Nông dân Chư Sê phát triển trồng cây có múi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình giá cà phê, hồ tiêu luôn ở mức thấp và bị nhiễm bệnh, nhiều hộ dân ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đã chuyển đổi sang trồng các loại cây có múi như: chanh tứ quý, cam sành... Hướng đi mới này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân.      

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (làng Ia Sa, xã Hbông) cho biết: Năm 2018, vườn hồ tiêu của gia đình bị chết hàng loạt. Được người thân giới thiệu về giống chanh tứ quý nên bà đã chuyển sang trồng 700 cây chanh trên diện tích 7 sào. Cây chanh phát triển tốt, sinh trưởng mạnh, sau 24 tháng, vườn chanh bắt đầu cho thu hoạch.

Theo bà Dung, chi phí đầu tư trồng chanh tứ quý chỉ 15 ngàn đồng/cây, sử dụng ít phân bón. Cách 2-3 tháng vào gần thời điểm cây ra hoa sẽ phun thuốc hữu cơ với liều lượng vừa phải để ngăn ngừa sâu bệnh và kích thích cây ra hoa, cho quả nhiều. Bình quân mỗi ngày, gia đình bà thu hái khoảng 2-3 tạ chanh. Với giá 10.000-15.000 đồng/kg, mỗi ngày bà thu về 2,5-3 triệu đồng. Riêng ngày lễ, Tết, thương lái mua với giá 20.000 đồng/kg nên thu nhập từ vườn chanh cao hơn.

“Không những thế, hàng năm, gia đình tôi còn chiết cành để bán giống. Với 700 cây chanh, mỗi cây chiết 5 cành, bán với giá 20.000 đồng/cành cũng đem về cho gia đình khoản tiền đáng kể”-bà Dung chia sẻ.

 Ông Nguyễn Đình Hưởng (làng Tol, xã Ia Hlốp) chăm sóc vườn cam sành của gia đình. Ảnh: R.H
Ông Nguyễn Đình Hưởng (làng Tol, xã Ia Hlốp) chăm sóc vườn cam sành của gia đình. Ảnh: R.H



Ông Bùi Đức Miền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hbông-cho biết: “So với cây hồ tiêu và cà phê, giống chanh tứ quý có đặc điểm vượt trội là sinh trưởng nhanh, không kén đất, ít sâu bệnh, ra quả quanh năm, chi phí đầu tư ban đầu ít nhưng nhu cầu thị trường tiêu thụ cao. Việc chuyển đổi cây trồng này đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã”.

Tại xã Ia Hlốp, gia đình ông Hồ Đăng Thành (thôn 4) đã chuyển 5 sào hồ tiêu bị nhiễm bệnh sang trồng cam Vinh. Ông Thành chia sẻ: “Năm 2014, cây hồ tiêu bị chết hàng loạt khiến gia đình tôi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện giới thiệu giống cam Vinh cho năng suất cao, tôi liền đăng ký tham gia tập huấn và quyết định mua 400 cây giống về trồng. Năm 2019, vườn cam cho thu hoạch vụ đầu tiên được 15 tấn, với giá bán tại vườn 15.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận 180 triệu đồng. Gia đình đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ hai với sản lượng khoảng 10-12 tấn quả”.

Tương tự, năm 2018, gia đình ông Nguyễn Đình Hưởng (làng Tol, xã Ia Hlốp) cũng trồng 400 cây cam sành, giống mua từ tỉnh An Giang, trên 4 sào cà phê đã chuyển đổi. Ông Hưởng cho hay: “Năm ngoái, vườn cam bắt đầu cho thu bói, tháng 10 này sẽ thu hoạch vụ đầu tiên. Theo tính toán, mỗi cây đạt khoảng 10-12 kg. Nếu giá ổn định 25.000-30.000 đồng/kg như năm 2019 thì sau khi trừ chi phí sẽ thu về khoảng 80 triệu đồng”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-thông tin: Vài năm trở lại đây, do cây cà phê và hồ tiêu nhiễm bệnh và già cỗi nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cây có múi. Toàn huyện có khoảng 100 hộ gia đình trồng cây có múi với tổng diện tích 50 ha. Huyện có cơ chế hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/ha thông qua phân bón, vật tư, thiết bị tưới; đồng thời, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giúp bà con nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tế vườn cây của gia đình.

Cũng theo ông Hợp, định hướng giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ nhân rộng diện tích lên 100-200 ha và phát triển thành vùng chuyên canh cây có múi. Bên cạnh đó, sẽ tìm kiếm thị trường và xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
 

 R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.