Các quan chức cấp cao của Philippines khẳng định sẽ phản đối và yêu cầu Trung Quốc giải thích thông tin cho tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters |
Ngày 9.8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. viết trên Twitter rằng nước này sẽ phản đối sự hiện diện của 2 tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này trong thời gian gần đây. “Sẽ phản đối ngoại giao”, ông Locsin Jr. viết. Trước đó, xuất hiện nhiều hình ảnh và thông tin cho thấy 2 tàu khảo sát Trương Kiển và Đông Phương Hồng 3 hoạt động trong EEZ Philippines, cách bờ biển phía đông nước này khoảng 80 hải lý.
Cũng trong hôm qua, tờ The Philippine Star dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay cơ quan này “chưa thể xác nhận thông tin chính xác” vì thiếu thiết bị theo dõi. Tuy nhiên, ông hối thúc các cơ quan liên quan yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ ràng. “Điều tôi muốn là chính phủ hãy hỏi Đại sứ quán Trung Quốc xem tàu của họ đang làm gì ở đó mà chúng ta không được biết”, Bộ trưởng Lorenzana nói. Bắc Kinh chưa có phản ứng về những thông tin trên.
Theo dự kiến, Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo khẳng định ông sẽ hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng cùng ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). “Tôi đã nói đó là lý do tôi đến Bắc Kinh. Họ đang trì hoãn COC và tình trạng này đang gây ra quá nhiều sự cố và một ngày nào đó sẽ dẫn tới tính toán sai lầm”, Tổng thống Duterte phát biểu với các phóng viên. Khi được hỏi ai đang trì hoãn COC, ông trả lời: “Đó chỉ có thể là Trung Quốc. Không có ai khác yêu cầu chúng ta chờ đợi” và nói thêm: “Đối thoại sẽ bao gồm mọi thứ và một trong số đó là tại sao chúng ta chưa có bộ quy tắc ứng xử, nó đã bị trì hoãn quá lâu”.
Ngoài COC, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay trong chuyến thăm, ông Duterte cũng sẽ đề cập phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức cuối tháng 6.2016, nhà lãnh đạo Philippines chủ trương tạm gác phán quyết để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Đến nay, ông tuyên bố đã đến lúc thảo luận về phán quyết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì nhiệm kỳ 6 năm của ông sẽ sớm kết thúc. “Chúng ta không được phép chấp nhận Trung Quốc sở hữu biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông - NV) vì phán quyết của tòa trọng tài đã nêu rõ”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những phát biểu thể hiện sự cương quyết với Trung Quốc về Biển Đông, Tổng thống Duterte cũng khiến dư luận xôn xao khi cho hay ông sẽ thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung gây tranh cãi. Theo tờ Manila Bulletin, phát ngôn viên Panelo cho hay nhà lãnh đạo sẽ dùng phán quyết về Biển Đông làm cơ sở để thảo luận kế hoạch hợp tác hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ ăn chia 60 - 40 với Trung Quốc. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi còn tiết lộ hai bên đang cố gắng lập khuôn khổ thăm dò chung trước cuối tháng 11.
Trong khi đó, hàng loạt chuyên gia Philippines và quốc tế liên tục cảnh báo về những hệ lụy khó lường cho nước này lẫn cả khu vực xuất phát từ kế hoạch thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông. Theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng áp sát Philippines. “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông cảnh báo.
Văn Khoa (thanhnien)