(GLO)- Sơ Bir-ngôi làng có 6 dân tộc anh em sinh sống-từ lâu được biết đến là làng giàu nhất xã Kon Thụp (huyện Mang Yang). Toàn làng hiện có 60 triệu phú trẻ tuổi trên tổng số 139 hộ dân với thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm.
“Trụ cột” của làng
Trước đây, làng Sơ Bir cũng nghèo đói như 6 làng khác trên địa bàn xã. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khi Sơ Bir bứt phá vươn lên trở thành làng giàu nhất xã thì công đầu phải kể đến là những cán bộ của làng, trong đó có Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn-anh Plinh.
Anh Plinh. Ảnh: Đ.Y |
Dù tuổi đời còn khá trẻ (SN 1982) nhưng Plinh được người dân trong làng yêu quý gọi là “trụ cột” của làng. Cách đây 9 năm, Plinh được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, 4 năm sau anh tiếp tục được chi bộ bầu làm Phó Bí thư chi bộ làng Sơ Bir. Nhớ lại ngày mới đảm đương cương vị Trưởng thôn, anh Plinh tâm sự: “Mình lo lắm, làm giàu thì chỉ cần chịu khó, siêng năng, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, nhưng làm Trưởng thôn thì phải nói sao để bà con nghe, hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rồi áp dụng vào cuộc sống thì không phải là việc dễ dàng. May mà những gì mình nói, bà con đều nghe và làm theo”.
Việc đầu tiên anh Plinh làm là vận động bà con rào vườn, cải tạo vườn hộ và quy hoạch đường làng, ngõ xóm. “Trước đây, vườn hộ của bà con đều để cỏ dại mọc, mình nói “tấc đất tấc vàng”, bà con phải tận dụng diện tích đất của mình để trồng những cây có giá trị kinh tế thì mới thoát nghèo. Nghe mình nói bà con thấy đúng nhưng để làm được thì mình phải hướng dẫn bằng cách “cầm tay chỉ việc””-anh Plinh kể.
Nói đi đôi với làm, việc đầu tiên anh Plinh làm là nhờ những thanh niên trẻ, khỏe nhất trong làng lên rừng kiếm cây về rào vườn giúp bà con. Còn những người lớn tuổi thì cùng anh đến từng nhà giúp người dân cắm cọc cho ngay hàng thẳng lối trên diện tích đất của mỗi hộ. Sau đó, thấy ngõ xóm của làng còn nhiều đoạn đi lại khó khăn, Plinh lại vận động bà con tự nguyện hiến đất để quy hoạch ngõ xóm theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bà con thấy nhờ làm đường làng ngõ xóm ai cũng có đường đi rộng rãi nên tự nguyện hiến đất để làm đường.
Tiếp đó, Plinh bắt tay ngay vào hướng dẫn bà con cải tạo vườn hộ. 2 loại cây công nghiệp là cà phê, hồ tiêu phù hợp với thổ nhưỡng của làng đã được anh hướng dẫn người dân trồng, chỉ cách mua giống chuẩn, chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bỏ phân và thu hoạch.
Nhờ thế, Sơ Bir bây giờ phát triển thấy rõ, từ đường làng được bê tông phẳng lì, sạch sẽ đến những vườn hồ tiêu, cà phê tít tắp, xanh mướt, những ngôi nhà xây kiên cố khang trang mọc lên san sát...
Đến chuyện làm giàu
Không chỉ nhiệt tình trong công tác xã hội, anh Plinh còn là một trong những gương sản xuất giỏi ở làng Sơ Bir. Hiện gia đình anh có 2 sào cà phê, 500 trụ hồ tiêu, 5 sào lúa nước, 1 ha mì, 4 con bò, mỗi năm trừ chi phí cũng để ra được trên 100 triệu đồng. Với sự nhanh nhạy, cứ dành dụm được ít vốn, anh lại đầu tư mua máy cày, máy phụt lúa. Làm xong việc của gia đình, anh mang máy đi làm thuê cho bà con. Rồi khi vào mùa thu hoạch mì, cà phê, thấy nhu cầu thuê xe chở mì, cà phê của bà con nhiều, anh Plinh lại vay mượn thêm mua xe ô tô tải về phục vụ. Thời gian qua, thấy người dân trong làng có nhu cầu đi lại nhiều, nhất là khi gia đình có người đau ốm phải chạy đôn chạy đáo đi thuê xe, anh Plinh lại mua thêm xe ô tô con gần 300 triệu đồng để vừa phục vụ việc đi lại của gia đình vừa chở thuê khi bà con trong làng có nhu cầu.
Ông Y Brới-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp: “Người dân làng Sơ Bir ai cũng có ý thức làm giàu, nhất là những nông dân trẻ, họ không chỉ có trình độ về văn hóa mà còn có một khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Sơ Bir là địa chỉ để cho nông dân ở các làng khác học tập, làm theo”. |
Từ tấm gương làm giàu của anh Plinh, nhiều thanh niên trong làng đã học hỏi làm theo. Trong số những nông dân trẻ ấy phải kể đến anh Ní (SN 1983). Ngồi trong căn nhà khang trang còn thơm mùi sơn mới trị giá gần 500 triệu đồng, anh Ní kể: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm, nhưng nhờ có anh Plinh chỉ cho mình cách trồng cà phê, hồ tiêu và mua máy cày để phục vụ cho việc làm đất của gia đình, rồi đi làm thuê cho bà con, kinh tế gia đình mình mới được khá giả như bây giờ”. Hiện gia đình anh Ní có 1.000 trụ hồ tiêu, 5 sào cà phê, 5 sào mì và 5 sào ruộng lúa nước. “Những diện tích trồng cà phê, hồ tiêu trước đây mình chỉ biết trồng mì. Trồng mì nếu được mùa được giá thì mỗi vụ cũng chỉ được 40-50 triệu đồng thôi. Còn chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, sau khi trừ hết chi phí, mỗi vụ thu lời gần 200 triệu đồng”-anh Ní so sánh.
Tương tự là anh nông dân Chưch (SN 1981). Sau khi học xong THPT, anh Chưch phải nghỉ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Ở nhà làm nông với bao bỡ ngỡ ban đầu, nhưng nhờ có anh Plinh nhiệt tình hỗ trợ từ khâu làm đất, cách chọn giống, kỹ thuật trồng, anh Chưch đã mạnh dạn đầu tư mua trụ, mua giống hồ tiêu, bỏ công sức đào hố trồng cà phê trên những diện tích đất bố mẹ bỏ hoang. Sau 3 năm, anh Chưch đã trồng được 500 trụ hồ tiêu, 5 sào cà phê. Khi cà phê, hồ tiêu cho thu bói, có nguồn thu, anh Chưch mua thêm 7 con bò giống về nuôi. Không những vậy, anh còn đầu tư khoan giếng, đào ao thả cá, nuôi heo. Nhờ mô hình kinh tế tổng hợp trên, mỗi năm anh Chưch thu nhập gần 200 triệu đồng.
Đinh Yến