Nhiều sản phẩm làm đẹp từ... dã quỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến với lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, cùng với đặc sản địa phương, du khách vô cùng ngạc nhiên, thích thú trước các sản phẩm được làm từ cây và hoa dã quỳ. Còn gì thú vị hơn khi biết rằng loài hoa dại này có thể trở thành mỹ phẩm chăm sóc da rất hiệu quả.
Những sản phẩm làm từ dã quỳ được đặt khiêm tốn trên một chiếc kệ gỗ nhỏ tại gian hàng của Phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh). Tác giả của những sản phẩm ấy là Thạc sĩ Đỗ Thị Xuân Hương-giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đak Đoa). Nói về ý tưởng biến loài cây hoang dại thành sản phẩm hữu ích, chị Hương chia sẻ: “Dân gian vẫn thường sử dụng thân cây, lá dã quỳ tươi để nấu nước tắm cho trẻ em trị mụn nhọt, rôm sảy, các bệnh ngoài da. Thế nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ gây tác dụng ngược do trong cây dã quỳ có nhiều chất bất lợi cho miễn dịch. Từ đó, tôi mong muốn tìm cách chiết tách để loại bỏ thành phần có hại, thêm thành phần có lợi khác để tạo nên những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài, tốt cho sức khỏe”.
Sản phẩm từ cây dã quỳ của Thạc sĩ Đỗ Thị Xuân Hương được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: P.V
Sản phẩm từ cây dã quỳ của Thạc sĩ Đỗ Thị Xuân Hương được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: P.V
Phải mất khoảng 1 năm cùng với học trò nghiên cứu, thử nghiệm, thêm 3 năm vừa sản xuất vừa hoàn thiện chất lượng, sản phẩm đầu tiên của cô trò là xà phòng thảo dược được chiết xuất từ hoa và lá dã quỳ. Ngoài ra, chị Hương còn tìm cách chiết, cất để làm thành nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da. Hiện tại, chị đang có các dòng sản phẩm có thành phần chính lấy từ dã quỳ như: xà phòng cục thảo dược, kem trị mụn, kem dưỡng da, kem trị nám, rượu đa năng (có thể dùng làm sữa rửa mặt, kem dưỡng da, ngăn ngừa mụn, hỗ trợ trị nám…). Hầu hết các sản phẩm được chiết xuất, cô đặc từ lá cây dã quỳ và thêm một số thành phần khác như: dầu dừa, dầu bơ, dầu mè, dầu olive… Riêng hoa dã quỳ sẽ được chưng cất thành tinh dầu bổ sung thêm công dụng cho các sản phẩm. Vì tất cả đều là các sản phẩm thảo dược làm đẹp nên chị Hương rất kỹ càng trong khâu kiểm định độ kích ứng da cũng như các kim loại nặng như chì, thủy ngân... Hiện chị Hương cũng đăng ký kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm tại Sở Khoa học và Công nghệ và đăng ký sở hữu trí tuệ cho các dòng sản phẩm của mình.
Sau 4 năm khơi nguồn ý tưởng, sản phẩm dưỡng da của chị Hương đã dần tạo được uy tín trên thị trường nhờ quảng bá thông qua mạng xã hội và hệ thống cộng tác viên ở khắp nơi. Đến nay, lượng khách hàng ngày càng tăng, sản phẩm tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành. Đến tham quan lễ hội, chị Nguyễn Thanh Phương (xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) thích thú khi được tận mắt nhìn thấy các sản phẩm dưỡng da được làm từ loài cây dại ở vùng đất đỏ. Chị Phương bày tỏ: “Tôi cũng đã từng nghe nhiều đến công dụng của các sản phẩm từ cây và hoa dã quỳ của chị Hương. Bạn tôi cũng đã dùng sản phẩm trị mụn và thấy rất hiệu quả, da bớt mụn và mịn màng hơn. Hôm nay, tôi cũng mua xà phòng thảo dược về dùng thử. Tôi thấy rất thú vị khi cây hoa dã quỳ có thể làm nên các sản phẩm dưỡng da như vậy”.
Chị Hương cho biết: Sắp tới, chị sẽ cải tiến chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm khác từ cây dã quỳ. “Hiện tại, nguyên liệu dã quỳ là điều không phải lo, cây lại mọc tự nhiên, không bị phun thuốc hóa học, giàu dưỡng chất. Tuy nhiên, do các sản phẩm đều sản xuất bằng phương pháp thủ công nên giá thành vẫn còn khá cao. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm cách giảm giá thành để phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng”-chị Hương cho biết thêm.
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.