Những vệt nhớ tình cờ gặp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cậu bạn đồng hương hẹn cà phê gửi vài chiếc bánh trung thu cho con. Bạn và tôi chung cảnh xa quê, sống ở Sài Gòn, cách chưa tới 10 cây số mà có khi bình thường cả năm không gặp vì ai bận việc nấy, nhưng gặp thì nhất định phải ngồi hàng tiếng dài để nhắc nhau từng kỷ niệm.

Ngày còn bé, nhà cậu cách nhà tôi chỉ vài trăm mét. Cả hai cùng tuổi nhưng không quen biết nhau khi còn ở quê. Nhưng chúng tôi có những điều rất chung để có thể vui vẻ trò chuyện: đi học chung một đường, trốn vé, xem chui một rạp cải lương, theo mẹ theo bà đi chung một chợ…
 

 


“Ê, nhớ không, chợ chiều phố mình hồi đó cứ mùa này bán đầy bánh dẻo, bánh nướng. Mà trời ơi, toàn bánh nướng hình lợn mẹ lợn con lúc nhúc nhìn yêu tới mức không dám ăn. Bánh dẻo thì thơm lừng mùi hoa nhài chứ không là mùi hương liệu như giờ”, bạn nhắc. Tôi gật gù: Ừ, bên khu nhà ông con nít có đi vòng vòng rước đèn múa lân không? Ở khu tập thể nhà mình Tết Trung thu kéo dài phải cả tuần. Ngày nào cũng đi bộ mỏi chân rước đèn. Mà đèn hồi ấy có đa dạng như của đám con mình bây giờ đâu, toàn đèn ông sao, quả trám…

Đứa bé bày, đứa lớn tự chế. Đứa khéo tay làm đèn kéo quân, đứa không khéo tay làm cái đèn ông sao cũng vẹo vọ, có đứa (chắc chẳng có cái hoa tay nào) hoặc do nhà nghèo quá, lại chỉ xâu hạt bưởi phơi khô đốt lên, tinh dầu hạt bưởi cháy thơm thơm khét khét, nổ lép bép, lóe sáng như loại pháo hoa cầm tay độc lạ. Mỗi đứa một kiểu, mỗi đứa một cảnh mà niềm vui cứ trong veo y nhau, ánh mắt nụ cười đáng yêu y nhau. Đứa nào đứa nấy, đèn này đèn kia, đèn cầu kỳ chen với đèn vụng về kề bên nhau làm thành một vùng sáng lung linh, ấm áp. Chẳng bao giờ có chuyện đứa có đèn kéo quân sang trọng lại không muốn đứng bên cái đứa cầm chuỗi hạt bưởi nổ lép bép, sáng lù mù. Chỉ cần vắng mặt một đứa đã là khuyết đi một niềm vui. Trung thu của chúng tôi, những đứa trẻ ở tỉnh lẻ dịu dàng, mát lành như gió sông thu vậy.

Bạn kể, hồi đó mấy chị em bạn mồ côi bố mẹ, ở với bà ngoại. Bà ngoại kiếm đủ tiền đong gạo là may lắm. Trung thu ăn chung tấm bánh bà mua ở chợ chẳng bõ dính răng. Bà mới ngồi làm kẹo lạc. Bà thắng đường cực khéo, đủ độ giòn, dai vừa chứ không dai nhách, ngọt thơm chứ không đắng gắt.

Đêm Trung thu, mấy bà cháu vui niềm vui giản dị, bẻ những chiếc bánh, kẹo lạc giòn rụm, nói những chuyện vui, gác những buồn phiền cũ, những âu lo tương lai đâu đó. Những điều phiền hà chẳng bao giờ có thể là “khách mời” trong đêm Trung thu.

Nhà tôi cũng chẳng phải khấm khá. Rất nhiều Trung thu không có vị bánh nướng, bánh dẻo trong những ngày mẹ con ở trong khu tập thể. Thậm chí, những nhà khác cũng chẳng mấy nhà khá hơn. Cả công ty mấy trăm đứa trẻ chỉ có dăm chiếc bánh dùng để bày cỗ.

Đêm hội trăng rằm được mở ra trong sân khu nhà trẻ tập thể, xem chị Hằng múa hát, chú Cuội cười nói. Xem xong kịch thì mỗi đứa được túi bánh kẹo nho nhỏ đủ màu xanh đỏ, chia thành từng nhóm nhỏ đi về từng dãy nhà trong khu tập thể. Mỗi dãy nhà chỉ tầm 7-10 căn nhỏ, và dĩ nhiên là rất thân nhau như chung một căn nhà lớn. Đã có một mâm cỗ Trung thu của các bố, mẹ chờ sẵn ở đó. Mâm cỗ Trung thu có chè bưởi cô Hoa nấu, lạc luộc chú Ngọc đưa qua, món cơm cháy khô giòn thơm phức của mẹ tôi làm và vài trái cây quen thuộc của mùa trăng gọi: ổi, na, bưởi...

Món cơm cháy khô rán giòn của mẹ là một trong những món ăn được xem là “cầu kỳ, sang trọng” trong tuổi thơ tôi. Thực chất là tảng cơm vừa cháy sém bám đáy nồi, phơi nắng khô giòn. Tới khi cần ăn thì đổ chút mỡ lợn, nóng già, bỏ cơm cháy đã phơi khô vào. Miếng cơm cháy sẽ phồng lên, dậy mùi thơm béo ngậy. Trước khi tắt bếp, mẹ sẽ rải một lớp mỏng đường lên để món cơm cháy hấp dẫn hơn. Chỉ vậy, và chúng tôi sẽ giành nhau ăn đến những hạt cơm cháy vương lại cuối cùng. Có đứa sau khi ăn còn mút tay thun thút.

Bạn nói, đúng, đúng... đúng là món ấy bà cũng từng làm cho bạn ăn. Vậy mà giờ bao loại cơm cháy chà bông, cơm cháy tôm khô, cơm cháy rong biển... chẳng thể ngon bằng món cơm cháy rán giòn mỡ lợn, không có gì ngoài vài hạt đường vẩy lên. Có thật vậy không, hay chỉ đơn giản vì khi chúng mình đi qua nghèo khó, càng lớn, càng xa lại càng nhớ, thương về một miền cũ đã qua?

Tôi không trả lời bạn. Mà thiết nghĩ cũng chẳng cần phải trả lời khi cả tôi và bạn đều chỉ cần ngồi đối diện nhau, bên những ly cà phê nhỏ giọt chậm rãi trong một sớm mùa thu trời xanh mây trắng, mỉm cười nhớ về một vùng ký ức trong veo trong một mùa thu nào đó. Nơi có mẹ, có bà, có những người đã về miền mây trắng nhưng vẫn ở mãi trong lòng chúng mình vì đã dành tặng những gì yêu thương, ngọt ngào nhất.

Đôi khi, bạn à, có một niềm hạnh phúc bé mọn, là khi những vệt nhớ của chúng ta tình cờ gặp nhau.

Theo KHÔI NGUYÊN THẢO (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.