Niềm vui từ những cây cầu dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai là một trong 50 tỉnh thành được Bộ Giao thông-Vận tải chọn tham gia Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay. Nhờ đó đã có nhiều cầu dân sinh được xây dựng mới.
Hai tháng qua, người dân 2 xã Nam Yang và Hneng (huyện Đak Đoa, Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi cây cầu K'Tập dài hơn 72 m với tổng mức đầu tư trên 3,4 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Anh Lâm Quốc Việt (thôn 1, xã Nam Yang) hồ hởi: “Khi chưa có cầu, muốn qua lại đều phải lội qua ngầm. Vào mùa mưa lũ, nước dâng lên tới mét rưỡi tính từ mặt ngầm thì không thể qua lại được nữa. Tôi có 1 ha cà phê bên thôn K'Tập, nhiều lúc không thể sang bón phân. Giờ thì an tâm rồi”.
 Cầu K'Tập đưa vào sử dụng giúp người dân xã Hneng và Nam Yang (huyện Đak Đoa) đi lại thuận tiện. Ảnh: H.D
Cầu K'Tập đưa vào sử dụng giúp người dân xã Hneng và Nam Yang (huyện Đak Đoa) đi lại thuận tiện. Ảnh: H.D
Còn anh Y Thu (thôn K'Tập, xã Hneng) lại có niềm vui khác: “Từ nay, đau ốm không còn là việc đáng sợ nữa, nhất là vào mùa mưa, vì có cầu rồi. Hồi trước, đau ốm, bệnh tật thì người dân trong làng đều phải đi vòng qua đường thôn Tam Điệp để ra thị trấn chứ không dám qua ngầm, vì nước chảy mạnh, dễ bị cuốn trôi, mà đường thôn Tam Điệp cũng là đường đất, hư hỏng nhiều”.
Theo ông Phạm Trung Nhân-Chủ tịch UBND xã Hneng, cây cầu là điều mong mỏi của người dân cả 2 xã Hneng và Nam Yang hơn chục năm nay. Vì người dân xã Nam Yang thường xuyên qua lại xã Hneng để canh tác với hơn 1.000 ha cà phê, hồ tiêu. Mùa nắng thì đi lại bình thường, nhưng hễ mưa xuống thì việc vận chuyển vật tư, phân bón, nông sản đều phải bằng xe tải gầm cao chứ không thể nhờ đến xe công nông, xe máy. “Khi mưa to, nước dâng lên cao quá, xã phải bố trí lực lượng dân quân và Công an túc trực không cho người dân liều mạng qua ngầm, còn học sinh thì phải nghỉ học”-ông Nhân cho biết thêm.
Được biết, cầu K'Tập là một trong 85 cây cầu được xây mới nằm trong hợp phần cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo đó, sẽ có 2.174 cầu dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh thành trên cả nước với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng (gồm vốn vay của WB trên 5.525 tỷ đồng, ngân sách trung ương gần 273 tỷ đồng). Về phần đối ứng của địa phương, các tỉnh có dự án đã cam kết tự huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ (chi phí này không tính trong tổng mức đầu tư dự án). Riêng tại Gia Lai, sẽ có 85 cầu dân sinh được xây mới với tổng chiều dài lên đến 3.524 m, tổng vốn đầu tư khoảng 208 tỷ đồng.
Những vị trí được chọn để xây dựng cầu phù hợp tiêu chí của dự án và phù hợp với nguồn vốn được phân bổ là các thôn, làng đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, những nơi có kết nối với các công trình phúc lợi của địa phương như trường học, trạm y tế... “Hiện tại, 26 cây cầu ở TP. Pleiku và các huyện: Chư Pah, Phú Thiện, Đức Cơ, Đak Đoa, Mang Yang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 32 cầu khác trên địa bàn các huyện Krông Pa, Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Ia Pa, Kông Chro, Phú Thiện đang triển khai. Những cây cầu còn lại sẽ khởi công vào cuối năm 2018”-ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh-cho biết.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.