Sáng ngày 30-10, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM tổ chức Hội thảo “Nguyễn Vỹ-Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà thơ, nhà báo… Nguyễn Vỹ.
Hội thảo “Nguyễn Vỹ - Cuộc đời và sự nghiệp” đã trình bày những nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nguyễn Vỹ - một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX vào sự nghiệp văn hóa, văn học và báo chí.
Hội thảo đã nhận được tất cả 36 tham luận của 35 nhà nghiên cứu, trong đó có 29 nhà nghiên cứu ngoài tỉnh Quảng Ngãi, 6 nhà nghiên cứu trong tỉnh và 9 người có báo cáo là thân nhân gia đình Nguyễn Vỹ.
Các tham luận tập trung nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Vỹ, kiểm kê lại các tác phẩm thơ của ông, giá trị nội dung nghệ thuật, cá tính sáng tạo, đặc điểm thi pháp trong thơ ông.
PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường ĐH KHXH và NV TPHCM phát biểu tại hội thảo. |
PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM, cho rằng một trong những cách tân quan trọng về thơ của Nguyễn Vỹ là chú ý đến hình thức sắp đặt bài thơ, bài thì ziczac, bài thì hình thoi,… điều mà sau này người ta gọi là “Thơ thị giác”. Thơ thị giác khá phát triển gần đây, được coi là một trong những cách tân quan trọng của thơ ca đương đại. Nhưng ít ai ngờ là người đưa thơ thị giác theo kiểu phương Tây vào thơ ca Việt Nam là Nguyễn Vỹ với trường phái thơ Bạch Nga.
Tuy nhiên, Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề mà theo PGS.TS Đoàn Lê Giang là cần phải xác lập một tiểu sử đầy đủ, chính xác về cuộc đời Nguyễn Vỹ; sưu tầm, ghi chép chính xác các tác phẩm của ông, tìm hiểu giá trị, đặc điểm thi pháp thơ, văn xuôi nghệ thuật, thảo luận về những cách thức đưa các giá trị của sự nghiệp văn học của Nguyễn Vỹ đối với hậu thế…
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Về sự nghiệp báo chí, TS. Trần Hoài Anh, nhận định, trong quan điểm của Nguyễn Vỹ, một tờ báo có căn bản nghề nghiệp, dù là nhật báo hay tuần báo luôn được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ chứ không bao giờ được bừa bãi. Nó là một cơ quan dù là của tư nhân, nhưng vẫn có tính cách công cộng vì ảnh hưởng của nó trong quần chúng rất rộng lớn […]..
Chính Vũ Bằng, một nhà văn, nhà báo, nhà thơ, cũng xác quyết: Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo cũng là trong số những người đáng kính nể nhất.
TS. Trần Hoài Anh cho rằng, một phẩm tính khác trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam trước năm 1975 về tính cách một người viết văn, làm báo dấn thân Nguyễn Vỹ, theo tinh thần của một nhà văn dấn thân mà Sartre đã từng nói, đó là việc thành lập Thi văn đoàn Thằng Bờm ở hầu hết trên các tỉnh lãnh thổ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ… Mà như tác giả Tú Xe đề cập đến Nguyễn Vỹ, bởi cái lối viết “hì hục” viết suốt một đời người, viết đến toát mồ hôi của anh.
Thông qua Hội thảo, sự nghiệp của Nguyễn Vỹ được đánh giá đúng mức, tác phẩm của ông được định vị trong lịch sử văn học dân tộc, tên tuổi của ông được vinh danh tại quê nhà, tiếp nối truyền thống Núi Ấn Sông Trà với những danh nhân văn học khác Trương Đăng Quế, Bích Khê….
Hội thảo cũng dẫn đề nghị cần vinh danh Nguyễn Vỹ, lập nhà lưu niệm cũng đặt tên đường ở Quảng Ngãi.
Bàn làm việc của Nguyễn Vỹ tại Sài Gòn |
Nguyễn Vỹ, sinh năm 1910 tại làng Tân Hội (sau đó đổi thành Tân Phong, sau năm 1945 đổi là Phổ Phong), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.
|
Nguyễn Trang (sggp)