Những người lính bên dòng Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm “Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách” và “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương”, những người lính Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) đã trực tiếp giúp bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Nâng cao ý thức bảo vệ biên giới

 

 Hộ nghèo của xã Ia O được hỗ trợ bò giống. Ảnh: P.D
Hộ nghèo của xã Ia O được hỗ trợ bò giống. Ảnh: P.D

Để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng mang lại hiệu quả, thời gian qua, Đồn Biên phòng Ia O cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã linh hoạt nhiều hình thức truyền thông, như: qua hệ thống truyền thanh của xã; qua các buổi sinh hoạt, họp dân, tuyên truyền cá biệt từng thành viên… Quá trình tuyên truyền, vận động luôn được cán bộ thực hiện bằng 2 thứ tiếng Việt-Jrai, nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, luôn chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. “Cùng với việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Ban Biên giới và cán bộ Đồn Biên phòng còn giải thích cho bà con hiểu đâu là vành đai biên giới, đâu là dấu hiệu đường biên, cột mốc… Đối với những hộ gia đình có nương rẫy quanh khu vực cột mốc hay thường xuyên qua lại khu vực cột mốc, Ban cũng nhắc nhở phải chấp hành nghiêm quy chế biên giới, không xâm canh, xâm cư, không được kẻ vẽ lên cột mốc, không được dùng gạch đá đập phá cột mốc…”-ông Rơ Châm Bư-phụ trách Ban Biên giới của xã Ia O, cho hay.

Cũng theo ông Bư, đến nay, hầu hết người dân đều tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Những hộ dân nào có nương rẫy gần khu vực đường biên, cột mốc cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện những dấu hiệu lạ ở gần khu vực đường biên, cột mốc đều báo ngay với đồn, với xã để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Song song với công tác tuyên truyền, vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng cũng được phát huy hiệu quả, kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quần chúng nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương. Đồng thời, Đồn cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xây dựng, duy trì các tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ an ninh trật tự thôn, làng. Đến nay, xã Ia O đã xây dựng được 9 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và 1 tổ tự quản đường biên, cột mốc ở 2 làng: Kloong và Bi.

Giúp dân lúc khó khăn

Không bị thiệt hại nặng như nhiều địa phương khác trong đợt hạn hán vừa qua, song ngay tại cánh đồng làng Lân có 5,3 ha lúa Đông Xuân của 13 hộ dân bị mất trắng. Trước những khó khăn của người dân, Đồn Biên phòng Ia O đã kịp thời trích kinh phí hỗ trợ giúp mỗi hộ 500 ngàn đồng để ổn định cuộc sống. Đây cũng là việc làm thường xuyên của những người lính Biên phòng trong nhiều năm qua. Họ luôn tận tụy, bám làng, bám hộ gia đình để kịp thời gặp gỡ, động viên, giúp đỡ khi người dân cần. Với những người lính, khẩu hiệu: “Biên giới là nhà, đồng bào các dân tộc trên biên giới là anh em ruột thịt” còn là “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Vì vậy, chưa khi nào họ nề hà công việc, từ “xắn quần lội ruộng” hướng dẫn bà con sản xuất cho đến “cầm tay chỉ việc” giúp bà con làm chuồng trại chăn nuôi hay miệt mài bên từng trang sách giúp các em nhỏ củng cố kiến thức… Nói về những người lính Đồn Biên phòng Ia O, già Ksor Yăn-làng Dăng, phấn khởi: “Bộ đội tốt lắm! Bộ đội mới cho mình bò giống, còn giúp mình làm chuồng trại và thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh phòng dịch cho bò nữa!”. Với già Yăn, con bò được coi là tài sản vô giá bởi tuổi cao, sức yếu nên việc chăm sóc nương rẫy rất khó khăn. Già bộc bạch: “Già cố gắng chăm sóc thật tốt để nhanh có bê con”.

Mới đây, Đồn còn nhận “Nâng bước em đến trường” đối với 2 em học sinh là Rơ Châm Un (làng Cúc) và Rơ Lan HLy (làng Mít Chép). Thượng úy Phan Công Thắng-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia O, cho biết: Hoàn cảnh của 2 em rất đáng thương. Bố mẹ em Rơ Châm Un đã chết. Un đang sống cùng chị gái nhưng kinh tế gia đình chị gái cũng rất khó khăn. Còn bố mẹ Rơ Lan HLy đã bỏ nhau khi em còn nhỏ, mỗi người đều có gia đình riêng và HLy hiện sống cùng ông bà ngoại đã già yếu. Chính điều đó đã thôi thúc những người lính Biên phòng chung tay, góp sức để con đường đến trường của các em bớt gập ghềnh hơn. Hàng tháng, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều tự nguyện trích một phần lương của mình để hỗ trợ các em học tập. Bên cạnh đó, Đồn còn giao cho 2 cán bộ phụ trách làng thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra và động viên các em cố gắng học tập. Gần 10 năm trước, Đồn cũng đã nhận em Siu HLy (làng Cúc) làm con nuôi, cho em một mái ấm gia đình trước những mất mát mà em trải qua.  

Ngoài ra, Đồn còn duy trì “Hũ gạo tiết kiệm” để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn. Và bắt đầu từ tháng 6-2016, hàng tuần, Quân y Đồn đều có kế hoạch tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho người già neo đơn, không nơi nương tựa tại địa bàn.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.