Có lẽ hình ảnh về những hàng phượng vĩ rực rỡ, những hàng me tây hay những cành điệp vàng... đã trở thành những ký ức, kỷ niệm thân thương trong cuộc đời của mỗi học sinh. Thế nhưng giờ đây, chính những hàng cây rợp bóng mát ấy lại trở thành nỗi lo sợ của các em học sinh, nhất là những mùa mưa bão. Và phải chăng cũng vì nỗi sợ ấy mà chúng ta đang đổi xử với cây xanh bằng những động thái không bình thường?!
Vụ việc cây phượng bật gốc trong sân trường khiến một học sinh tử vong và hàng chục em khác bị thương vừa qua thực sự quá đau lòng, nhưng không phải vì thế mà đồng loạt chặt bỏ, đốn hạ hoặc "nói không" với cây xanh như vậy. Chọn chặt bỏ thay vì tìm ra các phương án khả dĩ hơn để vừa đảm bảo an toàn cho thầy cô và học sinh, vừa tạo mảng xanh trong sân trường - đô thị liệu đã được tính đến? Bởi, xét cho cùng cây xanh đâu có tội!
Với cây xanh trường học, ngoài ý nghĩa tạo cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ, mang đến không gian tươi mát, trong lành cho các em học sinh và thầy cô giáo, nó còn là nguồn cảm hứng sáng tạo, là những ký ức vỗ về tuổi thơ. Và hẳn nhiên, mỗi khi nghĩ về ngôi trường thân thương của mình, hình ảnh đầu tiên ập vào trí nhớ của mỗi học sinh là những mùa hoa phượng nở, những trò chơi, giờ học dưới những tán lá phủ xanh sân trường. Thử hỏi rồi đây, giữa sân trường vắng bóng cây xanh, tuổi học trò còn lại phải chăng chỉ là những con số, những bài toán khô khan và ngôi trường bê-tông trơ trọi, chơ vơ giữa trời!
Không thể phủ nhận nguy cơ cây xanh gãy đổ, thiếu an toàn, nhất là vào mùa mưa bão. Với thực trạng bê tông hóa hiện nay, cây xanh trong thành phố và tại các nhà trường thường khó có khả năng bám rễ sâu vào lòng đất và do vậy, nguy cơ gãy đổ càng cao. Vậy giải pháp nào để vẫn có thể tiếp tục duy trì mảng xanh trong trường học, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh? Theo kinh nghiệm của một số người có chuyên môn, thì trước hết cần rà soát, kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Chặt tỉa cành, đánh giá mức độ mục ruỗng, độ tuổi của cây, khả năng gãy đổ để quyết định thay bằng cây trồng mới. Một động thái quan trọng khác là phải hướng dẫn cho các em học sinh các quy tắc an toàn, kỹ năng thoát hiểm trong mùa mưa bão, đề phòng cây đổ, điện giật... Ngoài ra, khi quyết định trồng cây xanh tại khuôn viên các trường học, nhà trường cần tham khảo các chuyên gia về cây xanh để chọn được loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khuôn viên nhà trường; cũng cần lưu ý kỹ thuật trồng cây, đào hố đủ to, đủ sâu... giúp cho bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vào lòng đất...
Thiết nghĩ, việc duy trì cây xanh trong trường học vô cùng cần thiết. Chính vì thế, rất mong các trường cần sáng suốt trong các quyết định, để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng không làm mất cân bằng sinh thái, và đặc biệt góp phần duy trì mảng xanh quý giá cho những ngôi trường thân yêu.
Theo Doãn Hùng (cadn)