Tân Thủ tướng Anh, Theresa May, là một người theo chủ nghĩa thực tế nên đã vượt qua những hỗn loạn trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit một cách bình yên vô sự. Bà mô tả bản thân là người sẽ đưa đất nước ra khỏi EU.
Tân Thủ tướng Anh Theresa May. |
Là lãnh đạo nữ thứ hai của nước Anh sau "bà đầm thép" Margaret Thatcher - một thành viên đảng Bảo thủ, cũng là người phản đối EU, bà May đã chính thức - nhưng không thực sự nhiệt tình - ủng hộ Anh ở lại với EU.
Theo AFP, bà May không gây nhiều chú ý trong suốt chiến dịch, và khi cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6 dẫn tới kết quả gây sốc là "rời EU", bà đã đặt chân bước vào khoảng trống chính trị mà ông David Cameron để lại sau quyết định từ chức.
Bà khẳng định: "Brexit nghĩa là Brexit".
Mặc dù đã đánh bại các đối thủ để giành được vị trí thủ tướng, bà May lại đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh khó khăn nhằm đoàn kết lại một đất nước và một chính đảng đã bị chia rẽ sâu sắc do cuộc trưng cầu dân ý.
Lãnh đạo cấp cao của đảng Bảo thủ, ông Kenneth Clarke đã gọi bà May là "một phụ nữ cứng rắn chết tiệt". Nhưng người phụ nữ 59 tuổi này cho biết đó chính là phẩm chất sẽ giúp bà đứng vững trong những trận chiến sắp tới.
"Người tiếp theo sẽ nhận ra điều đó là Jean-Claude Juncker", bà phát biểu trước các thành viên nghị viện và đề cập tới các cuộc đàm phán Brexit với chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Bà May là một người hâm mộ môn cricket, và những sở thích của bà bao gồm đi bộ và nấu ăn. Bà từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng bà có hơn 100 quyển sách dạy nấu ăn ở nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thanh của BBC, bà đã chọn bài hát "Dancing Queen" của nhóm ABBA là một trong những bài hát yêu thích.
Bà May cũng nổi tiếng với bộ sưu tập giày gót nhỏ cổ điển họa tiết da báo - một sự tương phản với những bộ váy trang trọng và thái độ điềm đạm của bà.
Nhưng nhìn chung, bà May hết sức kín tiếng về đời tư của mình, theo một cách rất bất thường với các chính trị gia hiện đại.
Bà Theresa May sinh năm 1956 tại thị trấn Eastbourne bên bờ biển miền nam nước Anh với tên khai sinh là Theresa Brasier.
Cha bà May, ông Hubert là một mục sư. Đây cũng là một trong những điểm khiến bà hay được so sánh với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bà theo học tại những trường công và trường tư ít tiếng, một sự trái ngược hoàn toàn với ông Cameron và nhiều lãnh đạo thuộc "vòng tròn Notting Hill" của ông - những người theo học tại các trường danh tiếng như Eton.
Cũng như ông Cameron, bà May đã ghi danh vào đại học Oxford, nhưng không thu hút sự chú ý về mình. Tại đây, bà đã gặp người sau này trở thành chồng mình - ông Philip, một chủ ngân hàng. Có tin cho rằng bà Benazir Bhutto, cố thủ tướng Pakistan bị ám sát là người đã mai mối cho hai người. Họ lấy nhau năm 1980, nhưng không thể có con.
Đối thủ của bà May là bà Andrea Leadsom đã rút khỏi cuộc chạy đua hai ngày sau khi có những bình luận cho rằng điều này sẽ khiến bà sẽ không đủ điều kiện để trở thành thủ tướng.
Bà May từng làm việc trong ngành tài chính ở Ngân hàng Anh trước khi được bầu làm nghị sĩ quốc hội đại diện thị trấn Maidenhead ở London năm 1997.
Là chủ tịch đảng Bảo thủ năm 2002, bà đã tạo ra nhiều làn sóng phản đối khi cho rằng đảng Bảo thủ được coi là "đảng khó chịu" và cần đại tu hình ảnh của họ - mặc dù sau đó dưới sự lãnh đạo của ông Cameron, đảng Bảo thủ đã làm như vậy.
Khi đảng Bảo thủ chiến thắng cuộc tổng tuyển cử năm 2010, bà May được bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Nội vụ, công việc khó khăn nhất trong chính phủ từng hủy hoại một chuỗi những sự nghiệp chính trị của các chính khách khác.
Nhưng bà May đã giữ chức vụ này được 6 năm - và là bộ trưởng nội vụ có thời gian tại vị lâu nhất từ năm 1892.
Những người ủng hộ nói rằng những thành tựu của bà bao gồm việc trục xuất giáo sĩ cực đoan Abu Qatada tới Jordan - nơi ông ta sau đó được thả tự do sau một thập kỷ xét xử các vụ án pháp lý - và đối đầu với Liên đoàn Cảnh sát, công đoàn quyền lực của các sĩ quan cảnh sát để giải quyết một chuỗi các vụ bê bối.
Năm 2013, bà May tiết lộ mình bị tiểu đường tuýp 1, nhưng khẳng định căn bệnh sẽ không ảnh hưởng đến sự nghiệp của bà và nói rằng đó chỉ là vấn đề "chấp nhận và sống tiếp cùng nó".
Mặc dù rất được kính trọng, nhưng bà May không phải thành viên của bất cứ hội nhóm nào ở điện Westminster. Bà không đi uống tại bất cứ quán bar nào thuộc quốc hội, cũng không "buôn chuyện về người khác trong bữa trưa".
Thay vào đó, một nguồn tin giấu tên thân cận với bà chia sẻ với hãng tin AFP rằng bà "chăm chỉ một cách phi thường".
"Bà ấy luôn dậy sớm trước những người khác 3 tiếng đồng hồ và biết nhiều gấp 5 lần so với bất cứ ai khác trong phòng", nguồn tin chia sẻ.
"Theresa sẽ không làm bất cứ điều gì cực đoan ... bà ấy cực kỳ không thích rủi ro, và là một người rất đáng tin cậy".
Theo TTXVN