Nông nghiệp

E-magazine Gia Lai: Nhiều giải pháp phát triển chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và khoảng 14.000 ha mặt nước khai thác thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 506 ô, lồng nuôi cá trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Thời gian qua, nhiều địa phương đã hình thành một số chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị để hỗ trợ nhau về kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm.

Ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Hiện toàn tỉnh có 5 chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực thủy sản gồm: Sản xuất cá giống, nuôi cá lồng bè, nuôi quảng canh và khai thác trên hồ chứa. Các chuỗi liên kết được tổ chức dưới hình thức hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nên huy động được sự tham gia của nhiều hộ dân cùng chung mục tiêu. Bước đầu các chuỗi liên kết tạo ra được giá trị về kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, khai thác tiềm năng mặt nước tại địa phương, phù hợp định hướng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm qua, HTX cá giống Đức Thắng (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) đã phát huy hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá giống trên địa bàn. Ông Nguyễn Đức Thắng-Giám đốc HTX cho biết: Hiện HTX có 30 thành viên liên kết với 6 hộ dân trong huyện nuôi các loại cá giống như: trắm, chép, trôi, mè, lóc, lăng đuôi đỏ. Trước đây, người dân mua cá bột từ các tỉnh khác về nuôi nên tốn nhiều chi phí vận chuyển. Do đó, HTX đã học tập kỹ thuật và tự gây cá bột cung cấp cho các thành viên và hộ dân liên kết nhằm giảm giá thành. Đồng thời, HTX hướng dẫn kỹ thuật nuôi và liên kết với 20 đơn vị thu mua cá giống trong và ngoài tỉnh để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm cho các hộ tham gia liên kết.

Ông Đào Minh Châu-thành viên HTX cá giống Đức Thắng chia sẻ: Tôi làm nghề nuôi cá giống đã gần 20 năm nay. Những năm gần đây, được HTX cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm, tôi mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi lên 4 ha với các loại giống: trắm, chép, trôi, mè, lóc. Đặc biệt, được HTX hướng dẫn kỹ thuật tự gây một phần cá bột để nuôi và số cá bột thiếu được HTX cung cấp tại chỗ nên không tốn chi phí vận chuyển. “Trung bình mỗi năm, tôi thu hơn 8 tấn cá giống, bán với giá 60 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, tôi lãi 250 triệu đồng/năm”-ông Châu phấn khởi chia sẻ.

Tương tự, 7 thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Ia Tô (huyện Ia Grai) cũng có hiệu quả bước đầu khi liên kết nuôi cá diêu hồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Bà Nguyễn Thị Huệ-Thư ký HTX cho biết: HTX hiện đang nuôi 20 lồng cá diêu hồng. Để đảm bảo thuận lợi về đầu ra sản phẩm, hàng năm, HTX thả gối vụ 3 đợt với khoảng 1 tấn cá giống. Nhờ nguồn nước trên lòng hồ phù hợp với việc nuôi trồng thủy sản, cá phát triển tốt, mỗi năm thu trên 30 tấn cá thịt. Bán với giá từ 38-55 ngàn đồng/kg, HTX thu về trên 1,3 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, hoạt động của các chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chi phí thức ăn chăn nuôi cao và ở một số HTX chưa có đầu ra ổn định dẫn đến lợi nhuận thấp.

Nói về khó khăn của HTX nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô, bà Huệ thông tin thêm: Hiện nay, HTX không lo về đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, chi phí thức ăn cao nên HTX lãi thấp, chỉ chiếm khoảng 1/6 tổng thu từ bán sản phẩm. Thời gian qua, HTX cũng đã tìm hiểu cách thức tự sản xuất thức ăn để giảm chi phí nhưng phần vì kinh phí mua sắm máy móc cao và không có kỹ thuật chế biến thức ăn nên không thực hiện được.

Trong khi đó, ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) thì cho hay: HTX có 12 thành viên liên kết với 4 hộ dân duy trì 18 lồng nuôi cá rô phi và lăng đuôi đỏ trên lòng hồ thủy điện Đak Krong. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX cũng hướng dẫn các thành viên và hộ dân về kỹ thuật nuôi nên ít rủi ro. Tuy nhiên, HTX chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu bán lẻ cho thương lái nên giá bán thấp, lợi nhuận thấp. Do đó, HTX rất mong ngành chức năng hỗ trợ về đầu ra sản phẩm để người dân đạt lợi nhuận cao hơn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết thêm: Khó khăn chung của các chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là việc liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến còn lỏng lẻo, phương thức hợp tác còn yếu nên sự tương trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không cao. Cùng với đó, tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, phân tán phổ biến và việc thu mua thông qua hệ thống thương lái, chủ yếu tại các chợ truyền thống của địa phương, chưa hình thành chợ thủy sản đầu mối thu mua dẫn đến khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra chưa ổn định.

Đáng chú ý, vốn đầu tư cho nghề nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, rủi ro nhiều, cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ nuôi trồng thủy sản còn thiếu, nuôi xa dân cư và chưa được thu hút được nguồn lao động. Đây chính là yếu tố cản trở làm cho người dân không dám mạnh dạn đầu tư, chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng thế mạnh mặt nước để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản cũng như làm giảm động lực hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm về thủy sản.

Ngoài ra, người nông dân tiếp cận, quản lý nuôi trực tiếp chủ yếu là bán chuyên nghiệp, vừa nuôi vừa làm công việc tự do khác và kỹ năng chưa được đào tạo chính quy, còn hạn chế và còn phụ thuộc vào giá thức ăn, giá vật tư. Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa phải có giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện, nhưng hồ sơ thủ tục hành chính gồm nhiều thành phần, nhiều nội dung, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, để phát triển hiệu quả các chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản cần thực hiện các giải pháp như: xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, nuôi thâm canh để sản xuất thủy sản hàng hóa lớn; củng cố, đổi mới, phát triển và thành lập các mô hình tổ hợp tác, HTX, đồng quản lý, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và người khai thác, nuôi trồng thủy sản; tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở có điều kiện về vốn, kiến thức, kỹ thuật và tâm huyết trong xây dựng phát triển giống, nuôi trồng, chế biến thủy sản làm “hạt nhân” để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

"Ngoài các giải pháp trên cần phải xây dựng, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với hoạt động kinh tế khác để tạo ra giá trị gia tăng như du lịch sinh thái, ẩm thực, giải trí, mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có tiềm năng, đủ năng lực đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực thủy sản nhằm tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước tại các địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như: sản xuất thức ăn thủy sản công nghiệp; các nhà máy sơ chế chế biến sản phẩm thủy sản công nghiệp; các dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu sản phẩm”-ông Dũng thông tin thêm.

de-ema-nduy-01.png

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Căn cứ văn bản đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng.