Những công trình chăm lo cho thiếu nhi vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Từ kinh phí của Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam, những công trình mang tên “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Nhà nội trú cho em” đã được xây dựng và mang đến niềm vui cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Những công trình này càng thêm ý nghĩa khi được trao đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần động viên tinh thần, tiếp bước các em thiếu nhi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập.

Những “ngôi nhà hạnh phúc”

Hơn nửa tháng nay, em Đinh Huyền Châu (làng Chư Ré, thị trấn Kbang) cùng người thân trong gia đình vẫn chưa hết vui mừng khi được sống trong ngôi nhà xây vững chãi đúng thời điểm Tết đến xuân về. Trong ngôi nhà mới, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, Châu đã có một góc học tập nhỏ. Bà con dân làng mỗi khi ngang qua thường ghé thăm và chúc mừng gia đình có căn nhà mới.

Căn nhà cấp 4 kiên cố có diện tích sử dụng 42 m2 với tổng kinh phí xây dựng 80 triệu đồng do Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam hỗ trợ. Đoàn viên, thanh niên trong làng hỗ trợ ngày công. Tại lễ bàn giao, Châu vui mừng bày tỏ: “Gia đình em rất vui khi có căn nhà mới này, em đã có góc học tập cho riêng mình. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt”.

Huyện Đoàn Kbang trao bảng tượng trưng công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho em Đinh Huyền Châu. Ảnh: Phan Lài

Huyện Đoàn Kbang trao bảng tượng trưng công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho em Đinh Huyền Châu. Ảnh: Phan Lài

Châu hiện đang học lớp 5A2 (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thị trấn Kbang). Mồ côi bố từ nhỏ, thu nhập chỉ dựa vào vài sào đậu và lúa nên gia đình em thuộc diện khó khăn. Bởi vậy, em Đinh Huyền Diệu-chị ruột của Châu-sau khi học xong lớp 9 đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Căn nhà vách ván, mái lợp tôn xây dựng từ lâu đã hư hỏng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa hay làm lại.

Chính vì thế, khi được Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam, Tỉnh Đoàn và Huyện Đoàn Kbang hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, gia đình Châu đã rất vui mừng. Chị Đinh Mai-mẹ của Châu-xúc động chia sẻ: “Với nguồn thu nhập ít ỏi của mình, việc sửa lại căn nhà là điều không thể. Ngoài tặng nhà, Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam còn nhận nuôi dưỡng Châu đến 18 tuổi với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Nhờ sự hỗ trợ này, con mình có thêm điều kiện để tiếp tục học tập và tiến bộ”.

Tương tự, căn nhà mới rộng 42,5 m2 của gia đình em Ksor Ruyn (SN 2007, làng Yar, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) cũng kịp hoàn thành trước Tết. “Ngôi nhà hạnh phúc” trị giá 80 triệu đồng do Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam hỗ trợ được xây dựng gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ. Hoàn cảnh Ruyn hết sức đáng thương. Bố mất đã nhiều năm, mẹ làm thuê làm mướn nhưng không có việc làm thường xuyên. Khó khăn chồng chất, vì thế, Ruyn đã nghỉ học cách đây 2 năm để cùng anh trai cáng đáng chuyện gia đình, ai thuê gì làm nấy. Không có đất sản xuất nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh, chỉ đủ lo miếng ăn qua ngày, căn nhà cũ xập xệ đã lâu nhưng không có tiền sửa chữa.

Nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị, gia đình em Ruyn dọn vào ở căn nhà mới trước Tết Nguyên đán Quý Mão 3 ngày. Đứng trước căn nhà mới còn thơm mùi sơn, Ruyn không giấu nổi niềm vui: “Căn nhà là mơ ước lâu nay của gia đình em. Từ nay, gia đình em không phải lo mỗi khi mùa mưa tới. Được sự định hướng của các anh chị trong Đoàn xã, sắp tới, em sẽ đi học nghề để tương lai có việc làm ổn định, phụ giúp gia đình”.

Niềm vui trong “Nhà nội trú cho em”

Ngoài những “Ngôi nhà hạnh phúc”, dịp này, Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam phối hợp Huyện Đoàn Kbang đã trao tặng công trình “Nhà nội trú cho em” cho Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học-THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang).

Năm học 2022-2023, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học-THCS Krong có 231 học sinh; trong đó 139 học sinh người Bahnar ở nội trú. Vì đường xa nên phụ huynh thường chở các em đến trường vào sáng thứ hai và đón vào chiều thứ sáu. Dù được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhưng 6 phòng nội trú cho 139 học sinh trở nên chật chội, việc sinh hoạt cũng như học tập của các em bị ảnh hưởng khá nhiều.

Nhằm giúp các em học sinh nội trú có điều kiện ăn ở và học tập tốt hơn, Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ 450 triệu đồng để xây dựng công trình “Nhà nội trú cho em” gồm 3 phòng ở, diện tích 35 m2/phòng, mỗi phòng có đầy đủ công trình phụ khép kín. Sau hơn 2 tháng thi công, ngày 11-1, một khu nhà nội trú khang trang đã được bàn giao trong niềm vui của giáo viên và học sinh nhà trường.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học-THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) vui mừng khi được sống trong “Nhà nội trú cho em”. Ảnh: Phan Lài

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học-THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) vui mừng khi được sống trong “Nhà nội trú cho em”. Ảnh: Phan Lài

Chị Đỗ Thị Kim Hoa-Giám đốc Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam: Công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” và “Nhà nội trú cho em” được Trung tâm thực hiện trong nhiều năm qua, hướng đến đối tượng thiếu nhi ở các xã vùng sâu, vùng xa. Mỗi công trình không chỉ mang đến niềm vui cho thiếu nhi mà còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của tổ chức Đoàn-Hội với những mầm non tương lai của đất nước. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhiều “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Nhà nội trú cho em”, giúp thiếu nhi vùng khó thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Ngay sau lễ bàn giao công trình, 36 em học sinh đã được bố trí vào ở khu nhà nội trú mới. Em Đinh Thị Niu (lớp 3) bày tỏ: “Có nhà nội trú mới, chúng em có không gian sinh hoạt rộng rãi hơn. Em sẽ cố gắng bảo quản, giữ gìn đồ đạc nơi đây thật tốt để dùng được lâu hơn”.

Nhìn khu nội trú mới kiên cố, rộng rãi, thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ niềm vui: “Các em vào học nội trú đều được bố trí giường, chăn gối đầy đủ. Tuy nhiên, phòng ở do đông học sinh nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập và sinh hoạt. Nhà trường luôn động viên các em khắc phục khó khăn để cố gắng học tập. Bây giờ được thêm phòng ở mới, các em có nhiều không gian để sinh hoạt và tập trung vào học tập. Công trình ý nghĩa này đã góp phần cùng nhà trường duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Theo kế hoạch, trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam hỗ trợ kinh phí để Tỉnh Đoàn xây dựng 4 công trình “Nhà nội trú cho em” và 5 công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho các em học sinh dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn tỉnh. Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Sau khi được Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam hỗ trợ kinh phí, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn trong tỉnh khảo sát lựa chọn đối tượng thụ hưởng phù hợp. Đồng thời, phối hợp lựa chọn nhà thầu uy tín, thường xuyên đôn đốc để các công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng, thời gian. Những công trình không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là món quà lớn về tinh thần, tiếp bước các em thiếu nhi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập”.

Có thể bạn quan tâm

Trao đi những giọt máu hồng

Trao đi những giọt máu hồng

(GLO)- Ngày 5-4 tới, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức ngày hội hiến máu hưởng ứng Ngày toàn dân HMTN (7-4) với mục tiêu phấn đấu tiếp nhận tối thiểu 500 đơn vị máu an toàn.
Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.