Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Động lực phát triển nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong đợt trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV-2021 do Bộ Công thương tổ chức, Gia Lai nằm trong tốp 10 địa phương có nhiều sản phẩm tiêu biểu nhất. Đây là cơ hội để các cơ sở đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường, tạo động lực phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Nam-Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Thu Hà (TP. Pleiku) cho biết: “Trong 64 dòng sản phẩm hiện có, Công ty chọn sản phẩm cà phê hòa tan vị đậm tham gia các đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp từ năm 2016 đến nay và 3 lần đạt chứng nhận cấp quốc gia. Bên cạnh đó, sản phẩm cà phê hòa tan vị đậm cũng là hàng Việt Nam chất lượng cao. Với 2 chứng nhận này, sản phẩm của Công ty ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm và có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Đóng gói sản phẩm hạt tiêu tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Vũ Thảo
Đóng gói sản phẩm hạt tiêu tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Vũ Thảo


Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: “Năm 2021, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 600 triệu đồng cho 1 đề án nhóm với 3 đơn vị thụ hưởng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 342 triệu đồng cho 2 đơn vị thụ hưởng. Các nguồn kinh phí hỗ trợ đã giúp các cơ sở phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.

Tương tự, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) lần đầu có bộ 3 sản phẩm gồm: tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí đều đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã-chia sẻ: “Hợp tác xã rất vinh dự khi có sản phẩm đạt chứng nhận tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín và được người tiêu dùng đánh giá cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu phát triển, tìm kiếm đối tác, mở rộng thêm thị trường. Qua đó, kết nối đầu ra cho thành viên, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”.

Đối với công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã lập hồ sơ và đăng ký cho 7 sản phẩm tham gia. Kết quả có 5 sản phẩm và bộ sản phẩm của 5 đơn vị được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ 4-2021, gồm: bộ 6 sản phẩm hạt điều rang củi của Công ty cổ phần hạt điều Hải Bình Gia Lai; bộ 3 sản phẩm cà phê hữu cơ và 2 sản phẩm cà phê hòa tan của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; cà phê hòa tan vị đậm của Công ty cổ phần cà phê Thu Hà; bộ 3 sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang; máy đào-xới bồn cà phê Gia Lai của hộ kinh doanh Lê Thị Trầm. Với kết quả này, Gia Lai vinh dự nằm trong tốp 10 địa phương có nhiều sản phẩm đạt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhất.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại-đánh giá: Việc được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp được xem như “giấy thông hành” chứng nhận sản phẩm tốt, tạo niềm tin với người tiêu dùng, đối tác. Qua đó, từng bước thiết lập kênh phân phối rộng rãi, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. Đối với các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận cấp quốc gia sẽ được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn khác để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, máy móc, được gắn logo sản phẩm CNNT trên bao bì để quảng bá xúc tiến thương mại… “Công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được tổ chức 2 năm/lần nhằm tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao và tiềm năng phát triển. Qua đó, đã tạo hiệu ứng tích cực, khuyến khích các cơ sở tiếp tục đầu tư, xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị để tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu”-bà Thu thông tin.

 

VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.