Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chiều 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương kiểm tra cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành và làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan về 2 dự án này.
San nền tại sân bay Long Thành.

San nền tại sân bay Long Thành.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự không hài lòng với tiến độ thực hiện cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay Long Thành.

Đối với cao tốc Bến Lức – Long Thành, Phó Thủ tướng đánh giá dự án đã ngưng trệ trong thời gian rất dài (gần 4 năm). Điều này có nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng trách nhiệm rất lớn thuộc về các bộ, ngành, chủ đầu tư. Đồng thời cho rằng, việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến tháng 9/2025 là quá lâu. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tư vấn trưởng của dự án rà soát lại từng hạng mục, phần nào có thể triển khai được thì phải lập tức thực hiện.

Phó Thủ tướng khẳng định; “Trong khi Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư cao tốc Bến Lức – Long Thành) đang có nguồn thu từ các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc để gửi ngân hàng thì cao tốc Bến Lức – Long Thành lại không có tiền để thi công. Đây là điều bất hợp lý. Cần giải quyết những vướng mắc về cơ chế để sớm khai thông dự án”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương thực hiện cao tốc Bến Lức – Long Thành, tính đến cơ chế sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của VEC để làm vốn đối ứng, vốn đầu tư cho dự án. Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để VEC có thể thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại trong thời gian ngắn nhất.

Với sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là dự án thế kỷ, mang nhiều ý nghĩa, được các cơ quan trung ương quan tâm, ưu tiên nguồn lực. Tuy nhiên, sân bay đã chậm trễ, không đạt tiến độ đề ra. Điều này có nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19, song nguyên nhân chủ quan là cốt lỏi. Đặc biệt là gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành phải đấu thầu lại mất rất nhiều thời gian.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ sân bay Long Thành. Tỉnh phải xác định giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, chủ đầu tư phải có báo cáo toàn diện về việc triển khai toàn bộ dự án sân bay Long Thành; lựa chọn nhà thầu lớn, đủ năng lực, kinh nghiệm để xây dựng nhà ga hành khách. Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư sân bay Long Thành) cần khẩn trương có báo cáo khoa học, đầy đủ dựa trên báo cáo của đơn vị tư vấn kỹ thuật về thời gian thực hiện gói thầu thi công phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mời thầu.

Theo Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư cao tốc Bến Lức – Long Thành), cao tốc Bến Lức – Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay và vốn đối ứng.

Tuyến đường khởi công giữa năm 2014, dự kiến năm 2018 hoàn thành. Song đến năm 2023, dự án mới triển khai được trên 81% khối lượng công việc. Nguyên nhân sự chậm trễ này là do khó khăn về nguồn vốn, hơn 3 năm qua công trình phải tạm ngưng thi công. Hiện một số nhà thầu cao tốc Bến Lức – Long Thành đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm Trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh.

Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện đến tháng 9/2025, gia hạn hiệp định vay. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn trong dự án; trong đó, cho phép VEC sử dụng số vốn hơn 5.100 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành dự án.

Hiện các bộ, ngành liên quan cơ bản ủng hộ đề xuất nêu trên. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, nguồn thu phí do VEC quản lý (là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước) thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Do đó, việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức – Long Thành là không phù hợp.

Đối với Dự án sân bay Long Thành, đến nay, Đồng Nai đã thu hồi được gần 4.800 ha đất, đạt tỷ lệ khoảng 97%. Với diện tích còn lại, tỉnh cam kết sẽ bàn giao trong quý I này.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư sân bay Long Thành), sân bay Long Thành đã hoàn thành móng cọc nhà ga hành khách, các nhà thầu đang đẩy mạnh san nền, lũy kế đến nay đã đào đắp được gần 60 triệu m3 đất. Hiện ACV đang gặp khó khăn rất lớn khi triển khai dự án thành phần 3 – xây dựng các công trình thiết yếu tại sân bay Long Thành (quan trọng nhất là nhà ga hành khách).

Theo ACV, dự án thành phần 3 – sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng. Trong các hạng mục của dự án thành phần 3, gói thầu công trình nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) là quan trọng nhất với giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện 33 tháng. Năm 2022, ACV tổ chức đấu thầu gói thầu 5.10. Tuy nhiên sau đó phải hủy thầu. Mới đây, ACV tiếp tục phát hành hồ sơ mời thầu lần 2 gói thầu 5.10, song khả năng có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu là rất thấp. Nguyên nhân do nhà ga hành khách sân bay Long Thành có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại, trong khi thời gian thực hiện rất ngắn.

Mới đây, ACV đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình cấp có thẩm quyền cho phép được điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án thành phần 3 – sân bay Long Thành vào năm 2026. ACV đề xuất thời gian thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành là 39 tháng, bao gồm 36 tháng thi công xây dựng và 6 tháng vận hành chạy thử đồng thời với xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.