Gói hỗ trợ (62.000 tỉ đồng) này rất quan trọng, chúng tôi mong muốn các cán bộ khi thực hiện đừng để như chuyện dê, gà đi lạc đường, đừng để ai vi phạm bị xử lý...”. Bởi, nếu vi phạm “đó sẽ là nỗi nhục suốt đời”- lời Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung.
Buổi chiều ngày 26.4, bà Trần Thị Tuyền ở xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân, Hà Nam) là một trong những người dân đầu tiên được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng.
Số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng đối với những người như bà Tuyền, nó quá ý nghĩa, trong một hoàn cảnh hộ chăn nuôi bị dịch, thua lỗ đến những đồng cuối cùng, và ngay sau đó, đến dịch COVID-19.
Người đàn bà nhỏ bé, tóc bạc trắng coi đây như một “phần lộc” mà gia đình được nhận.
“Phần lộc”, một từ ngữ dân dã, nhưng chân thành, cho thấy đối với người dân, gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, như một bát cơm Phiếu Mẫu mang tính chất “nhất phạn thiên kim” (bát cơm ngàn vàng) trong lúc khó khăn vậy.
Nhưng rồi, nhắc đến tiền là lại có những nỗi lo cán bộ hư.
Hôm qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đi nhắc lại các nguyên tắc thực hiện gói hỗ trợ này là phải đúng đối tượng, là phải công khai, minh bạch.
Có lẽ, không ngẫu nhiên, bộ trưởng nói ông mong muốn các cán bộ khi thực hiện đừng để “dê gà đi lạc đường”, đừng để ai vi phạm bị xử lý. Động đến đây (tiền gói hỗ trợ) không ổn đâu, nếu có đây là nỗi nhục suốt đời của cán bộ.
Dê đi lạc vào nhà bí thư, từ một vụ tham nhũng chính sách xảy ra trong thực tế, giờ đã trở thành một thành ngữ buồn, để chỉ việc những bát cơm Phiếu Mẫu, cho những người đói và thiếu nhất, bị trục lợi bởi những người thực hiện.
Bộ trưởng Dung nói đúng. Đó sẽ là nỗi nhục suốt đời. Nỗi nhục không cách gì gột rửa được. Ví dụ điển hình chính là vụ nâng khống máy xét nghiệm COVID-19 vừa bị khởi tố ở Hà Nội.
Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa chỉ đạo thẩm định và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh… nhất là đối với các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao. Và “Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Cảnh báo “nỗi nhục suốt đời” là cần thiết, nhưng yếu tố đảm bảo, phải là sự giám sát. Bằng thái độ của Thủ tướng, bằng việc Mặt trận, Công đoàn và người dân sẽ vào cuộc giám sát ngay từ đầu. Bởi chỉ có sự công khai minh bạch, bởi chỉ có việc giám sát chặt mới hạn chế tối đa tình trạng “dê, gà lạc chuồng”.
http://https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/noi-nhuc-suot-doi-khong-cach-gi-got-rua-801975.ldo
Theo Đào Tuấn (LĐO)