Mặt trời trong bóng đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi đã lặng người khi nghe Y Un Diễm kể về hoàn cảnh của mình. Và cũng chính tôi đã thốt lên thán phục khi biết Diễm là một trong số rất ít các bạn sinh viên “ẵm” học bổng “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á- YSEALI”.

Từ những nỗ lực phi thường, cô sinh viên Gié- Triêng Y Un Diễm (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã chứng minh: Khát vọng, hoài bão, nỗ lực là động lực để chiến thắng bản thân, thay đổi hoàn cảnh.

1stre.jpg
Y Un Diễm (trái), tự hào khi được giới thiệu về đất nước, dân tộc cho bạn bè trên thế giới. Ảnh nhân vật cung cấp

Đường học lắm chông chênh

Như có một sự thôi thúc, tôi nhấc máy gọi cho Y Un Diễm vào giữa trưa. Qua cuộc gọi video bên zalo, trong căn phòng trọ ở gần Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk), Y Un Diễm nở nụ cười nhẹ nhàng chia sẻ về hành trình viết tiếp con chữ, chạm tay vào 3 học bổng. 2 giờ lắng nghe và thấu hiểu, tôi chợt thấy, Diễm như mặt trời trong bóng đêm. Dẫu cuộc sống, hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm, Diễm vẫn tỏa sáng theo cách của riêng mình.

Bố mẹ ly hôn từ khi Diễm mới 5 tuổi. Em gái Diễm lại gặp khó khăn về thể chất lẫn trí tuệ. Năm học lớp 7, bà ngoại Diễm mắc bệnh hiểm nghèo. Một cuộc sống không bình lặng như thử thách Diễm- cô bé năng động, nhiệt huyết.

Năm lớp 9, khi chuyển từ Ngọc Hồi về ở với bà nuôi và theo học tại huyện Tu Mơ Rông, trước sự thay đổi lớn về hoàn cảnh khiến Diễm ít nói, trầm lặng. May mắn thay, với sự động viên của bà nuôi, Diễm từng bước tìm lại chính bản thân mình. “Những năm cấp 3, đỉnh điểm là năm lớp 12, em tự động viên mình phải cố gắng học thật tốt để có thể xét tuyển vào các trường đại học. Suốt thời gian đó, ngày nào em cũng dậy từ 4h, 4h30 sáng để học bài. Và những nỗ lực đã được đền đáp với một học bạ đẹp như mong đợi”- Diễm chia sẻ.

Học bạ đẹp vẫn không đủ để thay đổi những khó khăn thực tại của cuộc sống. Không có sự định hướng mà nhất là không có tiền, Diễm chưa có con đường nào khác ngoài việc khép lại việc học. Cuối năm lớp 12, sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, Diễm xuống thành phố Kon Tum kiếm việc làm để trang trải cuộc sống.

Đi làm nhưng Diễm vẫn ao ước được đi học như bao bạn bè khác. Trong quá trình làm việc, Diễm may mắn được một cô giáo giới thiệu cho theo học tại một lớp quản trị nhà hàng, khách sạn của một tổ chức trên địa bàn tỉnh. “Chỉ cần một hy vọng nhỏ nhoi cũng đủ để lóe sáng. Đó là cơ hội để em bước ra bên ngoài. Khi biết việc học hoàn toàn miễn phí, em sẵn sàng chớp lấy cơ hội”- Diễm kể.

Sau 6 tháng học lý thuyết, Diễm được vào Thành phố Hồ Chí Minh để thực tập. Chân ướt chân ráo từ miền quê ra đô thị phồn hoa chỉ với 1,5 triệu đồng từ mẹ cho, Diễm phải tự trang trải tất cả các chi phí. Để nuôi sống được chính mình, ban ngày em đi thực tập, tối đi chạy bàn đến tận khuya. “Những lúc túng thiếu, em cũng phải mượn mọi người để trang trải. May mắn, mọi người đều giúp đỡ”- Diễm cười.

Sau khi thực tập, với sự nhạy bén, Diễm được nhận vào làm nhân viên tại 1 khách sạn 4 sao. Tại đây, trong quá trình làm, được tiếp xúc, giao tiếp bằng tiếng Anh với mọi người, Diễm càng nhận thức được rằng, học- là con đường ngắn nhất để thay đổi cuộc sống. Và Diễm cũng nghĩ, học tiếng Anh rất quan trọng, mở ra nhiều cơ hội. Từ suy nghĩ đến quyết tâm, Diễm làm lụng, để dành tiền rồi nộp hồ sơ vào Trường Đại học Đà Lạt, theo ngành sư phạm tiếng Anh.

Diễm dành toàn bộ số tiền tích lũy trong quá trình làm, cộng thêm việc vừa học vừa làm để trang trải chi phí học tập. Những tưởng mọi thứ sẽ bước sang một trang mới, nhưng chưa kịp mỉm cười, cuộc sống lại tiếp tục thử thách ý chí, sức chịu đựng của Diễm. Hoàn thành học kỳ I tại trường, sau kỳ nghỉ tết, từ nhà trở lại trường, Diễm bị tai nạn dập xương gối, rạn xương vai. Diễm nhớ lại: “6 tháng trời em không thể hoạt động bình thường. Vừa điều trị, em vừa học online, vừa bán hàng online để trang trải. Song nhìn thực tế, em biết mình không thể chi trả các chi phí học tại trường nên một lần nữa, em đành chấm dứt việc học”.

Không đi học, ở nhà bán hàng online nhưng tâm trí Diễm lúc nào cũng luôn suy nghĩ: phải học, phải học. Vậy là, trong khó khăn, Diễm lại liều mình nộp đơn vào học sư phạm tiếng Anh tại Đại học Tây Nguyên. Diễm đậu vào ngành sư phạm tiếng Anh, năm 2022, em khăn gói qua Đắk Lắk, thuê trọ để theo học.

“Em phải tự trang trải mọi chi phí nên thực sự rất áp lực. Thời gian đầu, em đăng ký làm gia sư, làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh. Em gần như không có thời gian rảnh. Tuy vậy, em sắp xếp công việc thật khoa học để vừa làm tốt, vừa tham gia sôi nổi các hoạt động trên trường và đặc biệt để luôn đảm bảo việc học tốt nhất”- Diễm chia sẻ.

2st.jpg
Y Un Diễm (bên trái) luôn nỗ lực trong mọi hoạt động. Ảnh nhân vật cung cấp

Chinh phục 3 học bổng lớn

Năm nhất tại trường, qua việc tiếp cận các thông tin, Diễm có định hướng sẽ cố gắng, nỗ lực để tiếp cận các học bổng để trang trải việc học. Với việc tham gia sôi nổi các hoạt động, thời gian biểu rõ ràng, cùng sự nỗ lực hết mức để viết tiếp con chữ, khi là sinh viên năm 2, Diễm được nhận học bổng HESSEN của Cộng hoà Liên bang Đức dành cho sinh viên xuất sắc khu vực Tây Nguyên năm 2022 - 2023. Tiếp tục năm 3, em tiếp cận và đạt học bổng giữa Quỹ Xã hội bảo an phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

“Trong quá trình học, em thấy một người chị chia sẻ về hành trình tại Mỹ bằng học bổng “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á- YSEALI” được tài trợ toàn phần bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Em ao ước một ngày mình sẽ đậu được học bổng đó, được đặt chân đến nước Mỹ, được học những điều mới mẻ từ nơi này. Chỉ cần một tia hy vọng, em lại có động lực để bắt đầu. Em tra cứu, tìm hiểu thông tin về học bổng. May mắn, được cô cố vấn đại học chia sẻ, định hướng phải liệt kê ra các việc phải làm, những nỗ lực để hướng đến học bổng, em quyết tâm hành động để “chinh phục” YSEALI”- Diễm chia sẻ

Và rồi, sau những nỗ lực vừa học, vừa làm, với sự giúp đỡ của mọi người, Diễm là một trong số ít các bạn sinh viên chạm được đến học bổng YSEALI. “Nói thì đơn giản nhưng để đậu học bổng, thật sự rất vất vả. Em phải tranh thủ mọi thời gian rảnh để viết luận, hoàn thiện hồ sơ. Em phải đánh đổi giấc ngủ để có thời gian chuẩn bị. Ngày nhận tin đậu học bổng, em mừng đến run rẩy. Nỗ lực, chăm chỉ, hy vọng và quyết tâm, mong ước cũng thành hiện thực”- Diễm cười.

Trở về sau 5 tuần học ở Mỹ, Diễm tự tin hơn. Tiếp tục quá trình học của mình, cô sinh viên trẻ vẫn với phương châm cố gắng, chăm chỉ, nỗ lực không ngừng. Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, Diễm cho biết, em đang ấp ủ một dự án dành cho các bạn sinh viên người DTTS. “Khó khăn lắm mới được học nên em luôn đặt ra mục tiêu để học thật tốt. Em đang nỗ lực để có thể tiếp cận các học bổng để tiếp tục học thạc sĩ. Em vẫn luôn dặn bản thân phải học thật tốt để trở về quê hương làm những việc có ích cho quê hương, cho cộng đồng”- Diễm nói.

Thời gian trôi qua, Diễm vẫn nhớ mãi ngày khoác lá cờ Việt Nam, trong bộ trang phục Gié- Triêng giới thiệu đến bạn bè trên thế giới về đất nước, dân tộc mình. Với niềm tự hào đó, Diễm hy vọng sẽ truyền cảm hứng về nỗ lực vượt khó cho các bạn trẻ, để cùng nhau phát triển, thay đổi hoàn cảnh.

“Em biết ơn những khó khăn vì chính khó khăn đã tạo nên một Diễm đầy động lực và ý chí. Em biết ơn mọi người đã luôn kề vai, động viên, giúp đỡ em. Và em cũng biết ơn những học bổng đã giúp em nuôi được con chữ. Từ hành trình của mình, em muốn nói rằng, khó khăn không phải là rào cản mà là động lực, bàn đạp để em vươn xa hơn. Chặng đường sắp đến, em mong muốn sẽ làm được nhiều hoạt động cho cộng đồng để tri ân, để tiếp thêm ngọn lửa, giúp nhiều hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống”- Diễm chia sẻ.

Theo HOÀI TIẾN (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Người vẽ chân dung Bác Hồ trên đá

Người vẽ chân dung Bác Hồ trên đá

(GLO)- Với tài vẽ tranh trên đá, anh Dương Đức Hòa-Giáo viên Mỹ thuật Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Kon Chiêng (huyện Mang Yang) đã khắc họa thành công chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chất liệu tưởng chừng không có gì ngoài vẻ khô cứng.

Cảnh báo thị hiếu lệch lạc 'hóng drama'

Cảnh báo thị hiếu lệch lạc 'hóng drama'

Xu hướng "hóng drama" (theo dõi, bàn luận về các vụ bê bối, tranh cãi, tiêu cực trên mạng xã hội) ngày càng phổ biến. Những nội dung thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng đã và đang "hớp hồn" người trẻ.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Giữ hương rượu cần Ia Peng

Giữ hương rượu cần Ia Peng

(GLO)- Nhiều năm qua, bà con Jrai ở buôn Sô Ma Hang B (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang từng ngày lưu giữ hương rượu cần truyền thống như một cách bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

Sức sống của lễ hội Tây Nguyên

(GLO)- Hoa pơ lang thắp lửa cuối khu nhà mồ làng Pyang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Nổi bật giữa lớp lớp nhà mồ cũ là 3 nhà mồ mới làm. Đó là những dấu hiệu mùa lễ hội giữa núi rừng Trường Sơn.

Sức sống từ lễ hội ở làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) khiến ngôi làng này trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Ảnh: M.C

Gìn giữ lễ hội để phát triển du lịch

(GLO)- Lễ hội Tây Nguyên không chỉ là sự kiện mang tính cộng đồng mà là “kho báu” cho du lịch. Đánh giá đúng thực trạng lễ hội trong các buôn làng để có giải pháp khai thác phát triển du lịch là vấn đề cần được tính đến.

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Từ trái sang: các đảng viên trẻ Lê Trung Sơn, Giang Lê Minh, Mai Cao Trung Hiếu thể hiện sự quyết tâm trước khi lên đường nhập ngũ. Ảnh: M.N

Tự hào được kết nạp vào Đảng trước khi nhập ngũ

(GLO)- Trước khi lên đường nhập ngũ, nhiều thanh niên ưu tú ở TP. Pleiku vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đây là niềm tự hào và là động lực để các tân binh tiếp tục phấn đấu trong học tập, rèn luyện, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong môi trường quân ngũ.

Anh Ksor Blik. Ảnh: L.H

“Giữ lửa” dân ca Jrai qua YouTube

(GLO)- Với niềm đam mê và sự sáng tạo, anh Ksor Blik (SN 1988, làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã lập kênh YouTube “Blik Ksor” để gìn giữ và lan tỏa dân ca Jrai cùng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Giá trị của sự tinh tế

Giá trị của sự tinh tế

(GLO)- Khi tiếp xúc với người tinh tế, chúng ta luôn có cảm giác thật dễ chịu. Một lời động viên đúng lúc, một sự góp ý chân thành, một ánh nhìn cảm thông, một cử chỉ lịch thiệp… chắc chắn sẽ đem đến cho cuộc sống này những điều thật đẹp đẽ.

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Mặc dù là dân tộc Kinh nhưng anh Nguyễn Văn Hiếu sinh ra và lớn lên tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, Đắk Lắk) – nơi có những buôn làng người M’nông bản địa sinh sống lâu đời nên có niềm đam mê đặc biệt với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông.

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

(GLO)- Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng anh Phạm Thanh Lâm (SN 1992, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định theo đuổi đam mê hội họa. Anh đã bộc lộ tài năng với tranh truyền thần và được nhiều người đón nhận.

Chuyện làng ở Hà Tây

Chuyện làng ở Hà Tây

(GLO)- Chúng tôi về thăm xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một ngày mưa nhẹ, trời se lạnh. Tại đây, chúng tôi dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bahnar và được nghe các già làng kể chuyện nhà rông.