Niềm vui giản dị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ai chị cũng nói, bán chè cho vui. Tin được hông? Tin chết liền. Bán chè làm gì cho cực? Trời nắng nôi. Bưng cái xô đá ra không cũng thấy mệt rồi. Ngồi bán nhọc, mồ hôi chảy từng đường mướt cả lưng. Còn bàn tay không khi nào ngơi nghỉ.



Bán chè ư, một ly chè ngồi ăn ngay tại chỗ hay một bịch chè đem về. Cái nào cũng vui và cái nào cũng hay. Chị không ngớt việc từ loay hoay sang bên này lấy cái bịch, quay sang bên kia đổ đá vào, cái việc đổ đá vào mới cực. Đá người ta đem tới là đá lớn, đá đổ vô bịch chè là đá li ti, khi người ta chưa làm sẵn đá viên thì chị phải đập đá. Đưa đá lên bàn tay rồi đập cho nhỏ ra, vừa đủ để bỏ vô ly, vô bịch. Tê hết cả tay. Có vài đứa nhóc thấy lạ lạ rồi xin làm thử, kết cục tê tay quá đứa nào đứa nấy cũng đều rụt cổ, so vai. Bàn tay chị lạnh ngắt suốt. Bỏ đá vào ly có chè, đảo tay múc ngay một muỗng nước dừa trắng trong quyện lại với nhau, thơm ngon đã đời. Ai mua đem về thì chị rút cái bịch ra bắt đầu đổ chè vào trong. Cứ thả cái muỗng xuống nồi này là cầm cái muỗng ở nồi khác lên. Liên tay liên chân, có nghỉ được phút giây nào đâu. Rồi vòng một vòng tay thiệt điệu nghệ, thắt dây thun cột miệng bịch lại. Đưa cho khách, rồi thối tiền, tay lần trong xấp tiền lẻ để sẵn. Bán đâu đó, trông khách vắng rồi bắt đầu rửa ly. Rửa ly ngay tại chỗ. Chị đem sẵn hai thùng nước. Một thùng rửa ly chè dơ, một thùng tráng lại, rồi lau lại bằng khăn cho ráo nước.

Từ chiều hôm trước chị đã lục đục nấu đậu, rồi lột đậu. Hết chuẩn bị các loại đậu rồi tới làm nước dừa, cạo dừa ra từ quả dừa khô, rồi xay, rồi nấu rồi lọc lấy nước cốt. Đêm hôm phải vo viên cục bột làm chè ỉ. Sáng sớm dậy nấu cho xong nồi chè rồi gánh lên vai bưng ra chợ bán. Gánh cũng năm lần bảy lượt vì nhiều nồi quá, mà cũng chẳng có ai phụ. Nếu có bé Út thì nó cũng chỉ ra phụ bán chè và rửa ly được thôi chứ nó cũng chẳng làm việc nặng được. Bé Út thương mẹ lắm, thường đi học xong là nó ra ngay chỗ chị, ăn ngay ly chè và bán chè. Hai mẹ con cứ gồng gồng gánh gánh, buôn buôn, bán bán.

Ly chè đổ đá vào nghe lẻng kẻng. Ly chè sắc màu, thơm thơm. Đỡ đói lòng ban trưa và đỡ khát khi nắng cháy. Chè đậu đen, đậu xanh đánh, chè nước, chè ỉ. Đám nhóc bu quanh chị vào những giờ tan tầm. Mùa càng nắng càng nóng càng muốn chuẩn bị nhiều loại chè để bán, đắt khách cực kỳ, mùa mưa thì ấm áp, ăn chè chẳng cần đá, từng muỗng chè tan ngọt vào tim. Thấy thế thôi mà chị bận tối mắt tối mũi, hết năm này qua tháng nọ. Chị bán chè rất rẻ. Hai ngàn một bịch. Sau này có tăng cũng chẳng bao nhiêu. Ba ngàn. Bán cứ dích từng muỗng chè một. Rồi bỏ gọn vào bịch. Mấy nhóc ngồi túm tụm quanh ba bốn nồi chè và cả những bà, những mẹ đi chợ cũng đứng đấy. Hỏi sao mà bà bán chè mãi không chịu tăng giá, ngoài kia cũng đã mười mấy ngàn một ly rồi. Chị cứ cười cười, con bé nó thiếu tiền lặt vặt mua cái balô, mua mũ nón, thêm cái áo khác màu thôi chị ơi. Còn lại bán cho vui.


 

 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG



Cho vui. Thời buổi bây giờ mà cho vui nghĩa là sao. Nghĩa là lời chút chút thôi, phần tiền. Còn lời cái niềm vui của tụi nhỏ. Niềm vui những người thích ăn chè và niềm vui của những người mê ăn ngọt. Vậy đó. Nói vậy mà để theo đuổi niềm vui đâu phải dễ. Trời nắng nóng nhễ nhại. Việc thức khuya dậy sớm thì khỏi phải nói. Cực nhất là những hôm bán ế. Bán phải hết chứ không hết là khổ. Phải bỏ bịch từng cái một rồi đi rao bán. Cái xe đạp nhỏ để một góc bấy giờ bắt đầu có tác dụng. Bỏ vội mấy bịch chè rồi bé Út chạy hết một vòng xóm là xong, là bán hết. Ai cũng muốn mua ủng hộ, không ăn liền thì bỏ vô tủ lạnh để đó, có một bịch chè ba ngàn, đáng là bao. Con nhỏ đạp xe thấy thương.

Chị chỉ cần mấy đồng lời để mua cho con bé cái balô nhỏ, hết cái balô tới cái áo, hết cái áo tới đôi dép, hết đôi dép... Cứ lần quần ba cái lý do như vậy, chị trả lời hết người này tới người nọ. Không dưng đang ở nhà bán tạp hóa, lời được bao nhiêu thì lời, chủ yếu lo con cái là chính, bây giờ lại ra thân buôn bán, mượn một chỗ trống gần chợ thế này. Ai cũng hỏi, có việc gì không, gia đình có làm sao không. Cũng chẳng có chi cả, chỉ là thêm chút việc, thêm chút vui, có đồng ra đồng vô mà thôi. Chị bán với tâm lý hoàn toàn thoải mái. Nhưng làm thêm gì không làm, lại bán chè?

Chị biết nấu chè từ hồi nhỏ khi gia đình làm ăn thất bát, mẹ chị phải gồng thêm nghề nấu chè vào mỗi buổi tối, bán xuyên đêm. Đấy cũng là lúc chị vừa lớn lên, vừa biết nhấm nháp vị ngọt tan ngay đầu lưỡi và cũng biết sự khó khổ của cuộc đời. Đâu chỉ là người bán chè, chị thấy mẹ đầu bù tóc rối suốt ngày suốt đêm. Hình ảnh người mẹ chải chuốt và tỉ mỉ giờ đây không còn nữa. Và cả cái nhìn của người đời. Chẳng mấy người quen ghé qua quán chè của mẹ đêm khuya và cũng chỉ có những người khách vãng lai đi làm khuya đói lòng, những cô cậu sinh viên ít tiền ăn món khác không đủ lót dạ. Từ ngày ấy, chị bắt đầu thấy đời xa cách và biết thương những niềm vui nhỏ lẻ, cũng không trông mong gì sự thấu hiểu của người đời. Chị bắt đầu quan tâm đến niềm vui trong gia đình. Khi gánh chè của mẹ khá lên cũng là lúc chị bắt đầu được mẹ sắm thêm áo mới, đôi giày mang dưới chân. Vậy là mẹ vẫn còn tỉ mỉ, vẫn còn lo lắng cho chị dù là ở dạng khác. Vậy là mừng rồi. Cái đầu con nít mới lớn bắt đầu hiểu ra cái câu mẹ hay nói mỗi khi thưa khách, khi nào mẹ còn sống thì mẹ không phải để con vất vả mà mưu sinh.

Bây giờ cũng vậy. Chị bán chè có cực nhưng kinh tế gia đình vốn ổn định chứ không như ngày xưa thời mẹ chị. Chỉ có điều đôi lúc chị cảm giác những mối quan hệ cứ như xa cách dần. Vài người bạn ngày xưa thường hẹn hò rủ rê cà phê sáng cà phê tối, nay chẳng thấy hỏi thăm, cũng chẳng ghé qua mà ngồi chơi, dẫu ăn một ly chè ở cái chốn xô bồ tấp nập người qua kẻ lại và đám học trò cứ nhào nhào xin thêm đá, xin thêm chè, xin thêm miếng nước cốt dừa. Lam đã đi ngang quán chè và không dừng lại. Cũng như mọi lần. Nếu Lam dừng lại, hẳn chị cũng sẽ múc cho Lam một ly chè thiệt đàng hoàng, và ngon, các loại. Phải thế chứ. Lam là người bạn rất thân của chị. Nhưng khi chị bắt đầu vô cái nghề này, Lam hoàn toàn không muốn ghé chân. Một người bạn trước kia thích ngồi cùng chị trong những chiều thư thả bên bãi biển, tóc bay bay, đi dạo bờ hồ những sáng rảnh rỗi không vướng bận. Lam thường giới thiệu chị với bạn bè, đây là bạn học cùng trường của mình, tốt nghiệp loại đó loại đó... Và từ lần duy nhất ghé thăm, khi ngồi trên ghế nhỏ, khi nhón tay lấy ly chè đơn giản rẻ tiền, hình như Lam có nói dạo này người ta bỏ nhiều đường hóa học vào chè, khi đứng lên, Lam nhìn lại một lượt quần áo, sợ dính chè vào, ai cũng biết chè đã dính khó chịu thế nào, phải thay bộ khác thôi. Từ đó Lam đã không còn ghé tới nữa và cũng không hỏi han. Chị cũng bận bán, bận nhớ, người năm bịch, người ba bịch, người bỏ đá, người không bỏ đá, người thích loại này, người thích loại kia.

Chị quên nói chuyện, quên luôn cái nhìn dè dặt của Lam và quên luôn cái chào nhanh gọn lẹ để bước chân nhanh ra khỏi một nơi nhao nhao như thế. Với Lam là khác, là một người bạn của Lam, chị cũng phải khác. Nhưng khác là khác thế nào. Nhiều khi cầm ly chè trên tay mà chị thấy đắng ngắt một vị nào xa lắc, có lẽ hôm đó chị quên bỏ đường.

Sau thời gian bán kha khá khách ở chợ, chị mang quán chè về nhà mình, trang trí thêm ít thứ, thêm ghế bàn nho nhỏ sơn xanh, quán mát, có mái che. Học trò cứ đi học xong là ghé qua. Vừa bán chè vừa nghe những chuyện phiếm của lũ nhỏ, vui ơi là vui, còn cái vui nào bằng. Ngoài phố có lẽ nhiều hơn những niềm vui khác. Những niềm vui ăn diện, ngồi đùa tán dóc quên ngày, quên tháng cao xa. Ở đây vui vừa vừa thôi với mấy nồi chè, với mồ hôi nhỏ giọt và còn thêm tí tiền lẻ. Mua cho con Út cái cặp, đôi dép cho năm học mới, chẳng phải là niềm vui lớn nhất rồi sao.

 

Truyện ngắn của NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.