Quyết tâm chinh phục Huy chương Vàng
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, Nghệ An, từ nhỏ, Nguyễn Ngô Đức đã sớm bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với hóa học. Những năm tháng tuổi thơ của em chủ yếu sống cùng ông bà khi bố mẹ công tác xa nhà. Chính môi trường đó đã sớm rèn cho em tinh thần tự lập, kỷ luật, những phẩm chất trở thành nền tảng cho hành trình chinh phục tri thức sau này.
Là học sinh lớp chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Nguyễn Ngô Đức là một trong số ít học sinh hai năm liên tiếp (lớp 11 và lớp 12) giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thành tích ấy giúp em lọt vào vòng 2 tuyển chọn đội tuyển Olympic quốc gia. Tuy nhiên, dù có nền tảng vững chắc, cả hai lần Đức đều không được chọn vào đội hình chính thức dự Olympic Hóa học quốc tế để lại nhiều tiếc nuối cho bản thân, thầy cô và gia đình.
Những lúc đó, mẹ chính là người luôn ở bên động viên, tiếp thêm tinh thần cho em. Không nản lòng, Đức tự nhủ: “Thua keo này, bày keo khác”. Và khi có cơ hội tham gia Kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev - được mệnh danh kỳ thi Hóa học khó nhất hành tinh, em đã dồn hết quyết tâm để không còn phải tiếc nuối thêm lần nào nữa.

Năm lớp 11, Đức từng góp mặt trong đội tuyển Việt Nam dự Olympic Hóa học Mendeleev và mang về tấm Huy chương Bạc. Dù thành tích ấy không hề nhỏ, nhưng với Đức vẫn là một kết quả chưa trọn vẹn. “Em không chấp nhận dừng lại ở vị trí thứ hai. Mình từng thất bại thì càng có lý do để quay lại và chứng minh khả năng thật sự”, Đức chia sẻ.
Có lẽ vì vậy, khi đứng trước lựa chọn giữa hai kỳ thi quốc tế vào năm lớp 12, Olympic Hóa học Mendeleev tại Brazil và Olympic Abu Rayhan Biruni tại Uzbekistan, Đức không ngần ngại chọn con đường khó hơn là quay lại “đấu trường xưa”, nơi em từng dở dang ước mơ với quyết tâm giành Huy chương Vàng. “Em muốn đối diện với thử thách lớn hơn, bởi mục tiêu lần này của em là giành Huy chương Vàng”, Đức chia sẻ.

Khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bục vinh quang
Con đường chinh phục Huy chương Vàng không hề dễ dàng. Trong lần thứ hai chinh chiến ở đấu trường này, Đức phải cạnh tranh với hơn 190 thí sinh xuất sắc đến từ 40 quốc gia. Hơn nữa, đề thi Mendeleev vốn được xây dựng theo chương trình phổ thông của Nga - điều tạo nên không ít khác biệt và trở ngại cho những thí sinh quốc tế như Việt Nam.

Kể về trải nghiệm tại Kỳ thi Olympic Hóa học Mendeleev 2025, Đức nói, hơn 35 tiếng di chuyển bằng máy bay, cộng thêm lệch múi giờ giữa Việt Nam và Brazil khiến cả đội tuyển Việt Nam gần như kiệt sức khi vừa đặt chân tới TP Belo Horizonte.
“Em bước vào vòng thi lý thuyết đầu tiên trong tình trạng thiếu ngủ, khó tập trung như các kỳ thi trước. Chỉ đến khi sang vòng lý thuyết thứ hai và đặc biệt là vòng thi thực hành, em mới dần lấy lại được sự tự tin và thể hiện tốt hơn. Mỗi vòng thi kéo dài liên tục suốt 5 tiếng đồng hồ với hàng loạt bài toán hóa học phức tạp, trải dài ở nhiều lĩnh vực, đòi hỏi khả năng tư duy tổng hợp và ứng dụng kiến thức vào thực tế”, Đức nhớ lại.
Đức thừa nhận, đề thi năm nay đặc biệt “khó nhằn” với những bài toán ứng dụng sâu sắc, chỉ cần sơ sẩy một bước là có thể đi chệch toàn bộ hướng giải. Em biết cơ hội chỉ còn một lần, nên dặn mình phải bình tĩnh.

Đêm trao giải Olympic Hóa học Mendeleev 2025 trở thành khoảnh khắc khó quên với Nguyễn Ngô Đức và cả đội tuyển Việt Nam, khi tên em được xướng lên ở hạng mục Huy chương Vàng. Hình ảnh cậu học sinh Việt Nam giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, chạy băng băng qua khán đài để tiến lên bục vinh quang, đã khiến cả khán phòng như vỡ òa. Khoảnh khắc ấy cũng được hàng trăm thầy cô, bạn bè và người thân từ quê nhà dõi theo đầy tự hào và xúc động. “Em đã vỡ òa trong hạnh phúc. Đó là cảm giác không thể diễn tả thành lời”, Đức kể.
Đằng sau ánh hào quang ấy là hành trình không ngơi nghỉ của cậu học trò xứ Nghệ, những đêm miệt mài bên trang sách, những chuyến tàu xuyên đêm từ Vinh ra Hà Nội để kịp buổi học cùng đội tuyển quốc gia và cả những ngày căng mình trước hàng loạt phản ứng hóa học cùng công thức dài đến chóng mặt. Nhưng với Đức, lớn hơn cả là sự đồng hành của gia đình. “Tôi không gây áp lực nhưng luôn dạy con nghiêm túc, biết quý trọng thời gian và công sức”, cô Ngô Thị Thanh Hương, mẹ của Đức chia sẻ.

Thầy Lê Văn Tú, Chủ nhiệm Đội tuyển Hóa học của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ: “Đức có tư duy logic sắc sảo, làm việc cẩn thận, cầu thị. Em không ngại thử thách, sẵn sàng làm lại từ đầu nếu thất bại. Tôi cho rằng, tấm Huy chương Vàng mà Đức có được ở kỳ thi năm nay không chỉ đơn thuần dừng lại ở một cuộc thi, mà quan trọng hơn, đó chính là tấm huy chương của bản lĩnh, dám thử thách, dám vượt qua chính mình”.
Kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế Mendeleev lần thứ 59 năm 2025 diễn ra từ ngày 3/5 đến hết ngày 13/5 tại thành phố Belo Horizonte, Brazil với sự tham dự của 192 thí sinh đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kỳ thi mang tên nhà khoa học người Nga Dmitri Mendeleev, người sáng lập bảng tuần hoàn các nguyên tố, là một trong những cuộc thi khoa học lâu đời và uy tín nhất thế giới, dưới sự bảo trợ của UNESCO.
Từ năm 2023, kỳ thi được tổ chức trong khuôn khổ Thập kỷ Khoa học và Công nghệ của Nga, thuộc sáng kiến "Khoa học chiến thắng".
Đoàn học sinh Việt Nam tham gia theo lời mời của Bộ Giáo dục Liên bang Nga, với các thí sinh được tuyển chọn từ kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế năm 2025 do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội phụ trách tập huấn và tổ chức.
Theo Thu Hiền (TPO)