(GLO)- Du lịch nông nghiệp hay du lịch canh nông là một hình thức du lịch thân thiện với môi trường đã phát triển ở nhiều nước trong những năm gần đây. Theo đó, du khách khi tham quan một vùng miền nào đó sẽ được đưa đến những cơ sở nông nghiệp để trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm. Qua đó, du khách sẽ cảm nhận được những nét đẹp trong lao động, trong văn hóa vùng miền…
TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là địa phương biết đầu tư khai thác khá hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp. Ảnh: Phan Anh |
Ở nước ta, du lịch nông nghiệp cũng đã được nhiều địa phương chú ý như Hà Nội, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh và nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ rất biết khai thác thế mạnh về nông nghiệp của mình như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang… Tại đây, du khách ngồi trên xuồng ba lá len lỏi trên những con mương đầy ắp nước giữa vườn cây ăn quả; được hướng dẫn cách thả câu, giăng lưới, đốt lửa rơm nướng cá, hoặc lên bờ vào vườn tự mình hái trái cây để thưởng thức…
Trên địa bàn Tây Nguyên, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là địa phương biết đầu tư khai thác khá hiệu quả loại hình du lịch này. Hiện thành phố có đến hơn 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, hoa và diện tích nhà kính đạt 1.500 ha được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt, nhất là các nhà làm du lịch nông nghiệp nước ngoài. Năm 2015, Đà Lạt đón khoảng 5 triệu lượt khách, năm 2016 đón 5,4 triệu lượt khách và năm nay ước đạt 6 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có tham quan mô hình du lịch nông nghiệp như các vườn rau, vườn dâu, vườn hoa, atiso, vườn hồng… trên địa bàn.
Làng hoa nổi tiếng Thái Phiên ở phường 12, TP. Đà Lạt là một địa chỉ rất hấp dẫn đối với du khách trong tour du lịch đến xứ sở ngàn hoa. Tại đây, du khách được tự tay cắt những nhành hoa đẹp, hái những trái dâu tây chín mọng, được trực tiếp tìm hiểu quy trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2016, làng hoa Thái Phiên đã đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Gia Lai có những lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp không thua kém bất kỳ địa phương nào. Với hàng chục vạn ha đất nông nghiệp đang được trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như đồi chè Bầu Cạn, Biển Hồ, các vườn cao su, đặc biệt là mùa thay lá, mùa thu hoạch, thăm các vườn cà phê, điều, hồ tiêu, lúa, rau xanh cùng hàng chục vạn ha mặt nước nuôi cá, tỉnh có đủ điều kiện để đầu tư phát triển loại hình du lịch canh nông.
Có thể phân chia thành các hình thức phù hợp với từng mùa sản xuất để tổ chức các tour du lịch tương ứng trong tỉnh như: mùa thu hoạch ớt, mía, thuốc lá, mì… ở các huyện Đông Trường Sơn; mùa hái cà phê, hồ tiêu, điều, cạo mủ cao su… ở các huyện phía Tây Trường Sơn. Vào mùa đưa khách đến vườn hướng dẫn cách thu hoạch, chăm sóc, tự tay hái cà phê, hồ tiêu… sẽ mang lại cảm giác thích thú cho mọi người. Chúng ta có thể tổ chức các tour du lịch trên những hồ lớn như hồ Ayun Hạ, hồ Sê San và trên các hồ nuôi cá nước ngọt ở Đak Đoa, Kbang. Tại đây, du khách sẽ được chèo thuyền câu cá, thả lưới, cho cá ăn, bắt cá lên chế biến tại chỗ cùng với các món ẩm thực đặc sắc của địa phương như bò một nắng, muối kiến, cơm lam, gà nướng, rượu cần… vừa thưởng thức các món ăn dân dã đậm đà hương vị núi rừng vừa nghe âm thanh cồng chiêng, múa xoang với các sơn nữ Jrai, Bahnar… Đặc biệt, tại TP. Pleiku, chúng ta vẫn có thể đưa khách đến các vườn rau an toàn ở phường Thống Nhất, Chi Lăng, xã An Phú để khách tự mình tham gia vào quy trình chăm sóc, thu hoạch rau xanh…
Không chỉ có thế mạnh về nền nông nghiệp đa dạng, Gia Lai còn có lợi thế quan trọng khác trong đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, đó là hệ thống giao thông thuận lợi, các điểm tham quan, du lịch đều có cự ly không xa TP. Pleiku, có thể đưa du khách đi và về trong ngày; nếu khách có nhu cầu vẫn có thể nghỉ lại đêm tại chỗ với các tiện nghi phục vụ. Hy vọng rằng, trong tương lại gần, tỉnh sẽ phát triển mạnh hình thức du lịch hiện đại này để có thể đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương và không ngừng quảng bá rộng rãi hình ảnh một Gia Lai gần gũi, thân thiện với môi trường ra khu vực…
Thanh Phong