Những ngả rẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Buổi chiều đứng gió, không khí như đặc quánh lại trong buồng phổi. Gã ngồi ngó mông ra đường. Tầm này mọi khi đường phố đông nghẹt người, tiếng còi xe, tiếng nẹt pô ướp đầy hơi xăng. Cái mùi thị thành đó đã theo gã suốt những tháng năm đại học. Gã nhớ lại hình ảnh của chính mình. Gò lưng trên chiếc xe máy cà tàng chạy sô quanh các nhà hàng, quán ăn. Sô chiều, sô tối, sô khuya, tất cả để kiếm miếng ăn, trả tiền trọ, đóng học phí… Một tiếng nói khẽ khàng phía sau lưng cắt ngang dòng hồi ức của gã:

 


-  Chiều nay anh không rủ ai làm ván cờ tướng à?

- Ừ, ờ, nóng quá em. Mà chẳng bụng dạ nào để chơi cờ nữa…

Không ngoái lại gã cũng biết sau lưng mình là Phước. Cu nhóc đó vừa xin vào làm ở đây chừng hơn tháng. Bữa gặp đầu tiên, nhìn cái dạng ốm yếu, nhỏ thó của chàng tân sinh viên người miền Trung này gã đã định không nhận. Nhưng rồi, chợt thấy chính mình trong cái hình hài này cách đây mươi năm gã gật đầu. Làm mấy bữa gã thấy Phước được việc, trai quê có khác, chịu khó. Lúc nào cũng đến sớm, về muộn, công việc chính là chạy bàn nhưng có chút rảnh rỗi lại lăn xả vào dọn dẹp, chùi rửa. Gọi nhà hàng nhưng chỗ này chỉ như quán nhậu, toàn những món nhắm bình dân như lòng xào nghệ, cá nướng, óc lửa hồng… Dân nhậu cũng thành phần bình dân, đôi lúc có viên chức nhà nước nghèo lương thấp. Có tiếng gọi ơi ới của chị Hai đứng bếp:

- Phước ơi, bưng mấy cái chảo ra rửa giúp chị, rồi xếp luôn chén đũa vào kia cho gọn nha mậy!

Tiếng chị Hai nghe rặt âm giọng miền Tây. Tội nghiệp, công thù lao thấp nhưng chẳng bao giờ chị nề hà. Chị cũng như Phước nhưng gắn bó với quán của gã đã lâu, chừng hơn ba năm. Không chồng, có đứa con gái làm dâu xứ Đài, chị ở lại đây luôn. Nhiều lần gã thấy chị lén chùi nước mắt, chắc thương đứa con lưu lạc phương trời xa xôi. Ngày nào trên báo, trên mạng cũng đầy rẫy những cảnh đời làm dâu xứ xa bị người ta hành hạ.

Bóng râm trước sân ngả dài. Cầm chiếc ghế nhựa xích dần theo tàng cây đổ bóng, chú Thăng trông xe mặt buồn rười rượi. Giờ này thường khi đã có khách, lác đác nhưng cũng được một, hai bàn… Mấy hôm nay thì vắng hẳn, có lúc tối sập mới có người ghé. Một chiếc xe của y tế phường chậm rãi ngang qua trước mặt chú Thăng. Tiếng loa oặt đi trong nắng chiều: “Tin mới nhất của xi đi xi (CDC) thành phố, ngày hôm nay có thêm 3 ca cộng đồng… Mọi người lưu ý, hạn chế ra khỏi nhà… luôn luôn đeo khẩu trang nơi công cộng…”.

Năm ngoái thành phố cũng đã đi qua hai trận dịch cô vít. Mỗi lần có dịch gã lại xất bất xang bang. Sau trận dịch đầu, dù chủ cho thuê nhà giảm giá nhưng xem ra cũng khó cầm cự. Chỉ cần hai tuần cách ly, nhà hàng đóng cửa là gã lại phải móc hầu bao trong khi đồng vốn ngày càng cạn. Cuối năm, thanh toán tiền thuê nhà, gã tần ngần đưa xấp tiền cho chủ nhà.

- Thôi, dịch giã khó khăn, anh lấy nhiêu thôi… Chủ nhà vừa nói vừa tách đôi xấp tiền gửi lại cho gã phân nửa.

- Cám ơn bác, không giấu bác, cũng khó khăn thiệt. Em phải ráng.

- Tôi biết mà, thôi cầm cự đi, mai mốt hết dịch biết đâu… Chủ nhà buông lửng câu nói như động viên cả hai người chứ không riêng gì gã.

Rồi cũng phải tìm cách, cái khó ló cái cần làm. Lúc ổn ổn, nhà hàng có khách lai rai, tuy không lời lãi nhiều nhưng gã cũng có đồng ra đồng vào. Lúc cao trào dịch, nhiều nơi phong tỏa, cách ly thì gã duy trì phương thức bán mang về, bán từ xa. Chị Hai vẫn đứng bếp nấu theo yêu cầu, Phước rành công nghệ nên sử dụng phây-búc, za-lô tiếp thị hàng, chú Thăng thì chạy xe giao hàng đến tận nơi. Khách cũng nhiều loại, có người còn đặt luôn cả bia, đá lạnh mang tới nhà. Ơn trời, kinh doanh kiểu này cũng vất vả, nhiêu khê nhưng được cái mọi người vẫn còn có công ăn việc làm. Cũng vào dịp cuối năm ngoái, lúc nhận tiền công trước hôm tết, nhóc Phước, chị Hai, chú Thăng đều ngỏ ý chỉ nhận một nửa tiền công. Nhưng gã không chịu, gã bảo no đói có nhau, khi nào không gượng được nữa rồi tính…

Nắng chiều gần tắt. Đợt dịch này có vẻ căng hơn năm ngoái. Đọc báo xem đài nghe số ca tăng lên nơi này nơi kia, rồi biến thể này, biến thể nọ. Mới hôm qua chú Thăng trước khi về nhà trọ, nắm tay gã rưng rưng:

- Chú nghe quán xá sắp đóng cửa hết rồi, mai mốt không làm ở đây chú chẳng biết đi đâu.

- Chú yên tâm. Chắc không đến nổi. Mấy thành phố lớn mới nặng. Chỗ mình đây chưa có chi.

Thằng Phước biết gã khó khăn định nghỉ về quê tránh dịch. Nó nói nhưng gã không nghe, bảo thôi mày ở lại đi, từ từ rồi về. Nó ở lại một phần nghe lời gã, một phần thương chị Hai phải gánh cả những phần việc của đàn ông mà thường ngày nó vẫn phụ giúp. Có làm mới biết, như việc bê cái lò than nặng như núi, sẩy tay là bỏng như chơi. Chỉ có chị Hai âm thầm như cái bóng, hết lau góc này đến dọn góc kia. Có khi nhà bếp tối thui không thấy chị đâu, chỉ nghe tiếng động. Hỏi, chị bảo chị làm được, đừng bật điện làm chi, tốn kém.

Một tuần nữa trôi qua. Dịch đã lây lan vào cả bệnh viện, khu công nghiệp. Nhiều nơi phong tỏa, cách ly, người dân tuyệt đối tuân theo các chỉ thị về giãn cách. Quán của gã chuẩn bị đóng cửa. Mới nghe phong thanh, chị Hai bảo nhóc Phước:

- Thôi mình dọn dẹp đi là vừa. Dọn kỹ nghe mậy, đợt này chắc nghỉ lâu mới bán lại.

Thằng Phước cười cười bảo gã:

- Đợt này về quê học qua mạng, nghỉ dài dài. Anh coi như em chơi tết dài hơn chút đỉnh. Về quê lâu lâu biết đâu có bạn gái. Hết dịch em đem vào ra mắt anh.

Chú Thăng xếp mấy chiếc ghế nhựa vào góc kho, vừa dọn vừa nói không rõ nói với mình hay với gã:

- Không sao, nghỉ một thời gian thôi mà.

Gã chợt thấy cay nơi sống mũi. Đã từng chạy sô nhà hàng trước khi khởi nghiệp, gã hiểu cảm giác trống không khi mất việc làm mà vẫn phải đối mặt với cơm áo gạo tiền.

Gã là người cuối cùng rời khỏi quán. Cánh cửa đóng lại, khóa bấm tách. Chị Hai cúi mặt dưới vành nón:

- Chị về đây, về quê. Miền Tây rau củ không lo đói đâu cậu. Khi nào quán mở lại chị lên. Cậu nhớ giữ gìn sức khỏe.

Chú Thăng nhìn mông lung lên tàng cây, cố ra giọng mạnh mẽ:

- Quán mở lại nhớ dành cho chú một suất. Lương thấp cũng được. Nhớ nghen. Cho chú gởi lời thăm gia đình.

Chú Thăng chở chị Hai ra bến xe về miền Tây. Thằng Phước nhờ bạn đón đi cho kịp chuyến xe tốc hành về quê. Bóng ba người dần khuất trong buổi chiều đứng gió. Như những buổi chiều khác trong mùa dịch bệnh. Lần này thì gã khóc, khóc thật sự. Bỗng dưng gã muốn chạy theo từng người, chỉ để nói: “Nhất định chúng ta sẽ gặp lại nhau, chị Hai, chú Thăng, nhóc Phước… Lúc nào dịch bệnh tạm ổn, chúng ta lại cùng làm việc. Ở đời có nhiều thứ quý hơn tiền bạc…”.

Những giọt nước mắt như mặn hơn. Bóng ba người đã khuất hẳn. Trong một buổi chiều…

Theo PHẠM XUÂN HÙNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.