Những giáo viên mang khăn quàng đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để ươm mầm một lớp đội viên chăm ngoan, học tốt, xứng đáng là những cháu ngoan Bác Hồ thì không thể không nhắc đến đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội. Họ được yêu mến gọi bằng một cái tên vô cùng gần gũi: “Giáo viên mang khăn quàng đỏ”.
Gắn bó với công tác Đội trường học đã được 6 năm, cô Khương Thị Ngọc Ánh (Trường Tiểu học Anh hùng Núp, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, Gia Lai) luôn tâm niệm: “Muốn học sinh gắn bó và tích cực tham gia các hoạt động phong trào, Tổng phụ trách Đội phải nắm rõ tâm lý của các em để tổ chức những chương trình thật phù hợp”.
 Cô Khương Thị Ngọc Ánh (Trường Tiểu học Anh hùng Núp, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) hướng dẫn các em học sinh kỹ năng đánh trống. Ảnh: P.L
Cô Khương Thị Ngọc Ánh (Trường Tiểu học Anh hùng Núp, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) hướng dẫn các em học sinh kỹ năng đánh trống. Ảnh: P.L
Công tác ở nơi có hơn 90% học sinh là người Jrai, những ngày đầu phụ trách công tác Đội, cô Ánh gặp không ít khó khăn, đội cờ, đội trống của Liên đội thiếu và yếu... Tuy vậy, cô đã nhanh chóng thành lập các đội, nhóm để tập luyện, đẩy mạnh phong trào Đội của trường; chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động theo chủ điểm của từng tháng để triển khai hiệu quả. Một trong những phong trào triển khai có hiệu quả là “Giao lưu kết nối yêu thương Kinh-Jrai cùng tiến bộ” với mục đích giúp các em tự tin giao tiếp, tìm hiểu nét văn hóa của từng dân tộc, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, chương trình phát thanh măng non của trường được cô Ánh sáng tạo giao cho từng lớp phụ trách theo tuần. Ở mỗi lớp, các em học sinh sẽ luân phiên nhau chuẩn bị các nội dung: yêu cầu của người đội viên, cách giữ vệ sinh cá nhân, lễ phép với người lớn... Những hoạt động này khuyến khích các em mạnh dạn, tự tin, đặc biệt là học sinh người Jrai. Cùng với nỗ lực tổ chức sân chơi cho học sinh, cô Ánh cũng tích cực học hỏi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Tại Trại huấn luyện Kim Đồng năm 2018 được tổ chức ở tỉnh Đồng Nai, cô Ánh đã đạt danh hiệu thủ khoa nội dung lập kế hoạch hoạt động Đội.
Là một trong 20 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội xuất sắc nhất của Trại huấn luyện Kim Đồng năm 2018, thầy Nguyễn Thế Anh (Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trần Quốc Toản, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đã phát huy năng lực, sở trường để đưa phong trào của Liên đội ngày càng phát triển. Thầy đã có 9 năm đảm nhận công tác Đội ở ngôi trường có hơn 90% học sinh dân tộc Jrai theo học. Do nhận thức của học sinh còn nhiều hạn chế, phải vừa học vừa giúp bố mẹ việc nhà nên rất khó thu hút các em tham gia các hoạt động Đội. Ngoài ra, tâm-sinh lý của học sinh bậc THCS cũng có nhiều thay đổi. Những khó khăn trên buộc thầy Anh phải suy nghĩ để có cách thu hút, tập hợp học sinh tham gia các hoạt động Đội. Với thầy, việc thường xuyên gần gũi, chia sẻ với các em, phát hiện những em có năng khiếu để có cách giáo dục và bồi dưỡng kịp thời là một trong những giải pháp. Thầy còn chủ động đổi mới các hoạt động sinh hoạt đầu giờ và giữa giờ bằng các điệu nhảy dân vũ, khiêu vũ sôi động. Thầy Anh cho biết: “Mỗi hoạt động Đội được tổ chức phải tạo cho học sinh cảm giác thích thú, do đó cần thường xuyên đổi mới hình thức, tránh sự đơn điệu. Đặc biệt, tránh tình trạng các em tham gia theo kiểu đối phó”.
Tâm huyết, đam mê với các hoạt động phong trào Đội, cô Lê Thị Tưởng-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) gắn bó với công tác này đã 10 năm. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường Đại học Phú Yên) ngành Nhạc-Công tác Đội, sẵn có năng khiếu ca hát, cô đã góp phần quan trọng đưa phong trào Đội của nhà trường phát triển. Cũng là trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, cô đã liên hệ với những liên đội có điều kiện hơn, vận động các cửa hàng trên địa bàn xã ủng hộ quần áo, khăn quàng, sách vở, giày dép tặng cho học sinh khó khăn của trường. Với những thành tích đạt được trong công tác Đội, cô Tưởng đã trở thành đại diện duy nhất của tỉnh được xét danh hiệu “Cánh én hồng” của Hội đồng Đội Trung ương năm 2018. “Đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội thì đã xác định được sự vất vả. Nhưng được gần gũi với các em đội viên, tôi thấy mình trẻ hơn, năng động hơn. Tâm huyết với công tác Đội, thương các em học sinh vùng khó, tôi sẽ cố gắng tìm tòi, sáng tạo nhiều mô hình mới để đáp ứng nhu cầu của các em”-cô Tưởng tâm sự.
Là những giáo viên mang khăn quàng đỏ, ngoài các tiết dạy theo chuyên môn, thời gian còn lại, họ dành cho các hoạt động Đội. Để chuẩn bị cho các cuộc thi của Đội, Tổng phụ trách Đội và đội viên phải tập luyện cả ngày nghỉ, thậm chí là buổi tối; thời gian dành cho gia đình cũng ít lại. Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ Tổng phụ trách Đội khá ít, kinh phí hoạt động Đội hạn hẹp, nhiều khi các Tổng phụ trách Đội phải tự bỏ tiền túi để tổ chức hoạt động cho các em. “Vất vả là thế nhưng khi tham gia hoạt động Đội, được gần gũi, quan tâm, chăm sóc các em đội viên, thêm vào đó là những giây phút vỡ òa hạnh phúc khi công sức tập luyện được đền đáp xứng đáng đã trở thành động lực để chúng tôi tiếp tục giữ lửa nhiệt huyết, vượt khó làm tốt công tác ươm mầm non cho đất nước”-cô Khương Thị Ngọc Ánh chia sẻ thêm.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Tặng quà học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu

Tặng quà học sinh Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu

(GLO)- Ngày 11-1, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông, Chi đoàn Cảnh sát Nhân dân I (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an xã Biển Hồ tổ chức chương trình “Xuân gắn kết” tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku).

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

(GLO)- Ngày 9-1, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức vòng chung kết Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai năm học 2024-2025 với chủ đề “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” và chương trình giao lưu truyền thống “Tiếp bước cha anh”.

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Chàng trai nặng lòng với văn hóa M’nông

Mặc dù là dân tộc Kinh nhưng anh Nguyễn Văn Hiếu sinh ra và lớn lên tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, Đắk Lắk) – nơi có những buôn làng người M’nông bản địa sinh sống lâu đời nên có niềm đam mê đặc biệt với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông.

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

(GLO)- Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng anh Phạm Thanh Lâm (SN 1992, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định theo đuổi đam mê hội họa. Anh đã bộc lộ tài năng với tranh truyền thần và được nhiều người đón nhận.

Thư viện từ những bông hoa

Thư viện từ những bông hoa

Hoa là tượng trưng cho vẻ đẹp, sách là sản phẩm tri thức. Các bạn trẻ trong nhóm “Thư viện từ những bông hoa” đã tích hợp hai yếu tố đó làm một để chở theo những giấc mơ, mở ra chân trời mới cho trẻ em nghèo vùng cao.

Trao yêu thương đầu năm mới

Trao yêu thương đầu năm mới

(GLO)- Ngay khi năm mới 2025 vừa sang, nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tinh thần trao yêu thương đầu năm mới chính là lời cam kết đầy tình người, rằng không ai bị bỏ lại phía sau.