Tại tọa đàm "Lao động trẻ - Khát vọng phát triển thành phố" do Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM tổ chức vào ngày 21.5, các chuyên gia đã chia sẻ những định hướng thiết thực để người trẻ chọn ngành nghề phù hợp, thích nghi với AI.
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, luôn có 3 vấn đề mà ông thường xuyên được các bạn học sinh hỏi. Đó là liệu AI có gây thất nghiệp hàng loạt, nên học gì để tránh lạc hậu và ngành nghề nào triển vọng trong tương lai.

Ông Tuấn chia sẻ không học gì đồng nghĩa với việc bị tụt hậu. Người giỏi không cần biết tất cả, mà cần biết mình giỏi gì. Học sinh tốt nghiệp THPT có thể chọn đại học, cao đẳng hoặc đào tạo nghề. Với học sinh tốt nghiệp THCS, các em nên tiếp tục học THPT, giáo dục thường xuyên hoặc các hệ trung cấp, cao đẳng là hướng đi phù hợp. Quan trọng là phải học tập tích cực, rèn luyện kỹ năng và tạo giá trị nghề nghiệp.
Thị trường lao động đang thay đổi dưới tác động của công nghệ số. Ông Tuấn chỉ ra rằng dù các ngành nghề truyền thống vẫn tồn tại, yêu cầu về kỹ năng đã thay đổi. "Học sinh cần chọn ngành nghề phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Lao động giản đơn ngày càng yếu thế, trong khi nhu cầu lao động kỹ thuật và công nghệ số tăng cao. Việc cạnh tranh nghề nghiệp không chỉ dựa vào bằng cấp mà còn ở chất lượng và khả năng thích nghi. Tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực tập trung ở thương mại, dịch vụ (66%) và công nghiệp, xây dựng (33%) với hơn 95% lao động cần qua đào tạo", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn gợi ý 10 nhóm ngành nghề xu hướng phát triển thu hút nhu cầu nhân lực chuyên môn:
1. Khoa học và kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu và các ngành công nghệ thông tin tích hợp, thiết kế vi mạch.
2. Công nghệ kỹ thuật cơ điện - tự động hóa, công nghệ kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chip và chất bán dẫn, công nghệ kỹ thuật đường sắt và metro, công nghệ vật liệu, công nghệ nano, năng lượng - năng lượng tái tạo - năng lượng xanh.
3. Kinh tế số, quản trị kinh doanh số, thương mại số, tài chính và công nghệ tài chính, marketing số, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, logistics số.
4. Kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh, công nghệ xây dựng, xây dựng công trình giao thông, công nghệ môi trường, thiết kế, thời trang, mỹ thuật số.
5. Du lịch và lữ hành, quản trị và dịch vụ nhà hàng - khách sạn, dịch vụ ăn uống.
6. Luật, tâm lý, nhân sự, truyền thông, truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ, quan hệ quốc tế.
7. Sư phạm giáo dục, sư phạm kỹ thuật, công nghệ giáo dục.
8. Y, dược, công nghệ y sinh, điều dưỡng, thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp.
9. Công nghệ nông - lâm, công nghệ thủy - hải sản, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học - hóa như dược, sinh, mỹ phẩm, thực phẩm.
10. Văn hóa, nghệ thuật, nghệ thuật số, thể dục, thể thao, kinh tế thể thao và marketing.
Theo ông Tuấn, để không bị AI vượt mặt, người lao động cần chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực và xu hướng thị trường. Học tập liên tục và rèn luyện kỹ năng mới là chìa khóa thành công.
Còn bà Vũ Phương Loan, Phó phòng Giáo dục thường xuyên – Nghề nghiệp và Đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), nhấn mạnh vai trò của kỹ năng mềm. "Lao động trẻ cần chủ động học nghề, nâng cao tay nghề. Hiện nay, học đại học không còn là con đường duy nhất, học nghề cũng rất quan trọng. Người lao động cần nhận rõ trình độ của mình, cần biết mình đang ở đâu để lựa chọn cho phù hợp", bà Loan nói.
Theo bà Loan, bạn trẻ cần chủ động tìm hiểu thông tin về ngành nghề, nắm bắt xu hướng của thị trường lao động lẫn tiềm năng nghề nghiệp dựa trên năng lực của bản thân và nhu cầu xã hội, trang bị đầy đủ kỹ năng mềm nền tảng và kỹ năng chuyển đổi. Ngoài ra, bạn cần chú trọng phát triển kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, cùng với đó là năng lực số, kỹ năng nghề và khả năng tiếp cận công nghệ trong thời đại mới.

Bà Loan cho rằng bạn không nên dừng lại ở việc học tiếng Anh (vốn được xem như là ngôn ngữ thứ hai), mà hiện tại còn nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nhật… cũng ngày càng cần thiết.
Trong khi đó, bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, đưa ra con số là TP.HCM có hơn 2,3 triệu lao động trẻ, với thế mạnh năng động và tiếp cận nhanh công nghệ. Tuy nhiên, nhiều bạn thiếu định hướng, chọn việc làm tạm thời vì ưu tiên "lương nhanh", dẫn đến bỏ dở sự nghiệp vì thiếu định hướng mà không có chính sách giữ chân hay phát triển.

Bà Tới đề xuất thành phố cần có sự chung tay, tạo không gian làm việc sáng tạo và chính sách giữ chân nhân tài; cải cách giáo dục, gắn đào tạo với thực tiễn và doanh nghiệp; tạo cơ hội cho người trẻ được thực hành nhằm tích lũy kinh nghiệm; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, trường học, khởi nghiệp…
Theo An Vy (TNO)