Phượt trên cung đường Trường Sơn Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lăn bánh trên những cung đường êm như nhung, nhìn ngắm triền đồi mía bạt ngàn nối tiếp nhau và xanh ngắt trong cái nắng cao nguyên mùa hạ. Đó là điều thú vị khi phượt trên đường Trường Sơn Đông mùa này. Và ở đó, những buôn làng hiền hòa sẽ cho bạn giây phút dừng chân lý thú…

Bắt đầu từ ngã tư Trường Sơn Đông tại điểm giao với quốc lộ 19 ngay gần Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ, con đường đi qua một vài thôn, làng của xã An Thành (huyện Đak Pơ) rồi dẫn đến xã Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Đak Hlơ trước khi dẫn vào trung tâm thị trấn Kbang. Tháng 5, trời Tây Nguyên ngập nắng gió. Trên chặng hành trình này, bạn có thể bắt gặp những ngôi làng Bahnar yên bình ôm lấy 2 bên đường hay những ngôi làng của người Thái, Tày, Mường di cư từ các tỉnh vùng cao Tây Bắc đến đây lập nghiệp. Những mái nhà đỏ tươi rực rỡ thấp thoáng sau những bãi dài nào mía, lúa, bắp, mì… Từng nếp nhà yên bình, thỉnh thoảng vương vài sợi khói bếp mờ ảo dần tan lẫn vào không trung. Mùa này, bà con huyện Kbang đang thu hoạch mía và lúa Đông Xuân. Mùi lúa chín, mùi rạ rơm hòa tan phảng phất. Phía dưới chân đồi, ruộng lúa đã ngả vàng ươm. Trên cánh đồng mía, những tốp người chặt mía cười nói râm ran rộn ràng một góc trên các triền đồi. Những chiếc xe tải lớn trĩu nặng, chậm chạp nối đuôi nhau đưa mía về nhà máy…

 

Đường Trường Sơn Đông đoạn bắt đầu đi vào thị trấn Kbang. Ảnh: L.H
Đường Trường Sơn Đông đoạn bắt đầu đi vào thị trấn Kbang. Ảnh: L.H

Thị trấn Kbang sẽ là một điểm nhấn rực rỡ trên hành trình. Đó là một thị trấn tuyệt đẹp nằm dưới thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi thấp. Ở thị trấn này, người dân đặc biệt yêu thích kiểu nhà đổ mái Thái, lợp ngói. Bạn sẽ hiếm thấy có nơi nào mà kiểu nhà mái Thái lợp ngói lại được sử dụng phổ biến đến nỗi có cảm giác đồng nhất như tại thị trấn Kbang. Không chỉ cảnh sắc hài hòa mà con người Kbang cũng rất dễ thương, dễ mến. Mặc dù cách xa trung tâm tỉnh đến gần 130 km nhưng thị trấn Kbang vẫn khá đầy đủ các dịch vụ giải trí, ẩm thực. Nhờ còn diện tích rừng lớn nên khí hậu tại Kbang dịu mát và trong lành hơn nhiều so với các huyện lỵ khác ở phía Đông tỉnh.

Bắt đầu từ thị trấn Kbang đổ về các xã Sơ Pai, Sơn Lang nối sang tận xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) sẽ là đoạn thú vị nhất của tuyến đường Trường Sơn Đông với bạt ngàn rừng nguyên sinh hùng vĩ. Cung đường như dải lụa mềm vắt qua những buôn làng, xuyên qua những cánh rừng già mát lạnh. Nếu để ý kỹ, sẽ không khó để bạn bắt gặp những chùm phong lan rừng treo tít trên các thân cây lớn bên đường. Tiếng chim, tiếng ve dường như không phút nào ngừng nghỉ dọc suốt chiều dài dễ đến gần 100 km. Những thân cây gỗ lớn đường kính đến mấy người ôm, vỏ xù xì và mốc thếch. Những tàng cây mùa thay lá với đủ màu sắc lá non: đỏ thẫm, vàng, xanh ngọc… Bức tranh rừng già sinh động, thậm chí những người lạ phượt trên cung đường này còn cảm thấy sợ hãi và rợn ngợp. Nhưng khi đã quen dần, bạn sẽ thích thú khi cảm nhận luồng không khí mát lạnh len vào từng hơi thở. Cảm xúc tự do, được thả lỏng và hòa mình giữa cái phóng khoáng của đất trời…

Trường Sơn Đông-con đường không chỉ mang trên mình vẻ đẹp hoang sơ của cảnh sắc thiên nhiên mà còn có cả những câu chuyện hào hùng lịch sử với làng Stơr của Anh hùng Núp. Không chỉ dành tặng cho con người vẻ đẹp tự nhiên trong những chuyến đi hôm nay mà trong tương lai, con đường sẽ còn đưa chân người đến với những nơi còn đẹp hơn như thế: Khu Du lịch Sinh thái Kon Chư Răng, dẫn sang Khu Du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) hay vùng đất giàu truyền thống cách mạng Ba Tơ (Quảng Ngãi)… Bạn còn ngại gì mà không “xách ba lô lên và đi” để một lần đặt chân khám phá cung đường này?

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

(GLO)- Về huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), nghe tên những địa danh gắn với bao truyền thuyết hư ảo như lạc vào miền sử thi. Trầm tích văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ là thế mạnh để “đánh thức” tiềm năng du lịch của vùng đất từng “bị bỏ quên” này.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.