Những giải pháp để các đô thị Việt Nam phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các vấn đề hiện tại của quá trình đô thị hóa cũng như các thách thức tương lai ở Việt Nam đang đòi hỏi những giải pháp phù hợp với đặc thù của đất nước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)



Cách đây 11 năm, bắt đầu từ năm 2008, ngày 8/11 hằng năm được lấy làm ngày đô thị Việt Nam nhằm đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa tích cực và tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc xây dựng các khu đô thị văn minh, hiện đại.

Từ vết thương chiến tranh đến những thành phố mang hơi thở thời đại

Sau hiệp định Geneva năm 1954, đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền Nam-Bắc. 9 năm kháng chiến, miền Bắc bị tàn phá nặng nề. Nhiệm vụ cấp bách là khẩn trương khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ.

Năm 1956, Phòng đô thị thuộc Nha Kiến trúc được thành lập, tiền thân của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia hiện nay. Để rồi từ đó, các thành phố công nghiệp như Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Thái Nguyên lần lượt được khôi phục với quy mô trung bình và nhỏ, tạo nên dấu ấn cho mới cho đô thị Việt Nam hiện đại. Trong khi ở miền Nam, Sài Gòn vẫn là đô thị chính, một số thành phố lớn và các khu vực có mục tiêu quân sự cũng được đầu tư phát triển.

Trong khi nhân dân ta đang nỗ lực xây dựng lại các vùng kinh tế, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc và điên cuồng đàn áp nhân dân miền Nam. Với dã tâm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá," cuộc chiến kéo dài 20 năm đã tàn phá cơ sở vật chất hạ tầng ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, khiến nỗ lực khôi phục kinh tế của ta càng thêm khó khăn chồng chất.

Đất nước thống nhất, nhân dân Việt Nam nhanh chóng bắt tay vào công cuộc phục hồi, xây dựng đất nước. Trong 10 năm đầu, tốc độ đô thị hóa vẫn diễn ra chậm do hậu quả chiến tranh và chính sách kinh tế chưa phù hợp.

Chính sách Đổi mới năm 1986 đã tác động mạnh mẽ đến bộ mặt xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo động lực hình thành và phát triển nhiều đô thị mới ở các miền Tổ quốc.

Vào đầu những năm 1990, Việt Nam đã có khoảng 500 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 18%. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta có bước tăng trưởng thực sự trong giai đoạn tiếp theo.

Từ sau năm 1999 đến nay, hệ thống đô thị Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực về cả lượng và chất. Nếu như năm 1999, cả nước có 629 đô thị thì tính đến năm 2019, cả nước có 833 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Còn lại là các đô thị loại 1 đến 5.

Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển của các vùng và trên cả nước.

Từ một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai với hơn 80% dân số sản xuất nông nghiệp và công nghiệp kém phát triển, đến nay hệ thống các đô thị trong nước đã và đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở có chất lượng cùng các công trình mang tầm vóc khu vực và quốc tế đã ra đời. Đô thị Việt Nam không chỉ làm thay đổi bộ mặt đời sống nhân dân, mà còn gắn kết với tăng trưởng kinh tế.

Khu vực đô thị hằng năm đóng góp khoảng 70% GDP của đất nước, là đầu tàu trong sản xuất giá trị công nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như các tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.


 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Các đô thị Việt Nam còn là điểm đến sáng giá trong việc giữ gìn và quảng bá không gian đô thị truyền thống, với những nét văn hóa đặc trưng của một quốc gia có bề dày lịch sử.

Đến với thủ đô Hà Nội hay phổ cổ Hội An, không ai có thể kìm lòng mà say mê những nét kiến trúc cổ kính đặc trưng, những sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, được lưu giữ nguyên vẹn nhất trong không gian đô thị đã luôn tấp nập từ hàng trăm năm trước.

Đảm bảo sự hòa quyện giữa truyền thống và đổi mới, giữa cổ kính và hiện đại càng làm tăng sức hấp dẫn của đô thị Việt Nam, nhưng cũng đặt ra cho các nhà quy hoạch đô thị nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Hiện nay, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển chưa tương xứng giữa số lượng, quy mô với chất lượng. Nhiều đồ án quy hoạch có tầm nhìn và giải pháp chưa phù hợp. Năng lực quản lý chưa theo kịp với thực tế phát triển.

Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Hầu hết các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh

Hiện có 2 khái niệm là đô thị xanh và đô thị tăng trưởng xanh. Đô thị xanh nhấn mạnh sự quan tâm đến tác động của đô thị tới môi trường. Còn đô thị tăng trưởng xanh theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) là đô thị tạo ra sự tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị làm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường cũng như tác động đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

Vấn đề phát triển đô thị tăng trưởng xanh được chú trọng với sự quan tâm đến việc tăng trưởng của đô thị có bền vững và giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, những mô hình phát triển kinh tế mà phải đánh đổi bằng việc hy sinh tài nguyên môi trường thì đó không phải là tăng trưởng xanh.

Tại các địa phương, đặc biệt là những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng... đã quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng đô thị theo định hướng tăng trưởng xanh. Một số đô thị đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu như Hải Phòng, Cần Thơ...

Các đô thị khác như: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ (Quảng Nam)… cũng nghiên cứu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Chính người dân có thể tham gia vào phát triển đô thị tăng trưởng xanh từ những việc rất nhỏ như thay đổi thói quen, lối sống, thay túi nylon bằng túi giấy, thay cốc nhựa bằng cốc giấy, sử dụng tiết kiệm điện, nước… Mỗi bên tham gia đều có vai trò riêng trong việc chuyển đổi định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Có thể nói, là một nước đang phát triển, nhiều hạ tầng đô thị của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vẫn có không ít những công trình kiến trúc hiện đại và hài hòa với truyền thống, đã và đang tạo động lực cho Việt Nam vươn lên, trở thành điểm sáng phát triển trong khu vực và không ngừng vươn xa thế giới.

Phát triển đô thị - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

 Quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn gắn liền với quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Sau hơn 30 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa có thể nhận biết thông qua các giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Giai đoạn 1986-1997, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam chưa nhanh, tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt khoảng 23% vào năm 1997. Ở giai đoạn 2000-2010, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn.

Năm 1999, Việt Nam có 629 đô thị, đến năm 2010 có 772 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 64 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V. Nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn.

Trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tạo cơ sở cho quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Tính đến tháng 12/2018, tổng số đô thị cả nước là 833 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38% tăng 0,9% so với năm 2017, đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dự báo năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt đến con số 40%.

Sự gia tăng của quá trình đô thị hóa trong năm 2018 đã giúp cho thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với năm 2017; tổng sản lượng ximăng tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2017, đạt 113 % kế hoạch năm.


 

Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)



Cùng với đó, hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, nhiều khu nhà ở có chất lượng, nhiều công trình tầm vóc khu vực và quốc tế.

Với những kết quả đó, đô thị đã khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế đô thị chiếm 70-80% tổng quy mô nền kinh tế. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, GRDP năm 2018 đạt 2.4 triệu tỷ, chiếm 40% GDP cả nước.

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, như hệ thống đô thị phát triển chưa tương xứng giữa số lượng, quy mô với chất lượng; nhiều đồ án quy hoạch có tầm nhìn và giải pháp chưa phù hợp; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; năng lực quản lý chưa theo kịp với thực tế phát triển.

Hầu hết các đô thị lớn trên địa bàn cả nước, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - cùng với lượng dân nhập cư ngày càng cao là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường.

Để đô thị phát triển bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Xây dựng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể là tổng kết đánh giá việc thực hiện Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nhằm giải quyết các bất cập của thực trạng và ứng phó có hiệu quả với các thách thức trong tương lai.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển đô thị nhằm phát huy lợi thế của những khu vực đô thị có mật độ kinh tế cao như các vùng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng...

Đồng thời, Bộ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoàn thiện và trình ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…


 

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)



Theo ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), trong tương lai Việt Nam cần chuyển đổi mô hình đô thị hóa và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn. Do vậy, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào "nền kinh tế tích tụ" và "liên kết vùng," qua đó giải quyết ba nhân tố thể chế quan trọng cho chuyển đổi gồm: phân bổ tài khóa và nguồn lực, đất đai và quy hoạch và dịch chuyển lao động.

Tiến sỹ Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện thúc đẩy đô thị hóa.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được nhầm lẫn rằng phát triển, mở rộng đô thị sẽ phát triển kinh tế vì phát triển kinh tế và đô thị phải luôn song hành với nhau. Phải định dạng vấn đề này trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và có giải pháp để giảm bớt chênh lệch giữa các vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời phải làm rõ mối quan hệ phát triển công nghiệp giữa các vùng khác nhau."

Các vấn đề hiện tại của quá trình đô thị hóa cũng như các thách thức tương lai ở Việt Nam đang đòi hỏi những giải pháp phù hợp với đặc thù của đất nước.

Giai đoạn từ nay đến khi Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa 50% là giai đoạn hết sức quan trọng. Khi đã có tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 50% trở lên đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập trung bình và có điều kiện bứt phá trong phát triển nền kinh tế và chuyển sang giai đoạn mới, có thu nhập cao tương đồng với khu vực. Đây là giai đoạn đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền các đô thị, sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu và nỗ lực của cộng đồng.

 

Theo Vietnam+
 

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.