Nhiếp ảnh gia Hà Tường: Mỗi bức ảnh là thành quả lao động nghệ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối tháng 2-2020, nhiếp ảnh gia Hà Tường cùng lúc tổ chức triển lãm Những người muôn năm cũ và ra mắt cuốn sách cùng tên. Người xem đã ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng những khung ảnh đen trắng hết sức đời thường, giản dị về những con người tài hoa, tiêu biểu ở các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, khoa học… như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Trịnh Công Sơn, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, Võ An Ninh… 
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với nhà nhiếp ảnh đang nắm giữ kho tư liệu hình ảnh khổng lồ này.
- PHÓNG VIÊN: So về tuổi tác, rõ ràng có một sự chênh lệch thế hệ khá lớn giữa ông và các nhân vật. Làm thế nào để ông có thể nhận được cái gật đầu đồng ý của những văn nghệ sĩ từng nổi tiếng kỹ tính thời ấy?
- Phần lớn ảnh mà tôi chụp và giới thiệu lần này đều là kết quả của một quá trình quan hệ bắc cầu, được những người bạn giới thiệu qua lại. Khi muốn chụp ảnh các nghệ sĩ, tôi thường được người khác giới thiệu từ trước, sau đó qua cuộc trò chuyện, gặp gỡ mà được họ quý mến, đồng ý cho chụp.
Ví dụ như lần gặp cụ Nguyễn Tuân, tôi được họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Sáng giới thiệu, nhưng tự mình vẫn phải đọc sách, nghiên cứu về các tác phẩm như Chém treo ngành, Chén trà trong sương sớm, Chùa Đàn mới nói chuyện được với cụ Nguyễn Tuân. 
 Nhiếp ảnh gia Hà Tường với kho ảnh khổng lồ được lưu giữ hàng chục năm
Nhiếp ảnh gia Hà Tường với kho ảnh khổng lồ được lưu giữ hàng chục năm
- Nhà văn Nguyễn Tuân có phải là người khó tiếp cận nhất?
- Cụ Nguyễn Tuân quả là một nhân vật kỹ tính. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu đến nhà gặp nhà văn Nguyễn Tuân. Dù đã được giới thiệu, nhưng đến nhà cụ, tôi vẫn chưa được cho chụp hình ngay. Chỉ vào 2 bức hình Albert Einstein và Konstantin Mikhailovich Simonov, cụ hỏi tôi: Anh có biết đó là ai không?
Tôi nói: Thưa cụ, 2 ông này cháu biết. Một người là nhà khoa học tìm ra thuyết tương đối, còn một người thì cháu chỉ biết là nhà thơ người Nga và có bài thơ mà Tố Hữu đã dịch sang tiếng Việt, trong đó có câu: “Anh ơi đợi em về/ Đợi anh hoài em nhé…”.
Nghe xong cụ bảo: Họ đều là người Do Thái cả. Tôi thích thuyết tương đối của Einstein, cuộc đời chỉ là tương đối, nên tôi treo ảnh Einstein... Câu chuyện cứ dần dà như vậy đến cuối buổi, cụ quay sang nói: “Cậu chụp đi!”.
Những bức ảnh đầu tiên với nhà văn Nguyễn Tuân là như vậy. Tôi còn nhớ, trong ảnh đó, cụ Nguyễn Tuân cầm tẩu hút thuốc, nhả một hơi khói nhè nhẹ, phía sau là bạn cụ - nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Khi ấy, sức khỏe nhà văn Nguyễn Tuân cũng bắt đầu yếu. 
- Những người thân quen nói rằng, sở dĩ có được kho tư liệu tuyệt vời này chính bởi nhờ ông chụp ảnh vì đam mê?
- Ngày ấy, chụp ảnh là một sự xa xỉ. Giá máy ảnh đã đắt mà phim cũng không rẻ. Sau khi chụp thì tôi cũng chưa chắc có tiền làm ảnh. Cứ bấm một kiểu là phải suy nghĩ rất nhiều, nhưng làm nghề nhiều lúc hào hứng, tôi vẫn phải chuẩn bị nhiều cuộn phim để cứ có khoảnh khắc ưng ý là chụp. Điều kiện ngày nay hoàn toàn khác trước đây, mọi người dùng máy ảnh kỹ thuật số, chụp ảnh thấy không đẹp là có thể xóa đi chụp lại.
Nhưng cũng chính vì ngày xưa khó khăn như thế, mỗi bức ảnh chụp đều có chiều sâu hơn, vì đó là thành quả lao động nghệ thuật, của sự trăn trở, suy đi tính lại, ăn chắc rồi mới bấm máy.
Thời bao cấp ăn còn chẳng đủ, lấy đâu tiền mà mua phim. Nhưng đã yêu thích, đam mê thì phải biết hy sinh cho nó... Chụp ảnh văn nghệ sĩ, tôi không bao giờ tính tiền họ, vì họ thường rất nghèo. Nhưng những lúc bán được tranh thì các ông ấy lại dúi tiền cho tôi. Đó là tình cảm…
- Với khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc, làm thế nào ông có thể lưu giữ được những tấm phim quý đó mấy chục năm qua?
- Phim hỏng nhiều lắm, nhưng soạn phim nào có giá trị thì đã lọc riêng, cất riêng một chỗ. Từ ngày xưa, tôi đã tự ý thức về việc lưu giữ phim làm tư liệu. Nhờ quen biết với những người làm ở xưởng phim, tôi học được cách để lưu giữ phim của họ.
Hồi xưa, chưa có túi đựng phim đâu, mà chỉ cắt phim ra rồi để trong bao ni lông, chỗ thoáng gió không nồm, ẩm mốc. Phim đen trắng nên cũng giữ được tốt hơn, không bị bay màu.
- Trong gia tài hàng vạn bức ảnh của ông hẳn không chỉ là ảnh chân dung văn nghệ sĩ?
- Ngoài ảnh về con người, tôi cũng thường chụp nhiều ảnh phong cảnh, đặc biệt là phong cảnh ở miền núi. Phong cảnh là một trong những dòng tôi yêu thích vô cùng. Từ Bắc vào Nam, từ mũi Cà Mau, Quảng Ninh lên đến Mường Tè, Lai Châu… nơi nào tôi cũng đến cả.
Vợ tôi bây giờ thi thoảng vẫn nhắc lại những tai nạn khi săn ảnh, lần thì rơi xuống biển, lần thì ngất xỉu trong rừng vì vắt cắn.
- Triển lãm và sách ảnh Những người muôn năm cũ đã nhận được phản hồi rất tích cực từ người xem. Song trong kho của mình, dường như ông vẫn còn nhiều hình ảnh quý được lưu giữ, liệu công chúng có thể chờ đợi nhiều hơn nữa trong thời gian tới?
- Kho tư liệu ảnh của tôi bao gồm các cuộn phim được gom lại, cất giữ cẩn thận, nặng tới 10kg. Nhưng số lượng nhiều như vậy nên theo thời gian chắc chắn có nhiều cuộn phim bị hỏng hoặc chất lượng phim giảm xuống. Trong số đó có ảnh các ông: Đoàn Chuẩn, Doãn Mẫn, Nguyễn Văn Tý..., tôi chưa tìm được phim.
Ở tuổi này mắt kém, nhìn một lúc đã nhòe, nên phải có người giúp mới có thể soạn phim được. Để tiếp tục chọn ảnh cho triển lãm tiếp theo thì tôi chưa chắc.
Triển lãm lần này là do con trai tôi scan giúp, còn để số hóa toàn bộ kho tư liệu ảnh thì thật sự khó khăn. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ có đủ thời gian và có thêm người hỗ trợ chuyển những cuộn phim thành tài liệu kỹ thuật số, lưu giữ đến sau này. 
Theo THU HÀ thực hiện (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.