Lê Thị Thanh Nhàn là một trong những gương mặt nổi bật nhất của K60, tốt nghiệp xuất sắc Trường đại học Ngoại thương. Không chỉ có điểm GPA cao top 4 đợt tốt nghiệp sớm (3,93/4), Nhàn còn là một biểu tượng cho tinh thần đam mê toán học, tư duy logic sắc bén của sinh viên ngoại thương.

Vào ngoại thương học… toán
Một bất ngờ lớn với chính Nhàn là sau khi trở thành sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại Trường đại học Ngoại thương cô lại đạt thành tích cao nhất về… toán.
Thời còn học chuyên toán Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, thành tích cao nhất của cô là giải nhì môn toán kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Rồi Nhàn thấy học toán như thế là… đủ rồi, cô mơ ước được học và làm việc trong lĩnh vực kinh doanh - kinh tế.

"Tôi vốn rụt rè, nhút nhát. Tôi muốn tự tạo thử thách mới cho bản thân, buộc mình phải trở nên cởi mở, bạo dạn hơn. Phải thay đổi để trở thành phiên bản tự tin hơn, tốt hơn, có ý nghĩa hơn, nên tôi học ngoại thương", Nhàn chia sẻ.
Nhưng rồi Nhàn lại được động viên đi thi… toán. Kỳ thi Olympic toán sinh viên - học sinh hàng năm là một kỳ thi lớn, với khoảng hơn 90 trường đại học tham gia, trong đó có nhiều trường không chỉ là nơi quy tụ những học sinh học giỏi toán nhất nước mà còn tiếp tục giảng dạy rất sâu về toán ở bậc đại học.
Trường đại học Ngoại thương được sắp xếp thi ở bảng A, cùng với những trường mà chỉ cần nghe tên (sư phạm toán, khoa học tự nhiên, bách khoa…) cũng đủ biết sinh viên của họ phải rất giỏi toán rồi. Thoạt tiên Nhàn từ chối tham gia, vì… sợ.
Sau khi được các thầy cô trong bộ môn toán trao đổi, phân tích, Nhàn quyết định đi thi. Năm 2022, cô đạt giải nhất toàn quốc môn đại số. Hai năm tiếp theo, Nhàn tiếp tục được nhà trường chọn đi thi và đều đạt giải nhì toàn quốc (cũng môn đại số).
Bí quyết học giỏi là... ngủ trước 12 giờ đêm
Năm 2022, lần đầu tiên được nhà trường chọn tham gia Kỳ thi Olympic toán toàn quốc, Nhàn rất áp lực nên gần như tận dụng mọi thời gian có thể để ôn luyện. Những buổi ôn do các thầy cô bộ môn toán ở trường tổ chức, Nhàn gần như không nghỉ buổi nào.
Đối với các môn học ở trường, Nhàn cố gắng tiếp thu kiến thức ngay khi còn ngồi nghe giảng ở trên lớp, để nâng cao tối đa hiệu quả học tập. Khối lượng kiến thức của năm nhất chưa quá nhiều nên Nhàn cân đối thời gian không quá khó.

Những năm sau phải học các môn chuyên ngành, rồi các môn chuyên ngành 2 (Nhàn học thêm cả luật, cũng tại Trường đại học Ngoại thương), nên lượng kiến thức tăng lên gần gấp đôi so với năm nhất. Để vừa học tốt ở trường, vừa đạt kết quả tốt trong kỳ thi Olympic, Nhàn lên kế hoạch học tập rất chi tiết.
"Thời gian kể từ khi nhà trường thành lập đội tuyển đến vòng thi toàn quốc chỉ thường 1 tháng, trong khi đó mỗi giai đoạn học ở trường là 2 tháng. Tôi tận dụng 1 tháng chênh lệch để học trước kiến thức của các môn chuyên ngành, nhằm giảm tải lượng kiến thức cần học trong 1 tháng ôn thi Olympic", Nhàn cho biết.
Vì học theo hình thức tín chỉ, sinh viên được đăng ký số môn học tùy ý, nên Nhàn đăng ký ít môn hơn trong giai đoạn diễn ra kỳ thi Olympic, rồi học nhiều môn hơn ở các giai đoạn, học kỳ còn lại. Nhờ đó, Nhàn vừa có thể tập trung ôn thi toán, vừa hoàn thành các môn chuyên ngành với kết quả xuất sắc.
Hàng năm, thời gian căng thẳng nhất của Nhàn là khoảng 1 tháng chuẩn bị thi Olympic toán. Nhưng Nhàn luôn cố gắng hoàn thành bài tập sớm để có thể đi ngủ trước 12 giờ đêm.
"Hôm nào học ca 1, tôi phải dậy từ 6 giờ sáng. Nếu học ca muộn, tôi tự cho phép mình ngủ đến 7 giờ hoặc 7 giờ 30. Phải ngủ đủ giấc thì học mới hiệu quả", Nhàn chia sẻ.
Cuộc chơi hữu ích
Kỳ thi Olympic toán tưởng như một cuộc chơi, nhưng hóa ra lại là bàn đạp hữu ích cho Nhàn trong chuyên môn về sau. Khi đi thực tập Nhàn mới biết, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các ngân hàng, rất cần sinh viên kinh tế giỏi về tư duy toán.
Nhờ thầy Phùng Duy Quang, trưởng bộ môn toán Trường đại học Ngoại thương giới thiệu, Nhàn được làm việc với các anh chị trong bộ phận phân tích định lượng của Vietcombank. Ở đó có rất nhiều cựu sinh viên ngoại thương, đều là những anh chị từng có thành tích xuất sắc về toán.
"Hiện giờ tôi tiếp tục học văn bằng 2, dự kiến tháng 5 tới sẽ tốt nghiệp. Sau đó tôi sẽ đi làm, với mong muốn có thể vận dụng tư duy toán học vào công tác phân tích định lượng trong hoạt động ngân hàng. Trong quá trình làm việc, tôi sẽ cố gắng nắm bắt cơ hội học tập ở các cấp học cao hơn về các chuyên ngành liên quan đến toán kinh tế, toán tài chính nhằm phục vụ cho công việc trong tương lai", Nhàn nói.
Theo Quý Hiên (TNO)