Bản. Vụ đầu tiên, vườn dưa đạt năng suất 3 tấn/sào, giá bán thời điểm đó là 50 ngàn đồng/kg. Trồng dưa trong nhà màng không phụ thuộc vào thời tiết nhưng năng suất vẫn có sự thay đổi giữa các mùa. “Trồng dưa lưới đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phải thường xuyên theo dõi, nếu không là hỏng cả vụ. Ở giai đoạn phát triển, nếu cây ra hoa không đều hoặc bị bệnh không khắc phục được phải nhổ bỏ để trồng mới. Nếu cố giữ lại sẽ không đạt năng suất, tốn công chăm sóc dẫn đến lỗ vốn”-ông Thanh chia sẻ.

Vườn dưa lưới của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nasumi (huyện Chư Sê). Ảnh: Phạm Ngọc

Vườn dưa lưới của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nasumi (huyện Chư Sê). Ảnh: Phạm Ngọc

Theo ông Thanh, cái lợi của trồng dưa lưới trong nhà màng là mỗi năm thu hoạch được 3 vụ, trung bình 65-75 ngày/vụ. So với cà phê, hồ tiêu thì dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Thấy mô hình hay, nhiều nông dân đã liên kết với Công ty để trồng dưa lưới. Ngoài diện tích của Công ty, trên địa bàn huyện đã có 4 hộ dân tham gia liên kết với 1,5 ha nhà màng trồng các giống: dưa lưới Nhật Bản loại lưới thưa và lưới nhuyễn, dưa lê Hàn Quốc, dưa Hoàng Kim, dưa Bạch Kim… Các hộ được Công ty chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đến vụ thu hoạch, Công ty thu mua sản phẩm với giá 20-30 ngàn đồng/kg tùy loại. Qua thực tế cho thấy, bình quân 1 sào thu được 2,5-3 tấn quả/vụ, các hộ dân thu lãi khoảng 160 triệu đồng/năm. Hiện các sản phẩm của Công ty được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR và đã có mặt trên kệ các siêu thị, cửa hàng trái cây sạch trong và ngoài tỉnh với thương hiệu Sami Farm. Bên cạnh đó, Công ty còn lập website và áp dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm. “Có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR, 1 kg dưa bán ra thị trường được 25-40 ngàn đồng tùy giống. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường trên 40 tấn dưa các loại”-ông Thanh thông tin.

Là hộ liên kết trồng dưa lưới, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) cho hay: “Gia đình tôi hiện có 5 sào nhà màng trồng dưa lưới. Ở vùng nông thôn, mô hình này vẫn còn mới mẻ và nhiều tiềm năng phát triển. Dưa lưới trồng trong nhà màng có thiết bị phun sương, tưới nhỏ giọt, đo nhiệt độ… giúp giảm nhân công lao động và chi phí sản xuất. Cây trồng còn được quản lý về dinh dưỡng, cách chăm sóc nghiêm ngặt nên đảm bảo chất lượng an toàn. Cây giống dưa được Công ty cung cấp, đồng thời hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi vụ thu hoạch 2-3 tấn/sào, thu nhập 50-60 triệu đồng tùy theo từng loại giống. Nhờ liên kết với Công ty mà tôi được chuyển giao kỹ thuật sản xuất dưa lưới đạt năng suất, chất lượng”.

Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Qua quá trình sản xuất cho thấy, cây dưa lưới rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/sào/vụ, chất lượng dưa được người tiêu dùng đánh giá cao. Bước đầu, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với một số loại cây trồng khác. Huyện khuyến khích các hộ dân liên kết với doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.