Những câu thơ thời hậu chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trưa 30-4-1975, tôi đang đạp xe trên bờ đê xã Triệu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) thì nghe tiếng hét váng từ một ngôi nhà bên đường. Nhiều người hét theo. Dừng xe, thì ra Đài Tiếng nói Việt Nam đang đọc tin quân giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập.

Khi ấy, tôi học lớp 9 Trường Cấp III Hậu Lộc. Tôi dấn pê đan nhanh hơn để kịp về nhà thông báo cho ba. Nhưng tới nhà thì ba tôi nước mắt lưng tròng đang vừa vỗ vào cái đài vừa hét còn to hơn tôi.

Trước đấy, nhà tôi là nơi tụ tập của các bác, các chú tới uống nước nghe đài hàng đêm. Đơn giản vì nhà tôi là một trong số ít gia đình có đài trong xã và ba tôi người Huế, là người mong mỏi Bắc Nam một nhà hơn cả. Mờ mịt phía trong kia là quê nội tôi, mới chỉ nghe ba kể chứ tôi chưa hình dung nó ra sao.

Suốt từ đầu năm 1975, nhà tôi là trụ sở... nghe đài của các bác, các chú quê miền Nam tập kết và cả những người sở tại, là bộ đội xuất ngũ, đa phần là thương binh. Những bản tin chiến sự được nghe đi nghe lại, rồi sau đấy là bàn luận, là kể chuyện quê hương. Những cựu chiến binh ấy là những người thuyết minh thêm cho chiến thắng bằng chính những tháng ngày họ đã trải qua ở chiến trường.

Cuốn “Miền cháy” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ảnh nguồn internet

Cuốn “Miền cháy” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ảnh nguồn internet

Cuốn sách đầu tiên tôi đọc của các nhà văn miền Bắc viết về những ngày 30-4 là cuốn “Tiến vào Sài Gòn”, những ghi chép nóng hổi, những chuyện kể tươi rói, những chi tiết lần đầu biết, lần đầu nghe, dẫu sau này tôi mới phát hiện ra, nhiều chuyện được tưởng tượng, nhiều chi tiết phóng đại và cả những suy diễn ngây ngô, những ý nghĩ chưa tới... Nhưng, nó hừng hực, nhiệt huyết, lạ lẫm và mở ra một thế giới vừa bi tráng vừa quật cường.

Tôi hiểu thêm nửa kia đất nước cặn kẽ, tỉ mỉ hơn, sống động và gần sự thật hơn. Và như mọi con dân khác, tôi hạnh phúc, ngất ngây hạnh phúc vì đất nước từ đây liền một dải. Và ngay tháng sau, cha con tôi sẽ về quê, dẫu chưa có chính sách cho về thăm quê nhưng cha con tôi đã có cách và chúng tôi đã về được quê rất sớm.

Nửa kia đất nước có rất nhiều bà con, anh em của tôi, họ gọi ba tôi bằng cậu, bằng bác, bằng chú, bằng anh. Có người trên núi xuống, có người từ đồn ra, gặp nhau tưng bừng cái đã, vui mừng cái đã. Từ nay im tiếng súng, từ nay không còn thon thót lo bắn vào nhau.

Cô ruột tôi có con gái lấy một anh lính địa phương quân. Một đêm gác trong đồn ngủ mơ thế nào đấy, xách súng chạy và hô Việt cộng tấn công. Bị chính đồng đội bắn chết. Góa bụa nuôi con. Một người bạn của ba tôi nhưng ít tuổi hơn, bộ đội tập kết về, vợ chết. Thế là gá vào nhau và thành một gia đình hậu chiến.

Thế hệ tôi có nhiều người như thế. Có người đi bộ đội, có người không, nhưng họ đều tham gia vào cuộc chiến tranh, mỗi người mỗi kiểu, dẫu người bên này, người bên kia sông Bến Hải.

Năm 2007, Tạp chí Văn nghệ Quân đội in bài thơ “Tiếng vọng từ hai nghĩa trang” của nhà thơ Hương Đình. Một phía của chiến tranh, một hiện thực hậu chiến hiện ra từ cuộc nói chuyện của 2 người lính giờ nằm ở 2 nghĩa trang, chắc là gần nhau, nhưng gần xa có nghĩa lý gì đâu vì cõi ấy thời gian không gian toàn khoảnh khắc: “Anh này/ta không chọn được ngày và nơi để sinh ra/nhưng vì một ngày mai/có thể ta cùng giờ xanh cỏ/ta khác nhau đến từng viên đạn lẻ/nhưng không thể không giống nhau/khi yêu và nhớ mẹ”.

Tôi đã khóc khi đọc bài thơ này. Bài thơ chỉ những câu thoại của 2 người lính, từng khác nhau chiến tuyến, giờ như 2 người bạn, đêm đêm trò chuyện: “Anh nói đúng/đêm từng đêm mũi súng ngược về nhau/ngày về đất mình xuôi cùng một hướng/ấy là nơi mẹ ta thường ra ngóng/người yêu ta bật khóc trước sân chùa/nằm buồn nhớ mẹ ta xưa/nón mê cui cút chiều mưa tiếng gà”...

Một bài thơ nữa, cũng của Hương Đình, vẫn nỗi đau đè nặng, dẫu hôm nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua: “Ai biết mộ liệt sĩ ở đâu?/Có/những cánh rừng kia sẽ biết/hai nấm mộ vô danh/như hai quả trứng cỏ/một nửa đã chìm vào lòng đất/đau quá mẹ ơi/tự mình chúng con không thể nhấc lên được/nên hai nửa mà không thể thành một/mà thôi/dù sao đêm đêm chúng con cũng còn có nhau/cùng dế giun thầm thĩ dưới sao trời” (Những dòng tin nhắn).

Năm 1975, Hương Đình học lớp 9 hệ 12 năm ở Bình Định. Tôi học lớp 9 hệ 10 năm ở Thanh Hóa. Nhớ thời sinh viên văn khoa Huế, chúng tôi đã say mê đọc và cả tổ chức tọa đàm về cuốn “Miền cháy” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của dòng văn học cách mạng viết về một phía khác của chiến tranh, viết về nhân tính của người lính, viết về cái phần người thăm thẳm của những thân phận bị bắt buộc tham gia vào cuộc chiến. Những người phía bên kia hiện lên cụ thể hơn, sống động hơn, rõ rệt hơn... Và thì ra, họ cũng có đời sống như những người bình thường khác. Nhưng rồi, bị quẳng vào chiến tranh, với những mịt mù thân phận.

Những người bạn đồng lứa của chúng tôi, hơn nhau vài ba tuổi, mỗi người đi qua ngày 30-4-1975 một cách khác nhau. Người cầm súng, người đang cắp sách tới trường, người ra trường rồi mới cầm súng. Nhà thơ Phạm Đương tốt nghiệp đại học rồi mới cầm súng, anh là lính Tây Nam, góc nhìn cử nhân văn chương với chiến tranh nó thế này: “Con nhớ/Ngày ấy mẹ không khóc/Lúc tiễn con đi lính/Mẹ sợ con giẫm lên dấu chân anh Hai/Rồi mẹ vỡ nước mắt/Khi con về/Mẹ của chúng con chiến tranh và giông bão/Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành!” (Ngày đã chiêm bao).

Và tôi, một người cầm bút trong dòng chảy chung ấy, tháng 4 với tôi nó như thế này: “bao nhiêu dòng sông Việt/chở nước mắt ngược nguồn/cây gạo chiều bến lạnh/lập lòe một lưỡi dao/tháng tư tháng tư ấy/từng phận người tan ra/bao trái tim thành giấy/đốt nhau mùa than hoa” (Tháng tư tháng tư ấy). Và đây nữa: “có ai về tháng tư/xanh áo cỏ/nắng trưa mưa chiều/những chân trời ù gió/thổi như mành thưa/những chàng trai nước Việt/như vừa hai mươi/Trường Sơn xanh vừa dấu hỏi” (Ba mươi này tháng tư).

Những người cầm bút thế hệ tôi, sinh ra trong chiến tranh, lớn lên cùng chiến tranh, viết về cuộc chiến tranh đã qua vẫn với tâm thế của người trong cuộc, nhưng đã có dịp lùi xa, đã nhìn rõ từ nhiều phía, viết với tâm thế để không còn chiến tranh, tâm thế quý giá từng phút giây hòa bình, với tâm thế đất nước luôn là một dải.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.