Nhiều hộ dân ở Chư Pưh bức xúc vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dù canh tác ổn định trong thời gian dài và không có tranh chấp nhưng khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) mới tá hỏa vì diện tích ghi trên trích lục không đúng với thực tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cơ quan liên quan thiếu trách nhiệm trong việc đo đạc, xác định ranh giới đất. Tuy nhiên, huyện Chư Pưh lại chậm giải quyết, khắc phục thỏa đáng, gây tâm lý bức xúc cho người dân.

Cấp giấy CNQSDĐ không đúng hiện trạng

Hơn 1 năm qua, ông Trần Quốc Tuấn (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) phải chạy đi chạy lại để kiến nghị với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cấp giấy CNQSDĐ đúng với thực tế cho gia đình. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn chưa được các cơ quan liên quan giải quyết. Ông Tuấn cho biết: Đất gia đình tôi canh tác ổn định từ năm 1981 đến nay với tổng diện tích hơn 7 sào ở thôn Hòa Tín (thị trấn Nhơn Hòa), không có tranh chấp với các hộ giáp ranh. Thậm chí, để phân ranh giới rõ ràng, năm 2012, tôi đã bỏ ra hàng chục triệu đồng múc mương xung quanh phần đất của gia đình. Tuy nhiên, không hiểu tại sao năm 2016, huyện tiến hành đo đạc cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ người dân tộc thiểu số xung quanh thì lại cấp chồng lên đất của gia đình tôi. Đến khi tôi đi làm giấy CNQSDĐ mới phát hiện diện tích trên trích lục tại Tờ bản đồ số 82 chỉ còn hơn 5,7 sào, mất hơn 1,3 sào so với diện tích thực tế. Qua tìm hiểu, tôi được biết, phần diện tích còn thiếu hiện đang bị cấp chồng trên giấy CNQSDĐ của các ông: Rmah Soon, Nay Vơn và Ksor Phong (cùng trú tại làng Briêng, xã Ia Phang). “Để điều chỉnh lại diện tích đúng thực tế, tôi đã nhiều lần đến nhà các hộ dân mượn giấy CNQSDĐ nhưng đến nay chỉ có 1 hộ đồng ý, các hộ còn lại không hợp tác. Sự việc kéo dài cả năm nay nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong xử lý dù gia đình tôi đã rất nhiều lần kiến nghị”-ông Tuấn bức xúc.

 Gần chục năm nay, bà Nguyễn Thị Sách (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền của huyện Chư Pưh nhưng vẫn chưa được cấp lại giấy CNQSDĐ theo đúng diện tích thực tế. Ảnh: Quang Tấn
Gần chục năm nay, bà Nguyễn Thị Sách (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền của huyện Chư Pưh nhưng vẫn chưa được cấp lại giấy CNQSDĐ theo đúng diện tích thực tế. Ảnh: Quang Tấn


Trường hợp anh Trần Văn Hạnh (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) càng éo le hơn khi toàn bộ hơn 7 sào đất trồng hồ tiêu và cây ăn quả của gia đình đã bị cấp chồng lên giấy CNQSDĐ của ông Lê Quang Nghĩa (xã Ia Le). Anh Hạnh cho biết: Tôi nhận sang nhượng lại (có giấy viết tay) và canh tác ổn định 3 năm nay, không tranh chấp. Năm 2020, tôi đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện làm giấy CNQSDĐ, sau quá trình đo đạc, trích lục thì phát hiện toàn bộ diện tích đất của gia đình đã được cấp chồng lên giấy CNQSDĐ của ông Nghĩa. Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện đã hướng dẫn tôi đến nhà ông Nghĩa thương lượng, mượn lại CNQSDĐ để tiến hành tách thửa, cấp lại CNQSDĐ. Tôi đã nhiều lần đến nhà ông Nghĩa nhưng ông này không đồng ý cho mượn giấy CNQSDĐ. “Tôi không hiểu tại sao một diện tích lớn như vậy mà ngành chức năng lại cấp nhầm toàn bộ lên giấy CNQSDĐ của người khác như vậy? Tôi phải chạy ngược chạy xuôi cả năm nay vẫn không làm được giấy CNQSDĐ. Tôi mong muốn ngành chức năng, chính quyền địa phương trách nhiệm hơn, nhất là làm việc với ông Nghĩa để thu hồi và cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình tôi”-anh Hạnh đề nghị.  

Tương tự, gần chục năm nay, bà Nguyễn Thị Sách (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền của huyện Chư Pưh cấp lại giấy CNQSDĐ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo bà Sách, năm 2008, bà mua hơn 1,1 ha đất của hộ ông Trần Quang Điểm (thôn Hòa Phú, thị trấn Nhơn Hòa). Sau đó, bà đã đi làm giấy CNQSDĐ. Từ đó đến nay, gia đình bà canh tác ổn định trên diện tích này, không có tranh chấp với các hộ giáp ranh. Nhưng sau đó, bà phát hiện diện tích trên giấy CNQSDĐ chỉ còn 9 sào nên đã làm đơn kiến nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xem xét cấp lại theo đúng diện tích thực tế. Bà Sách nói trong bức xúc: “Tôi đã nộp lại giấy CNQSDĐ cấp sai cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, các hộ giáp ranh đã ký xác nhận và chủ đất cũ cũng đến cơ quan chức năng xác nhận điều này. Nhưng không biết vì lý do gì mà huyện chưa cấp lại giấy CNQSDĐ cho gia đình tôi?”.

Cần nhanh chóng giải quyết cho người dân

Trao đổi về trường hợp của ông Trần Quốc Tuấn, ông Nguyễn Khắc Thông-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng-Môi trường thị trấn Nhơn Hòa-cho hay: “Trước đây, do cây cối rậm rạp, địa hình đồi dốc nên quá trình đo đạc thực tế của đơn vị đo đạc bị sai lệch và việc xét duyệt hồ sơ của cán bộ địa chính không xác định ranh giới dẫn đến cấp chồng. Trách nhiệm là phải làm lại cho dân nhưng do 3 hộ dân trên từ địa phương khác sang xâm canh nên quá trình xác minh gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi cũng đã cùng với ông Tuấn xuống tận nhà các hộ dân để thu hồi giấy CNQSDĐ, trích lục để cấp lại nhưng vẫn còn 2 hộ chưa đồng thuận”.

 Gia đình ông Tuấn mong muốn chính quyền các cấp nhanh chóng giải quyết, cấp giấy CNQSD đất theo đúng diện tích thực tế. Ảnh: Quang Tấn
Gia đình ông Tuấn mong muốn chính quyền các cấp nhanh chóng giải quyết, cấp giấy CNQSD đất theo đúng diện tích thực tế. Ảnh: Quang Tấn


Còn ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa-thông tin: Ngay khi nhận được đơn kiến nghị của hộ ông Tuấn, UBND thị trấn đã tiến hành kiểm tra thực tế thì xác định là đúng như vậy. Đồng thời, UBND thị trấn cũng đã phối hợp đến nhà 3 hộ dân để thu hồi giấy CNQSDĐ nhằm cấp lại theo đúng diện tích thực tế. Dù thị trấn đã nói rõ việc thu hồi, cấp lại giấy CNQSDĐ không ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác thực tế và tài chính nhưng vẫn còn 2 hộ dân chưa đồng ý giao lại giấy CNQSDĐ. Sắp tới, thị trấn sẽ làm việc với UBND xã Ia Phang để mời 2 hộ dân còn lại lên làm việc nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, từ đầu năm đến nay, Phòng đã tiếp nhận 32 trường hợp người dân đề nghị thu hồi, cấp lại giấy CNQSDĐ không đúng hiện trạng sử dụng. Phòng đã tham mưu UBND huyện xử lý được 24 trường hợp, còn lại 8 trường hợp đang tham mưu giải quyết. Nguyên nhân dẫn đến việc cấp sai, cấp chồng giấy CNQSDĐ chủ yếu do quá trình sử dụng đất, các hộ dân tự ý mở đường nội đồng để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, các hộ dân không liên hệ với các cơ quan chức năng để cập nhật, chỉnh lý biến động giấy CNQSDĐ theo quy định. Cùng với đó, trước đây, quá trình đo đạc theo Hệ tọa độ HN-72, nhưng hiện nay tất cả bản đồ địa chính được lập theo Hệ tọa độ VN-2000, vì vậy, khi đối chiếu với thực tế sẽ có sự chênh lệch về hình thể, kích thước nhất định. Bên cạnh đó, nhiều người dân trên địa bàn có tập quán xâm canh, không thường xuyên có mặt tại vị trí có đất, vì vậy quá trình dẫn cán bộ trực tiếp đi đo đạc còn bất cập, hạn chế dẫn đến sai sót khi xác định ranh giới thửa đất.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Việc khắc phục, cấp lại giấy CNQSDĐ cho người dân không có gì vướng cả, chủ yếu là do quy trình. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương rà soát lại việc cấp sai, cấp chồng, cấp lấn để chấn chỉnh, xử lý, không để kéo dài. Tuy nhiên, khắc phục vấn đề này mất nhiều thời gian, phải đi xác minh xem có đúng như người dân phản ánh hay không, có ai tranh chấp gì không rồi mới ra quyết định thu hồi, hướng dẫn kê khai, cấp lại giấy CNQSDĐ mới theo vị trí người dân sản xuất.  

 

 QUANG TẤN

 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.