-
Thị hiếu lệch chuẩn
Nhà văn Tống Phước Bảo, hội viên Hội Nhà văn VN, cho biết anh vô cùng sốc khi chứng kiến hàng triệu người, trong đó đa phần là người trẻ, thức khuya để "hóng drama" chuyện đời tư của một streamer diễn ra cách đây không lâu.
"Rồi trước đó, các vụ việc liên quan đến drama của các TikToker khác, những lùm xùm đời tư của nghệ sĩ trẻ, vợ cầu thủ… đều được dân mạng bình luận rôm rả, xôm tụ. Đáng chú ý, có nhiều người trẻ không chỉ "hóng" những drama trong nước mà còn chăm chú theo dõi scandal ở nước ngoài. Hàng loạt câu chuyện không hề liên quan đến bản thân người trẻ, không ảnh hưởng cuộc sống lẫn việc kiếm tiền của họ nhưng họ vẫn thức thâu đêm suốt sáng để liên tục cập nhật. Với tôi, đó là một sự vô nghĩa của thời gian. Và xu hướng thích theo dõi những drama, scandal, tin tiêu cực trên mạng xã hội chính là thị hiếu đáng báo động", nhà văn Tống Phước Bảo nói.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn Truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, cũng nhìn nhận một bộ phận người trẻ hiện nay bị cuốn vào các thông tin theo trào lưu, dù không liên quan đến bản thân.
"Mạng xã hội phát triển không ngừng, trở thành không gian lý tưởng cho sự tò mò, tính hiếu kỳ, tâm lý đám đông, thói quen thích bàn luận, chia sẻ của người dùng được cơ hội thể hiện. Ngoài ra, hội chứng sợ bỏ lỡ cũng có thể xem là lý do khiến một bộ phận người trẻ "dành cả thanh xuân để hóng drama" vì không muốn bản thân "trở thành người tối cổ". Từ đó, nhiều người trẻ chìm sâu vào mê trận thông tin bất tận của những scandal trên mạng xã hội", thạc sĩ Tiến nói.

Thực trạng đáng báo động
Chuyên gia tâm lý học, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Học viện Thanh thiếu niên VN, nhìn nhận việc "hóng" drama và tranh luận về các scandal liên quan đến người nổi tiếng dường như trở thành thói quen của người dùng mạng hiện nay.

"Điều này phản ánh một lối sống tiêu cực của một bộ phận người dùng mạng nói chung và người trẻ nói riêng. Thay vì dành thời gian tham gia các hoạt động tích cực trong đời sống, dành thời gian cho công việc, học tập, tâm sự với người thân thì nhiều người dành cả ngày để theo dõi những thông tin mang tính vô bổ, tiêu cực", tiến sĩ Tuấn Anh nói.
Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia này phân tích: "Tâm lý con người có xu hướng bị thu hút, kích thích bởi những thứ giật gân, kịch tính và lôi cuốn. Những drama, scandal, thông tin tiêu cực vốn dĩ không mấy tích cực. Thế nhưng phải thừa nhận những thứ đó mang đến một "ma lực" lôi kéo người dùng mạng xã hội. Tuy vậy, những hành vi bất chấp đúng sai để tôn thờ thần tượng hay người mình mến mộ sẽ vô tình cổ súy cho cái sai, cái xấu có cơ hội lan rộng".
Theo tiến sĩ Tuấn Anh: "Hậu quả nghiêm trọng nhất khi người dùng mạng "lún chân" quá sâu vào các sự việc này là ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và cảm xúc, khiến các cá nhân cảm thấy bị giảm hứng thú làm việc, học tập bởi tâm trí lúc này chỉ dành để theo dõi các diễn biến sự việc", tiến sĩ Tuấn Anh cho hay.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng thị hiếu của một bộ phận giới trẻ đang bị dẫn dắt quá nhiều bởi tốc độ lan truyền của thông tin và hiệu ứng đám đông, thay vì được nuôi dưỡng bởi chiều sâu tri thức, cảm xúc và suy tư cá nhân. Trong môi trường số, nơi mọi thứ đều "trending" (trở thành trào lưu, xu hướng) chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí vài phút, vài giây, thì nội dung nào càng giật gân, càng gây sốc thì càng dễ trở nên phổ biến. Điều này vô hình trung khiến những giá trị giải trí nhất thời được ưu tiên hơn những giá trị tư duy lâu dài, bền vững.
"Tôi không phủ nhận bản năng tò mò hay nhu cầu giải trí là điều chính đáng. Nhưng nếu một thế hệ dành phần lớn thời gian để tiếp nhận những câu chuyện vô thưởng vô phạt, đời tư giật gân hay lời nói thiếu chuẩn mực… thì lâu dần, chuẩn thị hiếu chung của xã hội có thể bị lệch pha, dẫn đến sự mài mòn tư duy phản biện và khả năng định vị giá trị thực sự của con người trong thời đại số", tiến sĩ Trịnh Lê Anh khuyến cáo.
Lý giải về việc những nội dung thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng lại "hớp hồn" người trẻ, chuyên gia này cho hay nguyên nhân không đơn lẻ. Đó là sự tổng hòa của môi trường truyền thông mới, đặc điểm tâm lý lứa tuổi, và khoảng trống trong giáo dục thẩm mỹ, giáo dục truyền thông…
"Mạng xã hội với thuật toán cá nhân hóa, ưu tiên những gì khiến người dùng dừng lại ngay lập tức: giật gân, sốc, hài hước, hoặc gây tranh cãi. Chính vì vậy, những nội dung thiếu kiểm chứng nhưng đánh trúng cảm xúc nhất thời lại có lợi thế hiển thị cao, dễ viral (phổ biến nhanh trên internet), dễ tạo hiệu ứng bầy đàn trong tương tác. Rồi tâm lý người trẻ vốn nhạy cảm, nhiều năng lượng nhưng thiếu trải nghiệm sâu nên dễ bị cuốn theo những gì gây kích thích mà không đòi hỏi nhiều suy nghĩ. Việc xem một livestream tình cảm giữa hai người nổi tiếng, hoặc tranh cãi đạo lý từ các nhân vật có lượng theo dõi lớn, dường như "vừa giải trí vừa cảm giác mình đang tiếp cận với cái gì đó thời sự". Nhưng thực chất, đó là một kiểu "đói cảm xúc, no dữ liệu nhưng thiếu lọc", tiến sĩ Trịnh Lê Anh chia sẻ.
Tiến sĩ Anh đưa ra ví dụ, thay vì đọc một bài phân tích chuyên sâu về giáo dục đại học hay biến đổi khí hậu cần 10 phút để hiểu và "tiêu hóa", thì người trẻ có xu hướng chọn xem 1 phút TikTok với nhạc nền kịch tính, lời thoại gay gắt, để "cảm thấy được cập nhật".
"Đó là sự lựa chọn dễ dãi trong môi trường quá nhiều lựa chọn. Nguyên nhân sâu xa hơn là người trẻ chưa được dạy đủ về cách tiêu dùng nội dung. Học sinh được học phân tích thơ văn, nhưng rất ít được hướng dẫn cách đọc một nội dung trên Facebook, TikTok, một bình luận đang viral từ góc nhìn phản biện. Vì thế, nhiều bạn trẻ tưởng mình đang "bắt trend", nhưng thực chất là đang bị trend dắt đi mà không biết", tiến sĩ Trịnh Lê Anh chia sẻ.
Theo tiến sĩ Trịnh Lê Anh, nội dung "rác" không tự dưng có sức hút. Chính thói quen tiếp nhận thiếu chọn lọc, cộng với tâm lý đám đông và thiếu kỹ năng phản tư, đã khiến những gì lẽ ra phải bị "gạt đi" lại trở thành món ăn tinh thần hằng ngày của một bộ phận người trẻ. Và điều đó, về lâu dài, sẽ bào mòn khả năng suy nghĩ độc lập và niềm tin vào những giá trị học thuật, khai phóng thực sự… (còn tiếp)
Có một bộ phận người trẻ thiếu định hướng trong lựa chọn nội dung
Nhắc đến vấn đề trên nhiều nền tảng mạng xã hội hiện nay có nhan nhản nhóm "hóng biến" thu hút lượng thành viên khổng lồ, tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện (Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: "Minh chứng ấy phản ánh một thực trạng đáng suy ngẫm. Một bộ phận người trẻ quá rảnh rỗi về tinh thần, thiếu định hướng trong lựa chọn nội dung. Nhiều người trẻ gia nhập các nhóm "hóng biến" nhưng lại ít quan tâm đến những nhóm học thuật, đổi mới sáng tạo, tình nguyện xã hội… Điều này cho thấy nội dung tốt đang bị lép vế vì thiếu sự lan tỏa, thiếu người dẫn dắt, và thiếu một "gu" văn hóa mới đủ hấp dẫn".
Theo Thanh Nam - Nguyễn Điền (TNO)