Khi AI trở thành công cụ: Nhận diện rủi ro và sử dụng có trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giới trẻ tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao cuộc sống, nhưng không phải không có rủi ro.

Hiểu rõ hơn về các nguy cơ tiềm ẩn và cách dùng AI một cách có trách nhiệm là điều cần thiết khi AI không thể thay thế tư duy con người.

Không phải những gì AI nói đều đúng

T.C.K, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thường sử dụng AI để dịch văn bản từ tiếng Việt sang tiếng Anh. "Mình thấy AI thực hiện rất tốt việc này. Hầu như các bản dịch đều chính xác về ngữ pháp và từ vựng, nên thường mình không cần chỉnh sửa lại", K. cho biết.

Vai trò của thầy cô rất quan trọng trong việc điều chỉnh phương pháp và hình thức kiểm tra để đánh giá đúng năng lực sinh viên, đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng AI trong quá trình học tập
Vai trò của thầy cô rất quan trọng trong việc điều chỉnh phương pháp và hình thức kiểm tra để đánh giá đúng năng lực sinh viên, đồng thời ngăn chặn việc lạm dụng AI trong quá trình học tập

Khi người viết hỏi: "Liệu tin tưởng tuyệt đối như vậy có xảy ra rủi ro gì không?", K. chia sẻ ban đầu thì còn khá nghi ngờ về độ chính xác của các bản dịch từ AI, nhưng sau một thời gian sử dụng bản thân đã dần tin tưởng. "Vì kỹ năng viết tiếng Anh của bản thân không giỏi, có những bài tập đến hạn gấp, mình sẽ sao chép và dán kết quả dịch từ AI vào tài liệu rồi nộp luôn", K. cho hay.

Tương tự, Bùi Quốc Đạt, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ thường xuyên sử dụng AI để kiểm tra tính đúng sai của các bài tập liên quan đến tính toán và lập trình. "Bình thường, mình giải bài xong rồi đối chiếu kết quả với những gì AI đưa ra để kiểm tra độ chính xác", Đạt cho biết.

Theo Đạt, độ chính xác của AI đối với các bài tập này là rất cao, giúp bạn xác định được lỗi sai và cải thiện kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, đôi khi AI lại đưa ra những cách giải khác với thầy cô dạy ở trường, khiến Đạt cảm thấy khó hiểu. "Mình nghĩ không phải là lỗi của AI, mà do năng lực của bản thân còn hạn chế", Đạt chia sẻ thêm.

Kể về một lần trò chuyện với AI, Nguyễn Thị Thúy Kiều, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đã sử dụng AI để xin lời khuyên về các triệu chứng mình gặp phải, như đau đầu kéo dài và mệt mỏi. AI đã gợi ý rằng đó chỉ là dấu hiệu của căng thẳng hoặc thiếu ngủ và khuyên Kiều chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Tuy nhiên, khi đến phòng khám và được bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng, Kiều mới biết những lời khuyên từ AI không hoàn toàn chính xác. Thực tế, nữ sinh này bị mắc một bệnh lý nghiêm trọng hơn, cần điều trị kịp thời. Kiều cho biết trải nghiệm này khiến bản thân nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải xác thực thông tin và không nên tin tưởng hoàn toàn vào AI, đặc biệt là những nội dung liên quan đến sức khỏe.

Nhiều bạn trẻ tin tưởng tuyệt đối vào kết quả của AI mà không kiểm chứng.
Nhiều bạn trẻ tin tưởng tuyệt đối vào kết quả của AI mà không kiểm chứng.

Nhấn mạnh với người viết về những rủi ro trong quá trình sử dụng AI, ông Tạ Công Sơn, chuyên gia nghiên cứu và phát triển AI tại chongluadao.com, kiêm nhà sáng lập của Công ty công nghệ OverBloom, cho biết: "AI đang mang lại nhiều tiện ích đáng kể, nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề an toàn mà người dùng cần nhận thức rõ, trong đó nổi bật là nguy cơ từ các ảo giác AI".

Ông Sơn giải thích ảo giác AI là hiện tượng khi hệ thống AI cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, nhưng lại được trình bày một cách thuyết phục, khiến người dùng dễ dàng tin tưởng. Những thông tin này có thể dẫn đến hiểu lầm nghiêm trọng, đặc biệt khi liên quan đến một số vấn đề nhạy cảm như chính trị, sức khỏe hoặc các sự kiện đang diễn ra. Để đảm bảo an toàn, ông Sơn khuyến cáo người dùng nên kiểm tra và xác thực kỹ lưỡng các nguồn thông tin trước khi tin tưởng vào kết quả từ AI. "AI chỉ nên được sử dụng như một công cụ tham khảo, cần đối chiếu với các nguồn tin khác. Nếu không, việc tin tưởng hoàn toàn vào AI có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng", ông Sơn nhấn mạnh.

Làm thế nào để dùng AI một cách có trách nhiệm?

Chia sẻ về cách sử dụng AI hiệu quả, tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiệp, nhà khoa học trong lĩnh vực AI và Trưởng phòng Thí nghiệm truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: "Nhiều bài viết gần đây tập trung vào hướng dẫn khai thác AI hiệu quả, chẳng hạn như cách đặt câu lệnh chi tiết, cho biết cụ thể ngữ cảnh, gán vai trò hoặc đưa ra ví dụ cụ thể để tối ưu kết quả. Tuy nhiên, điều mà nhiều người bỏ qua chính là cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Đây thực sự là vấn đề quan trọng mà người dùng cần đặc biệt lưu ý, bởi lạm dụng AI có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn".

Theo tiến sĩ Tiệp, sử dụng AI có trách nhiệm không chỉ là tối ưu hóa kết quả mà còn phải cân nhắc đến tác động lâu dài của việc ứng dụng công nghệ này. Điều này bao gồm việc kiểm tra và xác thực lại thông tin mà AI cung cấp, tránh lệ thuộc quá mức và luôn giữ được tư duy độc lập trong quá trình xử lý vấn đề. "Người dùng cần phải nhận thức rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn khả năng phán đoán và suy nghĩ của con người", ông Tiệp lưu ý.

Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia Tạ Công Sơn cho rằng người dùng tuyệt đối không được dùng AI để tạo ra nội dung gian lận, thông tin sai lệch hay phát tán sản phẩm vi phạm bản quyền, vì những hành động này có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Đồng thời, trong môi trường làm việc và học tập, người dùng cần đảm bảo không để AI thay thế quá mức vai trò của con người, đặc biệt là trong các tình huống liên quan đến tính minh bạch, sự công bằng. "AI phải được sử dụng để hỗ trợ con người, chứ không phải để thay thế vai trò của chúng ta trong việc duy trì các giá trị đạo đức và pháp lý trong xã hội", ông Sơn cho hay.

Để làm được điều này, tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiệp cho biết vai trò hỗ trợ của thầy cô là rất lớn trong việc thay đổi những phương pháp và hình thức kiểm tra sao cho phù hợp với mục tiêu đánh giá đúng năng lực thực sự của sinh viên, tránh tạo cơ hội cho các bạn sử dụng AI một cách lạm dụng hoặc đối phó. Theo đó, thầy cô cần thiết kế các bài kiểm tra hoặc dự án yêu cầu sinh viên phải thể hiện khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và phân tích sâu thay vì chỉ yêu cầu các bạn trả lời những câu hỏi có sẵn trong giáo trình.

Thêm vào đó, thầy cô cũng có thể tổ chức các bài kiểm tra nói, thi đối đáp, nơi sinh viên phải trực tiếp thể hiện sự hiểu biết của mình về chủ đề mà không có sự can thiệp của công cụ AI. "Các hình thức kiểm tra như vậy sẽ giúp thầy cô đánh giá một cách chính xác hơn khả năng phân tích, tư duy độc lập và trình bày của sinh viên. Qua đó, cũng giúp chúng ta hạn chế việc sinh viên lạm dụng AI để "lách" qua các bài kiểm tra", ông Tiệp nhấn mạnh.

Theo Kim Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.

Võ Quang Phú Đức vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24

Võ Quang Phú Đức vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24

(GLO)- Trải qua 4 phần thi đầy gay cấn, Võ Quang Phú Đức (Trường THPT chuyên Quốc học Huế) đã xuất sắc trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24. Chàng trai Gia Lai Nguyễn Quốc Nhật Minh cùng 2 “nhà leo núi” còn lại cũng cho thấy bản lĩnh và trí tuệ của mình tại vòng chung kết cuộc thi diễn ra vào sáng 13-10.

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Nữ sinh chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng

Phạm Ngọc Trúc Linh (18 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã thành công chinh phục học bổng toàn phần trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỉ đồng) từ Trường ĐH Monash (Úc). Được biết, Linh là một trong số ít ứng viên nhận được suất học bổng của trường đại học này dành cho thí sinh quốc tế.

Giá trị của việc chọn đúng ngành

Giá trị của việc chọn đúng ngành

Trong nhiều năm thực hiện chương trình Tư vấn mùa thi, không ít lần chúng tôi nhận được mong muốn từ chuyên gia các trường ĐH rằng nếu như học sinh được tư vấn ngành nghề sớm hơn, không phải đến năm lớp 12, thì sẽ giảm thiểu việc chọn không đúng ngành gây lãng phí cho cả gia đình, xã hội.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...