Gia Lai nâng tầm sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Gia Lai có 25 sản phẩm được công nhận 4 sao và 189 sản phẩm 3 sao. Nhiều địa phương đã hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ triển lãm, sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online giúp sản phẩm nâng cao giá trị, vươn xa hơn trên thị trường.
Hiệu quả thấy rõ
Đến cuối năm 2021, huyện Đức Cơ đã có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, 14 sản phẩm đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, cùng năm này, toàn tỉnh có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao thì đều của huyện Đức Cơ, gồm: cà phê bột Phoenix HD-BA, cà phê hạt Phoenix HD-BA và cà phê bột Nguyễn Hân Coffee Farm. Ông Nguyễn Tuấn Duy-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xây dựng thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng (xã Ia Nan) cho hay: “Để đạt tiêu chuẩn 4 sao, chúng tôi đã áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và đảm bảo các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, HTX chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn và nâng cao giá trị. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là xuất khẩu sản phẩm sang thị trường một số nước khu vực Đông Nam Á, sau nữa là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc”.
Đến nay, huyện Ia Grai có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Cơ sở rang xay cà phê Thảo Hiên (thị trấn Ia Kha) có đến 5 dòng sản phẩm được công nhận đạt 3 sao nên lượng hàng bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khá lớn. Chị Nguyễn Thị Thảo-Chủ cơ sở-cho hay: “Chúng tôi tích cực sử dụng Facebook, Zalo, website của cơ sở đăng tải hình ảnh, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm để tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiện nay, các sản phẩm cà phê mộc đặc biệt, cà phê Espresso, cà phê phin giấy, cà phê rang xay phin đậm và hạt điều của chúng tôi đã có mặt tại nhiều cửa hàng, đại lý trên cả nước”.
Sản phầm gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai được nhiều người tiên dùng biết đến. Ảnh: Ngọc Sang
Sản phẩm gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ảnh: Ngọc Sang
Trong khi đó, thương hiệu Gạo Phú Thiện được nhiều người tiêu dùng biết đến với chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ngoài kênh bán hàng truyền thống, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đã tiến hành số hóa, đưa hình ảnh, thông tin các sản phẩm gạo lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX-cho biết: “Nắm bắt được xu hướng của thị trường, HTX đã xây dựng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện 3 sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: LH12, TBR225, J02 cùng với 2 sản phẩm gạo ST24, ST25 được quảng bá thông qua các kênh bán hàng online như: Shopee, Lazada, portmart.vn, ocopgialai.vn đã khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm của HTX. Từ đó, chúng tôi mở thêm nhiều đại lý, doanh thu bán hàng cũng tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp 300-400 tấn gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, ước doanh thu của HTX đạt trên 1,3 tỷ đồng”.
Nhiều giải pháp đưa nông sản lên sàn
Việc liên kết tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử được chính quyền địa phương, các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP coi là giải pháp tạo ra những kênh phân phối mới, phù hợp xu hướng hiện đại; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm. Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: “Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đưa ra thị trường được sự đón nhận của người tiêu dùng. Do vậy, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các lớp tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, huyện hướng dẫn các chủ thể tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để làm chủ được cách bán hàng mới trên các sàn giao dịch điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”.
Để tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Trần Ngọc Phận nhấn mạnh: Huyện tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai và lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ để giúp các chủ thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng năm, huyện bố trí kinh phí từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để hỗ trợ các chủ thể thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó, khuyến khích các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.
Đến nay, huyện Ia Grai có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Ngọc Sang
Đến nay, huyện Ia Grai có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Ngọc Sang
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP, hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm nhằm góp phần nâng cao doanh số, lợi nhuận cho các cơ sở sản xuất, tổ chức kinh tế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 250 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao và có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao. Cùng với đó là hỗ trợ, cung cấp dịch vụ marketing online, định hướng áp dụng công nghệ 4.0; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh hoặc doanh nghiệp mang sản phẩm OCOP tiêu biểu đến giới thiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng và ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP”.
Đến nay, huyện Đak Đoa đã có 25 sản phẩm OCOP, trong đó, 5 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP của huyện khá đa dạng từ cà phê, hồ tiêu, măng, gạo, thịt bò khô, khoai lang, trà, cà phê, bột ngũ cốc, thịt thỏ hun khói, dầu gội thảo dược… Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao đã dần xây dựng thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-nhấn mạnh: “Khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP thì chủ thể cần tiếp tục phát triển ổn định vùng nguyên liệu theo quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng, mẫu mã. Có như vậy, sản phẩm mới có cơ hội đứng vững và phát triển. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, đào tạo kỹ năng tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các chủ thể, góp phần thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên nền tảng số”.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu giao thương ở các tỉnh, thành trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho nhiều chủ thể được gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, phương thức cung ứng để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hỗ trợ các chủ thể bán hàng trên sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn, xây dựng video quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện và trên trang thông tin điện tử của Trung tâm, Zalo, YouTube… Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, Trung tâm tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương và mở rộng thị trường trên không gian mạng”.
NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.