"Nuôi heo đất vì bạn nghèo"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là tên của phong trào được Liên đội Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai) triển khai từ nhiều năm nay. Hoạt động này đã góp phần giáo dục đội viên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần tiết kiệm, biết san sẻ yêu thương để tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Liên đội Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa có 361 đội viên, thiếu niên, nhi đồng, trong đó có 155 em là dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu dụng cụ học tập. Để tiếp sức các em đến trường, Liên đội nhà trường đã triển khai phong trào “Nuôi heo đất vì bạn nghèo” từ năm học 2016-2017. Theo đó, ngay từ đầu năm học, mỗi chi đội được Liên đội cấp một con heo đất. Giáo viên chủ nhiệm sẽ phổ biến hình thức nuôi heo đất tùy theo điều kiện của mỗi chi đội, việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của các em.
 Những chú heo tiết kiệm của chi đội 4B. Ảnh: P.L
Những chú heo tiết kiệm của chi đội 4B. Ảnh: P.L
Với ý nghĩa ấy, mỗi con heo đất ở các chi đội luôn được xem là “bảo bối” và các đội viên, thiếu niên, nhi đồng đều hăng hái nuôi cho “mau lớn”. “Thức ăn” cho heo là tiền tiết kiệm từ các khoản ăn sáng, ăn quà vặt hoặc từ tiền thu gom, bán phế liệu của các em. Nhiều chi đội đã triển khai rất tốt phong trào này, có chi đội còn mua thêm những con heo đất khác để tiết kiệm. Cô Đoàn Thị Thanh Thuyện-giáo viên chủ nhiệm lớp 4B-cho biết: “Tôi chia lớp ra thành 3 tổ để các em thi đua với nhau, mỗi sáng lên lớp tôi đều hỏi: “Hôm nay có bạn nào cho heo ăn không nhỉ?”, em nào có tiền thì đem bỏ vào con heo của tổ mình. Thỉnh thoảng, tôi cũng bỏ tiền túi để cùng nuôi những con heo này nhằm cổ vũ các em. Hiểu được việc làm ý nghĩa này nên các em tham gia rất tích cực”.
Heo đất được giáo viên chủ nhiệm cất giữ rất cẩn thận. Mỗi buổi sáng, heo được đặt trên bàn giáo viên để học sinh cho “ăn”. Có em bỏ heo 1.000 đồng, em nào có nhiều hơn thì bỏ 4.000-5.000 đồng. Không ai bảo ai, các em đều tự giác nuôi heo bằng khoản tiền tiết kiệm của mình. Em Huỳnh Tường Bảo Trân (lớp 4), một trong những đội viên tích cực hưởng ứng phong trào tiết kiệm nuôi heo đất, chia sẻ: “Khi bố mẹ cho tiền tiêu vặt, em thường dùng để mua thêm dụng cụ học tập, tiền thừa em để dành nuôi heo. Trung bình mỗi tuần em bỏ heo 2 lần. Bố mẹ em cũng biết đến phong trào này nên khuyến khích em tham gia”.
Mỗi năm, Liên đội tổ chức 2 đợt “mổ heo”, thường là vào cuối học kỳ. Số tiền tiết kiệm được giáo viên chủ nhiệm tổng kết và báo cáo với nhà trường. Một nửa sẽ nộp vào nguồn quỹ của Liên đội để mua áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập tặng các đội viên, thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền còn lại sẽ được chi đội giữ để tổ chức liên hoan cuối mỗi học kỳ hoặc mua sách vở tặng cho tất cả thành viên. Là học sinh bị bệnh tim bẩm sinh, nhiều lần được nhận những món quà trích từ phong trào nuôi heo đất, em Phạm Thị Hải Bình (lớp 2A) xúc động cho biết: “Em rất vui vì nhận được quà từ Liên đội, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, bạn bè”.
Theo thầy Nguyễn Văn Duy Tân-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa, để phong trào nuôi heo đất đạt hiệu quả, Liên đội thường xuyên tuyên truyền cho các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Đồng thời, tuyên dương, khen thưởng các chi đội có heo “béo” nhất và những em tham gia tích cực phong trào vào cuối học kỳ. Trung bình mỗi năm học, số tiền nuôi heo đất do Liên đội phát động khoảng gần 5 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng đã giúp các em biết tiết kiệm, biết chia sẻ yêu thương và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. “Vì ý nghĩa thiết thực mà phong trào mang lại, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới”-thầy Tân cho biết.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.