Chuyên gia cảnh báo cẩn trọng với trào lưu đóng vỉ đồ chơi bằng AI

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tính năng biến ảnh cá nhân thành mô hình đồ chơi bằng ChatGPT đang gây sốt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo cẩn thận trọng khi tải ảnh lên chatbot, vì chúng có thể trở thành dữ liệu huấn luyện AI.

Trần Phương Thanh (30 tuổi), ngụ ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể rằng cô thử nghiệm trào lưu đóng vỉ đồ chơi bằng AI sau khi thấy một bài đăng trên mạng. Thanh tải ảnh cá nhân lên ChatGPT, dùng câu lệnh chi tiết để tạo mô hình đồ chơi hành động kèm bao bì.

Phương Thanh tự tạo một hộp đồ chơi có hình ảnh của cô. ẢNH: NVCC
Phương Thanh tự tạo một hộp đồ chơi có hình ảnh của cô. ẢNH: NVCC

Cô nhân viên thiết kế đồ họa cho biết kết quả thật đáng ngạc nhiên: một búp bê trong hộp với phụ kiện ngành thiết kế y hệt Thanh ra đời. Thấy vui, Thanh làm thêm cho vài người bạn, ai cũng khen dễ thương.

Phạm Phúc Anh (34 tuổi), ngụ tại TP.Hà Nội, cũng đã tham gia trào lưu này vì đam mê phim ảnh. Anh chia sẻ: "Mình rất thích tưởng tượng mình trở thành một nhân vật siêu ngầu trong hộp đồ chơi. Vì vậy, mình đã tạo hình bản thân thành một món đồ chơi, kèm theo những phụ kiện liên quan đến công việc review du lịch của mình như máy ảnh, chân máy, máy tính, ba lô... AI tạo hiệu ứng 3D rất sống động và chân thật".

Hộp đồ chơi của Phúc Anh được khen giống y như thật. ẢNH: NVCC
Hộp đồ chơi của Phúc Anh được khen giống y như thật. ẢNH: NVCC

Theo Phúc Anh, tạo tranh bằng AI không khó, nhưng để có một bức tranh đúng ý thì cần chuẩn bị kỹ. Chẳng hạn như chọn tạo hình, mô tả trang phục, màu sắc, phong cách muốn hướng tới… Sau đó, AI sẽ biến hóa phần còn lại. "Cảm giác giống như mình đang làm đạo diễn cho chính phiên bản của mình vậy", anh kể.

Thế nhưng, Phúc Anh khuyên mọi người nên ghi rõ ảnh do AI tạo để tránh hiểu lầm và xin phép nếu dùng ảnh người khác.

Trong khi đó, Võ Như Minh, ở P.Vĩnh Điện, TX.Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), tận dụng trào lưu để tiếp cận giới trẻ. "Nó mới lạ, sáng tạo, dễ lan tỏa. Mình học hỏi trên mạng, rồi hướng dẫn đồng nghiệp", Minh kể.

Tuy nhiên, anh Minh cho biết mọi người cần kiểm tra kỹ nội dung trước khi đăng để tránh vi phạm pháp luật như dùng logo không chính thống hay ngôn ngữ phản cảm. Minh còn tự chỉnh sửa thêm bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop cho chuẩn xác.

Lâm Nhật Minh (29 tuổi), làm truyền thông tại Tây Ninh, cho biết anh phát hiện ý tưởng từ cộng đồng AI quốc tế, thử làm rồi chia sẻ. "Trào lưu hot vì giúp mọi người thỏa ước mơ. Tuy nhiên, khi làm, bạn cần chuẩn bị prompt (cách ra lệnh cho AI) thật chất lượng để ra kết quả tốt", Minh giải thích.

Dù mang lại niềm vui, nhưng Minh cho rằng trào lưu này tiềm ẩn rủi ro về quyền riêng tư và bản quyền. Một số bạn trẻ tự chế ảnh của bạn bè, người thân hay thậm chí là người nổi tiếng. Minh nói rằng mọi người cần chú ý về vấn đề bản quyền và đạo đức. Theo anh, mọi người cần dùng AI trách nhiệm, tránh lạm dụng ảnh cá nhân vì nguy cơ deepfake (công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh… để lừa đảo).

Dù là người khởi xướng nhưng anh Minh cho rằng bạn trẻ nên cân nhắc thật kỹ việc sử dụng những hình ảnh của bản thân để tạo ra tác phẩm. Vì ở thời điểm hiện tại, có những hình thức lừa đảo bằng AI. ẢNH: NVCC
Dù là người khởi xướng nhưng anh Minh cho rằng bạn trẻ nên cân nhắc thật kỹ việc sử dụng những hình ảnh của bản thân để tạo ra tác phẩm. Vì ở thời điểm hiện tại, có những hình thức lừa đảo bằng AI. ẢNH: NVCC

Thạc sĩ Trần Tuấn Dũng, giảng viên Bộ môn An toàn thông tin, Khoa Mạng máy tính và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM, cảnh báo các ứng dụng AI chỉnh sửa ảnh thường yêu cầu truy cập thư viện ảnh và camera. Tuy nhiên, chúng có thể thu thập thêm dữ liệu như ảnh chân dung, vị trí GPS, thông tin thiết bị, thậm chí danh bạ hay lịch sử duyệt web. Dữ liệu này không chỉ dùng để xử lý ảnh mà còn có thể huấn luyện AI, cá nhân hóa trải nghiệm hoặc bị chia sẻ với bên thứ ba nếu chính sách bảo mật không rõ ràng, dẫn đến nguy cơ rò rỉ khi hệ thống bị tấn công.

Thạc sĩ Dũng khuyên người dùng chỉ cấp quyền tối thiểu như cho phép truy cập 1 ảnh thay vì toàn bộ thư viện và tránh tải lên ảnh chứa thông tin nhạy cảm.

Thạc sĩ Dũng nói ứng dụng AI còn tiềm ẩn nguy cơ deepfake, dẫn đến lừa đảo danh tính, lạm dụng hình ảnh hoặc đánh cắp thông tin để tạo tài khoản giả, gây thiệt hại tài chính và danh tiếng.

Bạn trẻ cần học cách sử dụng AI một cách hiệu quả. ẢNH: AN VY
Bạn trẻ cần học cách sử dụng AI một cách hiệu quả. ẢNH: AN VY

Theo thạc sĩ Dũng, hiện chưa có giải pháp toàn diện bảo vệ quyền riêng tư trên mạng. Nếu phát hiện hình ảnh bị lạm dụng, người dùng nên yêu cầu nền tảng gỡ bỏ hoặc báo cơ quan chức năng để xử lý. Để tự bảo vệ, bạn cần hạn chế chia sẻ ảnh nhạy cảm, tăng cường bảo mật thiết bị bằng xác thực hai yếu tố, mật khẩu mạnh và không cài ứng dụng không rõ nguồn gốc. "Tự nâng cao kiến thức về bảo mật là cách hiệu quả nhất trong thời đại AI bùng nổ", thạc sĩ Dũng nói.

Theo An Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Sau 7 ngày ra mắt, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy đạt hơn 30,6 triệu lượt xem trên YouTube

Sau 7 ngày ra mắt, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy đạt hơn 30,6 triệu lượt xem trên YouTube

(GLO)- Sản phẩm âm nhạc mới “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy đang nhận được “mưa” lời khen của người yêu âm nhạc nói chung và người dân Bắc Ninh nói chung khi đã góp phần lan tỏa nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vẻ đẹp của tỉnh. Sau 7 ngày ra mắt, MV đã đạt hơn 30,6 triệu lượt xem trên YouTube.

'Anh giáo gen Z' điển trai, đa tài

'Anh giáo gen Z' điển trai, đa tài

"Anh giáo gen Z" là nickname của nam sinh sư phạm Châu Nguyễn Tùng Sơn điển trai, đa tài. Cậu không chỉ truyền cảm hứng, kiến thức môn ngữ văn đến nhiều bạn trẻ, còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện với vai trò đại sứ truyền thông.