Nếu không có những nhà văn như Svetlana Alexievich thì họ sẽ mãi trở thành những bóng hình xa lạ nằm ở bên lề lịch sử.
Trong vòng 10 năm của cuộc chiến Afghanistan (1979-1989) đối với nhiều người, nó đã để lại vết thương chiến tranh ám ảnh tâm lý suốt phần đời còn lại. Svetlana Alexievich lần nữa đã dùng ngòi bút của mình để nói thay những người bị chìm khuất trong lịch sử bằng tác phẩm "Những cậu bé kẽm" (Phan Xuân Loan dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020).
Trung thành với sự thật
"Những cậu bé kẽm" mang cấu trúc của những tác phẩm trước đó của Svetlana Alexievich. Bà vẫn trung thành với sự thật, với những nhân chứng của mình mà trong tác phẩm này là những người lính, những thiếu niên tự nguyện hay bị đẩy vào cuộc chiến, mơ hồ về mục đích. Nhưng không phải ai cũng mong muốn thoát ra khỏi cuộc chiến, kể cả nó làm họ tổn thương thế nào đi nữa.
Cuộc chiến tranh này đã vắng bóng anh hùng, chỉ còn là những nạn nhân mang thân phận người lính. Đó còn là những bà mẹ vĩnh viễn mất đi đứa con của mình. Những bà mẹ từng là chứng nhân của cuộc chiến tranh vệ quốc trong Đệ nhị Thế chiến và giờ đây họ lại phải chứng kiến một cuộc chiến khác từ xa nhưng bỗng trở nên mật thiết bởi nó đang dần cướp đi những người thân yêu của họ.
Đó là người mẹ đập tay vào quan tài con than khóc: "Mặt trời bé nhỏ của mẹ! Mặt trời bé nhỏ của mẹ!". Đứa con nhỏ bé, đứa con mà theo bà chỉ là một đứa trẻ. Trong cuốn sách này, những tiếng khóc như thế trở thành thường trực. Những giọt nước mắt rơi trên chiếc quan tài kẽm đặc trưng để chở xác những người lính tử trận ở Afghanistan.
Tác phẩm “Những cậu bé kẽm” |
Những thân phận có cảm xúc
Mỗi khi viết một tác phẩm mới, Svetlana Alexievich thường phỏng vấn hàng trăm nhân chứng. Nhưng cả khi tưởng chừng công việc đã dần quen thuộc đối với bà, ta vẫn có cảm giác viết lại những lời chứng này luôn là điều khó khăn.
Một thượng úy, chỉ huy pháo đội đã nói với Svetlana Alexievich: "Sự thật à? Chỉ có kẻ cùng đường mới kể cho bà toàn bộ sự thật. Chỉ có kẻ bế tắc tuyệt đối mới nói với bà tất cả". Nhà văn đi tìm sự thật ở những con người "bế tắc tuyệt đối" đó, để tiếng nói của họ được bật lên trong tiếng vọng của lịch sử chiến tranh. Svetlana Alexievich đã trả về cho cái lịch sử xơ cứng những con người, thân phận có cảm xúc chứ không phải một nhân dạng chung chung, một tiếng nói đồng nhất.
Svetlana Alexievich duy trì được sự cân bằng giữa những tư liệu với cảm xúc văn chương. Những liên hệ của bà đến những tác phẩm văn chương khiến tác phẩm được mở rộng ra, không còn chỉ là những câu chuyện của những thanh niên mười tám, đôi mươi kết thúc đời mình trong chiếc quan tài kẽm trở thành "hàng vận chuyển 200". Nhà văn không cố trở thành kẻ rao giảng đạo đức, không phải là kẻ truy tìm những bí mật chính trị hay muốn trở thành sử gia. Lịch sử của bà là lịch sử của cảm xúc, những thứ thường được xem nhẹ hay thậm chí bị tước đi trong chiến tranh.
Các câu chuyện trong "Những cậu bé kẽm" có muôn hình vạn trạng, hàng trăm ký ức, cảm xúc nhưng tựu trung vẫn là những tự sự thiếu vắng người nghe, nếu không có những nhà văn như Svetlana Alexievich thì họ sẽ mãi trở thành những bóng hình xa lạ nằm ở rìa của lịch sử.
Dĩ nhiên, việc của nhà văn không chỉ đơn giản là lắng nghe và ghi chép. Bà trở thành một vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc được hợp thành từ những giọng nói. Có đoạn giao đãi, có cao trào và có những khoảng lặng cần thiết.
Càng đọc nhiều tác phẩm của Svetlana Alexievich càng thấy rằng sự hiện diện của những nhà văn như bà trong thế giới đương đại của chúng ta là điều quan trọng. Chính những ngòi bút như Svetlana Alexievich đã khiến cho những vấn đề được xem là bên lề kia được chú ý.
Nhà văn - nhà báo Belarus đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich là nhà văn - nhà báo người Belarus, từng đoạt giải Nobel văn chương năm 2015. Nhiều tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ", "Lời nguyện cầu Chernobyl", "Những nhân chứng cuối cùng" và nay là "Những cậu bé kẽm". Bà được xem là người kế thừa xuất sắc của nhà báo Ba Lan, Ryszard Kapuściński (1932-2007), khi đã thổi vào những tác phẩm báo chí nhiều cảm xúc văn chương và khiến độc giả cuốn hút không rời. |
Theo Huỳnh Trọng Khang (NLĐO)