Pháp lý chưa thông, hàng nghìn căn hộ du lịch vẫn được cấp phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quý II/2020, cả nước có 6.300 căn hộ du lịch được cấp phép, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) được cấp phép và gần 20.000 condotel đang triển khai xây dựng...

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Mặc dù dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm, nhưng giá bán nhà ở trên thị trường vẫn tăng so với cuối năm 2019. Hoạt động giao dịch trong quý II cũng có những tín hiệu lạc quan hơn quý I nhờ bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, trong khi Bộ Công an, Bộ Công Thương cảnh báo về tính pháp lý căn hộ du lịch (condotel), thì theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2020 vẫn có 6.300 căn hộ du lịch được cấp phép mới và gần 20.000 căn hộ du lịch đang triển khai xây dựng. Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng hơn so với quý I/2020.
Giao dịch bất động sản trên đà phục hồi
Theo báo cáo thông tin nhà ở và thị trường bất động sản vừa được Bộ Xây dựng công bố, trong quý II/2020, cả nước có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Trong số đó, tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý I/2020); Thành phố Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý I/2020).
Lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý II bình quân trên cả nước bằng khoảng 130-140% so với quý I. Lý do là các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Đến thời điểm tháng 7/2020, các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội với hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30-40%.
Cụ thể, trong quý II/2020, cả nước có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Một số địa phương trọng điểm về cấp mới dự án du lịch nghỉ dưỡng như: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án; Phú Yên cấp phép 2 dự án, trong khi quý I/2020 là 0 dự án.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý II/2020, có 22 dự án (bằng 69% quý I/2020) được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ. Trong  số đó, condotel có 668 căn (bằng 27% quý I/2020); văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) 931 căn (quý I/2020 là 0 căn).
Mặc dù vậy, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy số lượng nhà ở hoàn thành, đủ điều kiện bán trong quý II/2020 vẫn hạn chế; nhiều địa phương trên cả nước nguồn cung nhà ở có xu hướng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Cụ thể là trong quý II/2020, cả nước có 94 dự án với 19.543 căn hộ được Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 16 dự án, với tổng số 7.408 căn nhà, giảm 21,3% so với quý I/2020. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 8 dự án, với tổng số 3.958 căn nhà, giảm 40% so với quý I/2020 và giảm 5,8% so với cùng kỳ quý II/2019.
Dư nợ tín dụng giảm, giá bán vẫn "bình ổn"
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/3/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 526.396 tỷ đồng, giảm 0,87% so với hết tháng 2/2020. Tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,3% trong quý I/2020.
Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 38,9%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 7,2%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 3,9%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9,7%...
Tín hiệu đáng mừng là dù dư nợ tín dụng bất động sản có xu hướng giảm nhưng giá bán nhà ở trên thị trường vẫn không có xu hướng giảm mà còn tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,01% so với quý I/2020.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý I/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%), nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý I/2020.
Đáng chú ý, mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các doanh nghiệp, thế nhưng bất động sản công nghiệp vẫn thu hút khách thuê, thậm chí giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.