(GLO)- Các gian hàng khởi nghiệp, sân chơi “Học sinh, sinh viên nói không với tệ nạn xã hội”… là những hoạt động vừa được tổ chức tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, thu hút đông đảo sinh viên hào hứng tham gia. Đây không chỉ là nơi giao lưu, tạo niềm hứng khởi sau những giờ học căng thẳng mà còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động nhóm, thực hành kỹ năng khởi nghiệp…
Chương trình chỉ diễn ra trong ngày 9-1 nhưng được sự chuẩn bị chu đáo từ ban lãnh đạo các phòng, khoa và triển khai kỹ lưỡng đến từng sinh viên. Theo đó, các khoa đều hỗ trợ sinh viên tổ chức các gian hàng khởi nghiệp mang đặc trưng của ngành nghề mình. Thạc sĩ Trần Cao Quỳnh Ly-giảng viên nghề Bảo vệ thực vật (Khoa Nông nghiệp)cho biết: “Gian hàng của khoa bán các sản phẩm như giá đỗ, khoai lang, nấm, các loại rau… Đây là sản phẩm do sinh viên chăm sóc trong khu thực hành của nhà trường và ứng dụng công nghệ sinh học nên đặc biệt an toàn. Như khoai lang Lệ Cần, thầy và trò đến tận nơi lấy giống về cấy ghép nên khoai có vị rất đặc biệt. Đang bán thì hết hàng, phải cho sinh viên về đào thêm. Ai cũng mệt nhưng vui, đặc biệt là các em sinh viên rất hào hứng”.
Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai thường xuyên tổ chức các sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên. Ảnh: T.N.Đ |
Ở bàn bên cạnh là dãy hàng của sinh viên nghề Công tác xã hội (Khoa Nông nghiệp). Em Puih HSen-sinh viên lớp Cao đẳng Công tác xã hội 2018B-vui vẻ trò chuyện: “Tụi em bán cơm lam ăn kèm với muối kiến, một món đặc trưng của người Jrai. Em làm thủ quỹ nên nắm được số tiền lãi đến giờ đã là 580.000 đồng, thích nhất là ai cũng khen ngon. Phía bên kia các bạn bán me với muối ớt, me hái từ làng lên, bán cho mọi người về làm mứt Tết. Bên đó không mất vốn nên lời nhiều lắm!”. Vừa kể chuyện, HSen vừa thoăn thoắt đếm tiền, trả lại tiền thừa cho khách là… đồng môn ở các khoa khác. Gần đó là những món ăn vặt như chè, bánh tiêu, xôi chiên, trà sữa… được chế biến bởi các bạn sinh viên Khoa Hướng nghiệp với mùi thơm hấp dẫn và những lời tiếp thị, quảng cáo đậm chất sinh viên, vừa tếu táo gây cười vừa khiến các khách hàng tiềm năng không khỏi tò mò.
Trong khi đó, một gian hàng miễn phí cũng được bố trí ở vị trí dễ nhìn, đó là gian hàng đồ cũ với tên gọi “Ai cần thì lấy”. Đó là những sản phẩm đã qua sử dụng được các bạn học sinh, sinh viên và giáo viên trong trường quyên góp để hỗ trợ những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Với hơn 50% học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại trường, trong những ngày cuối năm trở lạnh, những tấm áo nghĩa tình được chia sẻ, trao tặng càng thêm ý nghĩa.
Sau khi phiên chợ kết thúc, các sinh viên được tham gia vào sân chơi “Học sinh, sinh viên nói không với tệ nạn xã hội”. Những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, sự cổ vũ hò reo của gần 1.000 khán giả khiến cho không khí hội trường thêm phần sôi động. Nhiều tiểu phẩm cũng “ghi điểm” khi xây dựng được những tình huống khiến khán giả cười ngặt nghẽo, nhưng cũng có những phân đoạn khiến người xem rơm rớm nước mắt trước tình cảnh tuổi trẻ không may vướng vào tệ nạn xã hội khiến học hành dở dang, tương lai đứt đoạn. Thạc sĩ Trương Thị Hằng-Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai-cho biết: “Nhà trường luôn có chủ trương tạo nhiều sân chơi cho học sinh, sinh viên để các em học đi đôi với hành, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống. Trong thời gian tới, các hoạt động này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để giúp các em định hướng nghề nghiệp, tránh xa các tệ nạn xã hội, tích lũy tri thức để lập thân, lập nghiệp và cống hiến cho xã hội”.
Gắn đào tạo với môi trường thực tế là một định hướng trong chiến lược phát triển của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Chính vì vậy, những sân chơi do nhà trường tổ chức ngày càng thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó các em được tham gia các hoạt động tập thể, kết nối yêu thương, chia sẻ những áp lực trong học tập, thi cử cũng như niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống xa gia đình. Đặc biệt, hiện nay, khi các tệ nạn xã hội đã len lỏi đến mọi ngóc ngách của xã hội, việc thu hút học sinh, sinh viên tham gia vào các phong trào lành mạnh sẽ giúp các em định hướng tư tưởng, tránh sa chân vào tệ nạn xã hội.
Tạ Ngọc Điệp