Pour Over: Nghệ thuật pha chế cà phê độc đáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thay vì cho cà phê vào máy theo một lập trình có sẵn thì Pour Over là phương pháp pha chế cà phê thủ công với dụng cụ và kỹ thuật đơn giản, bao gồm 1 bộ lọc (filters) và thao tác rót nước lên cà phê (pour). Nguyên tắc chung của Pour Over là để nước nóng đi qua cà phê và mang chiết xuất đi xuống theo trọng lực, bã cà phê được giữ lại trên bộ lọc. Ly cà phê pha theo kiểu Pour Over tạo ra hương vị đặc biệt, giúp người thưởng thức khám phá được nhiều hương vị độc đáo của cà phê.

Phương pháp pha chế thủ công

Là người trẻ ở Gia Lai tiên phong đưa nghệ thuật pha chế Pour Over vào hoạt động giảng dạy, anh Hoàng Anh Dũng-Giám đốc Trung tâm Đào tạo pha chế Gia Lai Barista Skill (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho rằng: Cà phê không đơn thuần là thức uống mà nó còn mang tính nghệ thuật. Với Pour Over, chúng ta sẽ kiểm soát mọi yếu tố trong quá trình sáng tạo ly cà phê của mình. Pour Over cho phép chúng ta tùy biến từ độ rang, độ nhuyễn của hạt đến nhiệt độ nước hay thời gian chiết xuất. Quá trình pha chế đòi hỏi phải kiên nhẫn và tập trung cao độ.

Năm 2010, khi còn là sinh viên, anh Dũng đã tham gia phục vụ trong các chuỗi cà phê lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, anh theo học kỹ thuật pha chế. Năm 2016, khi quay về Gia Lai lập nghiệp, anh mở trung tâm dạy pha chế với mong muốn phát triển làn sóng cà phê thứ 3 trên mảnh đất quê hương. “Pour Over hoàn toàn được thực hiện thủ công bằng tay, không cần đến máy móc ngoại trừ việc xay và cân đong cà phê. Xuất hiện từ năm 1900, ngày nay, phương cách này lại được làm sống dậy một cách hiện đại, trẻ trung và thời thượng cùng làn sóng cà phê thứ 3. Và tôi muốn nghệ thuật pha chế này lan tỏa mạnh mẽ ở Gia Lai”-anh Dũng chia sẻ.

Hiện nay, anh Dũng đã pha chế thành thạo một số loại cà phê như: Cappuccino, Latte, Machiato, Latte macchiato, Mocha, Espresso conpanna… và đặc biệt thành công ở phương pháp Pour Over. Theo anh Dũng, không giống với các phương pháp pha chế khác, Pour Over mang đến nhiều lựa chọn và tính chất riêng cho phép người thợ thỏa sức sáng tạo và trải nghiệm. Để làm chủ kỹ thuật Pour Over cần nắm vững 3 yếu tố cơ bản: chọn 1 bộ dụng cụ pha chế phù hợp, cà phê đạt độ nhuyễn cần thiết và cuối cùng là làm chủ thao tác rót nước. Dụng cụ pha chế đối với Pour Over là Kalita Wave, Chemex và Hario V60. Cà phê được xay mịn hoặc thô tùy vào dụng cụ được chọn, nhằm tạo nên ly cà phê đậm hương, tròn vị nhất. Và điều quan trọng cuối cùng là kỹ thuật rót nước. Kỹ thuật này đến từ kinh nghiệm, tài năng và sự hiểu thấu cà phê của người pha chế. Nhiệt độ rót ổn định ở khoảng 93 độ C và tay rót khuấy đảo trong quá trình để cà phê tiếp xúc và hòa quyện trong nước.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm-đồng sáng lập Trung tâm Dạy nghề pha chế Gia Lai-TRS1 Training Center (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) khẳng định: “Được sinh ra và lớn lên ở vùng đất của cà phê, thế hệ chúng tôi có cơ hội thưởng thức những loại cà phê chất lượng. Chính vì thế, chúng tôi muốn mang tới những thay đổi tích cực nhất và nâng tầm cho thương hiệu cà phê Gia Lai”. Khi tìm hiểu và truyền dạy cho học viên về nghệ thuật pha chế cà phê Pour Over, chị Tâm nghiệm ra rằng, điểm mấu chốt trong Pour Over là “thời gian” mà chính xác hơn là tính kiên nhẫn của người pha chế. Với cách pha chế này, độ nhuyễn của cà phê rất quan trọng. Nếu bột cà phê xay quá thô, nước sẽ chảy qua rất nhanh mà không mang theo chiết xuất cà phê. Ngược lại, nếu cà phê xay quá mịn, hương vị cà phê mất tính cân bằng hoặc bị tắc nghẽn.

Đánh thức hương vị cà phê Gia Lai

Phương pháp Pour Over giúp làm nổi bật những hương vị đặc trưng của cà phê vùng đất bazan hơn so với các phương pháp pha chế khác. Điều này khiến Pour Over trở thành lựa chọn phổ biến cho các loại cà phê đặc sản. Với nghệ thuật pha chế độc đáo này, những người trẻ như anh Dũng, chị Tâm đang nỗ lực lan tỏa để những ai tìm đến và thưởng thức cà phê ở vùng đất Gia Lai sẽ ấn tượng với hương vị cà phê và nhớ về nó như một câu chuyện văn hóa đẹp đẽ.

Từ nông trại, những hạt cà phê chất lượng được tuyển chọn để phù hợp với phương pháp Pour Over. Kết hợp với việc điều chỉnh mức độ xay hay mức độ rang của hạt cà phê, người pha chế có thể tạo ra một công thức Pour Over phù hợp nhất với khẩu vị riêng của mình. Được truyền cảm hứng từ các tiết học pha chế của anh Dũng, anh Đặng Văn Trung (thị xã Ayun Pa) đặc biệt yêu thích nghệ thuật pha chế Pour Over. Anh Trung cho biết: “Pour Over là phương pháp tuyệt vời giúp tôi cảm nhận trọn vị và truyền tải được câu chuyện về cà phê từ nông trại-chế biến-pha chế. Tôi có thể làm nổi bật nhiều sắc thái cà phê hơn qua nghệ thuật pha chế thủ công này”.

Sau 6 năm thành lập, Trung tâm Đào tạo pha chế Gia Lai Barista Skill do anh Hoàng Anh Dũng làm Giám đốc đã đào tạo hơn 1.000 học viên, chủ yếu là các bạn trẻ tại Gia Lai. Đặc biệt, phương pháp pha chế Pour Over đã lôi cuốn được hầu hết học viên. “Tôi hy vọng rằng, những bạn trẻ này sẽ truyền một nguồn năng lượng mới, tích cực và đầy văn minh, sáng tạo về hương vị cà phê của Gia Lai thông qua nghệ thuật Pour Over”-anh Dũng mong mỏi.

Được trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về phương pháp pha chế Pour Over, anh Trần Hoàng Minh-du khách đến từ Hà Nội thật sự bất ngờ. Anh chia sẻ: “Tôi cảm nhận được một hương vị cà phê rất mới mẻ nhưng cũng quá đỗi thân thuộc qua phương pháp pha chế cà phê thủ công này. Hương vị đặc trưng của cà phê được tái hiện rõ nét trong nghệ thuật pha chế thú vị vừa truyền thống vừa hiện đại. Nó được chia thành nhiều tầng hương vị khác biệt. Chỉ cần nhấp một ngụm cà phê đầu, bạn đã khám phá ra một hương thơm tinh tế, vừa dịu dàng nhưng vừa mạnh mẽ”.

Vốn tâm huyết với hương vị cà phê được pha chế theo phương pháp Pour Over, chị Tâm phân tích: Hiện chúng ta đã trải qua làn sóng thứ nhất là cà phê hòa tan, tiếp đó là cà phê pha máy. Và hiện nay, Gia Lai đang lan tỏa làn sóng thứ 3 khá thú vị với thuật ngữ “hand-drip”-nghĩa là cà phê pha chế thủ công. Với làn sóng này, tín đồ cà phê không chỉ thưởng thức mà còn được tìm hiểu những thông tin từ nông trại đến ly cà phê. Pour Over giúp chúng ta quảng bá về những loại cà phê đang uống được trồng ở đâu, độ cao bao nhiêu, sơ chế như thế nào?… “Chúng tôi thường tổ chức các sự kiện nhằm thu hút các bạn trẻ đến tìm hiểu và trải nghiệm các phương pháp pha chế cà phê. Trong đó có Pour Over. Với niềm đam mê và nỗ lực của thế hệ trẻ, chúng tôi hy vọng rằng, Gia Lai sẽ ghi dấu trong lòng mỗi người về hương vị cà phê rất riêng đến từ nghệ thuật pha chế độc đáo, ấn tượng”-chị Tâm chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

Lan tỏa tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ từ công trình “Đường cờ Tổ quốc”

(GLO)- Nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, một số tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc”, “Đường cờ Đảng” tại các thôn, làng. 

Gia Lai: Tổ chức Đoàn các cấp thực hiện 235 hoạt động tình nguyện trong xây dựng nông thôn mới

Gia Lai: Tổ chức Đoàn các cấp thực hiện 235 hoạt động tình nguyện trong xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Chiều 30-12, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai diễn ra hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn lần thứ 17 (mở rộng) khóa XV (nhiệm kỳ 2022-2027) nhằm đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Quản lý thời gian

Quản lý thời gian

(GLO)- Ai cũng biết thời gian đã đi qua thì không bao giờ trở lại. Vậy làm thế nào để mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa, để có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn là kỹ năng mà mỗi người cần rèn luyện.

Lan tỏa tinh thần tình nguyện

Lan tỏa tinh thần tình nguyện

(GLO)- Chương trình “Ấm áp mùa đông-Xuân yêu thương” tổ chức vào ngày 21-12 tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không chỉ mang đến những phần quà ý nghĩa với hàng trăm người dân địa phương mà còn góp phần lan tỏa tinh thần tình nguyện trong thế hệ trẻ.

“Một ngày em làm chiến sĩ”

“Một ngày em làm chiến sĩ”

(GLO)- Đó là tên chương trình trải nghiệm do Thành Đoàn-Hội đồng Đội TP. Pleiku tổ chức ngày 22-12 nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho 100 đội viên đến từ các Trường Tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai).