Pleiku: Xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, đa số chợ, trung tâm thương mại ở TP. Pleiku đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh, buôn bán ngày càng cao. Vì thế, việc chỉnh trang, nâng cấp hệ thống chợ, trung tâm thương mại được xem là nhiệm vụ cấp bách của thành phố, không chỉ để phục vụ tốt hơn nhu cầu kinh doanh của người dân mà còn đáp ứng mục tiêu trở thành đô thị loại I vào cuối năm 2019.
Nhiều chợ xuống cấp trầm trọng
Mới đây, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Thương mại (TTTM) Pleiku vào lúc 7 giờ sáng. Lúc này, xe của Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai đang làm nhiệm vụ gom rác. Không gian TTTM đặc quánh mùi hôi bốc ra từ đủ loại rác. Nhiều lối đi ở tầng trệt rất nhớp nháp bởi nước thải chảy tràn ra, khiến ai đi qua cũng thấy khó chịu. “Rác thì chúng tôi cố gắng dọn sạch nhưng vấn đề nước thải rất khó xử lý bởi hệ thống thoát nước đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống đường nội bộ hư hỏng nặng lại không có khu giết mổ tập trung nên môi trường xung quanh bị ô nhiễm”-ông Trần Văn Tư-Trưởng ban Quản lý TTTM Pleiku-cho biết. Cũng theo ông Tư, TTTM Pleiku có 573 hộ kinh doanh cố định và khoảng 200 hộ kinh doanh lưu động. Do TTTM xây dựng đã hơn 20 năm nên cơ sở vật chất cũng như quy mô không còn đảm bảo và phù hợp với sự phát triển hiện nay. Nhiều khu nhà trong TTTM bị dột, xuống cấp gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Đ.T
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Đ.T
Giữ nguyên khẩu trang bịt mặt khi mua sắm tại TTTM Pleiku, chị Trần Thị Thúy Nga (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi rất ít đi mua sắm ở đây vì quá bẩn, mỗi lần đi chợ về là phải thay luôn bộ đồ”. Không chỉ khách, ngay cả các tiểu thương kinh doanh trong TTTM cũng khó chịu vì sự ô nhiễm ở đây. Bà Võ Thị Xíu bày tỏ: “Tôi rất mong xây lại TTTM cho sạch sẽ chứ quá bẩn như hiện nay khách cũng không muốn vào mua sắm. Hàng bán ế ẩm, chúng tôi còn phải hít thở không khí này cả ngày rất ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Tương tự, chợ Yên Thế cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Tại đây, các sạp hàng được thiết kế quá nhỏ so với nhu cầu kinh doanh hiện nay; hệ thống điện cũng đã quá cũ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… Nguy hiểm hơn cả chính là tình hình trật tự an toàn giao thông trước cổng chợ. Do nằm trên đường Lê Đại Hành (trục đường tránh của TP. Pleiku) nên lưu lượng phương tiện qua lại trước cổng chợ khá đông, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi buôn bán diễn ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông. Ông Nguyễn Văn Nhuần-Trưởng ban Quản lý chợ Yên Thế-cho hay: “Ban ngày, tôi phải lo nhắc nhở bà con không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; ban đêm lại phải canh trực chợ. Sợ nhất là những ngày mưa lớn, nước ngập rất dễ chập cháy”.
Xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ
Các tiểu thương bán trái cây ở Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Đ.T
Các tiểu thương bán trái cây ở Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Kim Đại-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku: Từ ngày 1-10-2018, thành phố sẽ phát hành hồ sơ mời thầu sơ tuyển đối với 2 dự án TTTM Pleiku và chợ Yên Thế. Đây là những dự án đã có quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu; có ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn… Trong đó, dự án TTTM Pleiku có quy mô dự kiến là  13.000 m2, tổng mức đầu tư 590,7 tỷ đồng; dự án chợ Yên Thế diện tích 4.150 m2, tổng mức đầu tư 50,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án chợ đầu mối (phường Ia Kring) diện tích 40.000 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 242 tỷ đồng cũng đã được lập hồ sơ mời thầu sơ tuyển và đang trình thẩm định.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho biết: “Thành phố hiện có 16 chợ và 1 TTTM. Ngoài một số chợ đã được đầu tư xây mới như Hoa Lư, Phù Đổng, Chi Lăng; đa số các chợ đều đã xuống cấp, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Trong đó, đáng nói nhất là TTTM Pleiku. Được xem là trung tâm buôn bán của thành phố nhưng cơ sở hạ tầng TTTM Pleiku đã xuống cấp, không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy, thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng TTTM Pleiku, chợ đầu mối (chợ đêm), chợ Yên Thế và các chợ xã như: Ia Kênh, Chư Hdrông, Tân Sơn, Diên Phú và xã Gào theo hướng hiện đại, văn minh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (mỗi xã có một chợ) và phấn đấu đến cuối năm 2019 trở thành đô thị loại I”.
Gắn bó với TTTM Pleiku đã nhiều năm với vai trò là Trưởng ban Quản lý, ông Trần Văn Tư cho biết: “Nâng cấp, đầu tư xây dựng TTTM Pleiku là nhu cầu rất cấp bách. Chúng tôi rất mong thành phố nhanh chóng kêu gọi nhà đầu tư đủ tầm để xây dựng lại TTTM. Đồng thời, đưa ra mức giá cũng như phương thức thanh toán phù hợp, tạo điều kiện để tất cả bà con tiểu thương có thể tiếp tục kinh doanh trong TTTM”. Còn với chợ Yên Thế, ông Nguyễn Văn Nhuần cho rằng: “Hợp đồng thuê sạp trong chợ đã hết hạn 3-4 năm nay. Trước cũng có nhà đầu tư đến khảo sát, họp dân bàn bạc rồi, thế nhưng không biết vì lý do gì đến nay vẫn chưa thấy triển khai dự án. Chúng tôi rất mong dự án sớm triển khai để tiểu thương yên tâm kinh doanh, buôn bán”.
Về phía các tiểu thương, hầu hết đều đồng tình với chủ trương nâng cấp hệ thống chợ, TTTM trên địa bàn thành phố. Chị Hà Thị Tuyết-tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm trong khu nhà lồng TTTM Pleiku-cho biết: “Đường vào quầy hàng quá bẩn nên lượng khách mua sắm giảm rất nhiều so với trước. Hy vọng, TTTM sớm được xây mới khang trang, sạch sẽ để chúng tôi buôn bán thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tôi rất lo giá thuê ki-ốt sẽ cao không thể thuê lại được”. Cũng lo lắng về vấn đề này, chị Phan Thị Hồng Thu-tiểu thương kinh doanh rau trong chợ Yên Thế-chia sẻ: “Xây mới sạch sẽ thì ai cũng muốn. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất là giá thuê ki-ốt sẽ tăng cao, rất khó xoay xở”.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.