Nhiều dự án lớn ở Đắk Nông vướng công tác giải phóng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều công trình đầu tư về điện, dân dụng, giao thông, thủy lợi... có quy mô lớn ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện dự án.
 
Một số dự án ở tỉnh Đắk Nông đang vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Một số dự án ở tỉnh Đắk Nông đang vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Vướng mắc giải phóng mặt bằng
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đang tổ chức thực hiện 36 dự án với số tiền đầu tư hơn 900 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều dự án đang vướng công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư công trình. 
Đơn cử như dự án Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục còn lại của dự án Hồ Gia Nghĩa có tổng mức đầu tư là 242.146 tỉ đồng. Năm 2022, số vốn bố trí cho dự án này là 31.5 tỉ đồng. 
Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm này, dự án Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục còn lại của dự án Hồ Gia Nghĩa còn 41 hộ chưa bàn giao mặt bằng. 
Trong đó, phần diện tích thuộc dự án Cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa còn 27 hộ/2,08ha chưa bàn giao mặt bằng.
Cụ thể, hồ Thượng 2 hộ; hồ Hạ 2 hộ; kè phía Tây - hồ Trung tâm 12 hộ; kè bờ hồ 1 hộ; kè phía đông - hồ Trung tâm 2 hộ; lòng hồ Trung tâm (khu 1,6ha) 6 hộ; khu tái định cư đồi Đắk Nur 2 hộ.
Riêng đối với dự án Hồ Gia Nghĩa, đến nay, còn 14 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Đơn cử như đường vành đai bảo vệ ven hồ từ cầu Đắk Nông đến cầu bà Thống 6 hộ; đường kết nối từ hồ Trung tâm với các khu vực xung quanh (Đường K2) 3 hộ; kè phía đông - hồ Trung tâm 5 hộ.
Trước đó, tại Công văn (số 1158/UBND-KT ngày 14.3.2022), UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo UBND thành phố Gia Nghĩa khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 30.6.2022.
Tuy nhiên, đến nay, UBND thành phố Gia Nghĩa vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng để đơn vị tổ chức thi công. 
Tương tự, dự án Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa có tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 212 hộ. Các hạng mục chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bao gồm: Bãi đậu xe, đường hoa theo chủ đề...
Hiện nay, UBND thành phố Gia Nghĩa mới thực hiện phần lõi của Quảng trường với số hộ và tổ chức bị ảnh hưởng là 111 hộ. Trong đó, số hộ đã nhận tiền là 61 hộ, số hộ đã tháo dỡ bàn giao mặt bằng là 58 hộ, số hộ chưa bàn giao mặt bằng là 53 hộ.
Ngoài các dự án nêu trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn có nhiều dự án khác vướng mặt bằng bao gồm: Dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng; Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh Đắk Nông; Hạ tầng kết nối khu vực Đắk Nur; 
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh; Cấp điện nông thôn từ điện lưới Quốc gia tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020; Cải tạo, nâng cấp, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi thu gom rác huyện Đắk R’lấp; Hồ chứa nước Đắk N'Ting, tỉnh Đắk Nông. 
Giải pháp tháo gỡ
Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, đối với Dự án hồ Gia Nghĩa, trường hợp đến tháng 9.2022 vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công thì đơn vị sẽ phải đề xuất điều chuyển số vốn đã bố trí cho dự án để đảm bảo công tác giải ngân vốn.
Đối với dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới Quốc gia tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020 còn vướng mặt bằng, không thể hoàn thành theo đúng tiến độ dự án. Tuy nhiên, đây là yếu tố khách quan nên Ban Quản lý dự án kính đề nghị UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và thực hiện các gói thầu.
Trước thực tế nhiều công trình đang vướng công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan... tuyên truyền, vận động, thuyết phục, trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân. Qua đó, để người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng. Biện pháp mạnh hơn là phải thực hiện công tác cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
"Chỉ khi được bàn giao mặt bằng thì đơn vị mới triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của dự án"- Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết. 
Theo Phan Tuấn (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.