Dự án của các em đã xuất sắc đạt giải ba tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2024-2025.
Kết hợp phương thức truyền miệng với khoa học kỹ thuật
Em Nguyễn Thị Diệu Linh sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Giang II, xã Đông, huyện Kbang. Chia sẻ về quá trình triển khai dự án ý nghĩa này, Linh cho biết: “Mẹ em là người Bahnar, bố em là người Kinh. Sinh ra và lớn lên ở làng, văn hóa người Bahnar ăn sâu vào tiềm thức của em. Ngay từ nhỏ, em đã thấy các bà, các cô lên rừng thu hái cây, cỏ về làm men rượu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, em thấy trong làng ít người biết làm men rượu cần truyền thống. Đặc biệt, hầu hết bạn trẻ không biết đến quy trình làm men rượu. Chính vì vậy, em mong muốn mình làm một điều gì đó ý nghĩa để có thể bảo tồn loại men này”.

Trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng của mình, Linh nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và đồng hành của thầy Đinh Xuân Hiến-Giáo viên môn Lịch sử và bạn cùng lớp Nguyễn Thị Mỹ Ngọc. Thầy Hiến là người Bahnar và rất quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Thầy chia sẻ: “Men rượu truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Bahnar. Quy trình làm men thủ công được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, người trẻ sau này rất ít người biết làm men rượu cần. Vì vậy, khi biết ý định của Linh và Ngọc, tôi đã dành thời gian hướng dẫn 2 em thực hiện Dự án bảo tồn men rượu cần truyền thống của người Bahnar”.
Thông qua những người lớn tuổi biết làm men rượu cần truyền thống ở làng Đăk Giang II và một số làng lân cận, nhóm đã nghiên cứu xây dựng công thức làm men dựa trên kinh nghiệm truyền đời kết hợp định lượng nguyên liệu một cách cụ thể. Từ đó, nhóm xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết về quy trình làm men rượu cần truyền thống. Đặc biệt, quy trình làm men được Linh và Ngọc hướng dẫn cụ thể thông qua các video quảng bá trên mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube… để nhiều bạn trẻ dễ dàng tiếp cận.
Ngọc chia sẻ: Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người không biết làm men truyền thống đều cho rằng cái khó trong việc bảo tồn men rượu là do không có người truyền dạy hoặc có người dạy nhưng chỉ làm theo kinh nghiệm mà không có công thức chuẩn nên sản phẩm làm ra chất lượng không đồng đều và thiếu ổn định. Chính lý do này đã khiến 2 em nảy ra ý tưởng làm men kết hợp giữa phương thức dân gian truyền miệng với khoa học kỹ thuật hiện đại.
“Sau khi nắm vững công thức cơ bản từ người già, chúng em bắt đầu tìm hiểu về các loại nguyên liệu để làm sao khi chế biến đạt chất lượng tốt nhất và đảm bảo được thời gian bảo quản, sử dụng. Cùng với đó, chúng em đưa ra định lượng rõ ràng cho từng nguyên liệu. Sau gần 4 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, cuối tháng 12-2024, chúng em đã hoàn thiện công thức làm men rượu cần truyền thống”-Ngọc cho hay.
Theo Linh, để làm ra 500 gram men truyền thống thì cần 50 gram vỏ cây hyam, 10 gram lá cây sâm đất, 10 gram lá khổ qua rừng, 80 gram củ riềng, 100 gram mía, 40 gram ớt, 5 nhánh lá xoan rừng (kađa), 300 gram gạo, 50 gram trấu, 20 ml nước. Những nguyên liệu này sẽ được kết hợp với 70 gram men cái và vi sinh từ môi trường.
Các nguyên liệu tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hương vị và hỗ trợ quá trình lên men. Lá sâm đất giúp thanh nhiệt, giải độc và tăng cường hương vị. Lá khổ qua có tính kháng khuẩn, giúp cân bằng vị đắng nhẹ. Riềng tạo mùi thơm đặc trưng, chống nấm mốc và kháng khuẩn. Mía cung cấp đường tự nhiên, thúc đẩy quá trình lên men và tạo vị ngọt dịu. Ớt bổ sung vị cay nhẹ, khử khuẩn và cân bằng hương vị…
“Sự kết hợp hài hòa này không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn mang nét đặc trưng riêng cho rượu cần truyền thống. Men truyền thống để ủ rượu cần được đánh giá cao về độ an toàn nhờ sử dụng nguyên liệu tự nhiên và quy trình chế biến thủ công. Khi được ủ đúng cách, rượu cần không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn giữ được các đặc tính tốt từ nguyên liệu, tạo nên một sản phẩm lên men tự nhiên, sạch và an toàn”-Linh khẳng định.
Chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống
Dưới sự hướng dẫn của mẹ, Linh cùng bạn đem nguyên liệu giã mịn rồi đổ nước ngâm từ vỏ cây hyam vào, trộn đều và dừng lại khi thấy đủ độ kết dính. Sau đó, chia nhỏ men ra thành từng phần và lăn đều thành viên hình tròn. Công đoạn này phải thật khéo léo để men không xuất hiện những khe nứt. Tiếp đến, lăn viên men qua một lớp men cái và trấu khô sao cho phủ đều bề mặt ngoài của men. Dùng lá kađa phủ lên để giữ hương thơm và bảo quản men khỏi bị côn trùng bám vào. Sau cùng, dùng dây cột hoặc để lên mẹt rồi đặt lên gác bếp lửa khoảng 7 ngày để men được khô.
Thời gian ủ men có thể kéo dài đến 1 tháng, đến khi men khô và tỏa mùi thơm đặc trưng. Khi bánh men có màu sáng, khô và có mùi thơm thì lấy ra ủ rượu cần.

Nhóm nghiên cứu đã kết nối với các bạn học sinh người Bahnar tham gia thực hiện các công đoạn như: lên rừng tìm hái vỏ cây hyam, cây kađa, sâm đất, củ riềng… Em Đinh Văn Vũ (lớp 12A5) thổ lộ: “Nhờ được tham gia cùng các bạn mà em hiểu và yêu văn hóa dân tộc mình hơn. Quá trình hái nguyên liệu, làm men, bảo quản… đều được chúng em ghi lại và đưa lên các nền tảng mạng xã hội nhằm quảng bá rộng rãi tới mọi người”.
Ông Đinh Giem-Già làng Đăk Giang II-chia sẻ: “Từ xa xưa, người Bahnar đã tự tay làm men rượu cần. Đặc biệt, men được làm hoàn toàn thủ công. Tuy nhiên, hiện chỉ có số ít người lớn tuổi trong làng còn biết cách làm. Chính vì thế, cách làm của các bạn trẻ rất hữu ích, góp phần lưu giữ và nhân rộng cách làm men rượu truyền thống từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên”.
Là người đồng hành với Linh và Ngọc triển khai Dự án bảo tồn men rượu cần truyền thống của người Bahnar, thầy Hiến đã hỗ trợ các em xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết về quy trình làm men rượu cần truyền thống. Ngoài ra, thầy còn tích cực quảng bá, hướng dẫn cách làm men rượu truyền thống cho thế hệ trẻ trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube và trang web https://dulichkb.id.vn/ruou-can.
Thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh-cho biết: “Việc ủ men truyền thống của người Bahnar từ xưa đến nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và truyền miệng, không có tài liệu ghi chép công thức để truyền lại cho thế hệ sau. Vì vậy, việc làm rượu cần bằng men truyền thống đang dần ít đi và có nguy cơ mai một, thất truyền.
Khi các em học sinh nghiên cứu và xây dựng phương pháp, công thức, cách làm men rượu cần truyền thống của người Bahnar, nhà trường rất quan tâm, ủng hộ. Không chỉ đưa ra kiến thức làm men rượu cần truyền thống, các em còn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
